Công lý cho dân xã Đồng Tâm: Khởi điểm tốt nhưng đường còn dài

  • Phải theo dõi sát và sẵn sàng đối phó

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 27 tháng 4, 2017

http://machsongmedia.com

Cuộc họp ngày 22 tháng 4 vừa qua giữa đại diện của 6000 dân xã Đồng Tâm với Chủ Tịch UBND Thành Phố Hà Nội đã hoá giải được cuộc đối đầu giữa dân và chính quyền đã kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Vị Chủ Tịch UBND TP Hà Nội đã làm bản cam kết. Một trong những điều cam kết là thanh tra toàn diện quá trình quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm trong vòng 45 ngày — nay còn 40 ngày. Thái độ hợp lý hợp tình của vị đứng đầu thành phố cho phép người dân xã Đồng Tâm tin rằng, cuối cùng ước vọng công lý của họ sẽ được đáp ứng thoả đáng.

Thành ngữ của Nga có câu, “tin nhưng kiểm chứng.” Việc kiểm chứng đòi hỏi sự theo dõi sát sao và chi li từng diễn tiến trong thời gian dài tới đây để bảo đảm rằng tiến trình thanh tra phải công bằng, rốt ráo và minh bạch. Mọi giới chức, bất luận ở cấp nào và kể cả cấp thành phố và bộ Quốc Phòng, có hành vi tham nhũng hay cố tình làm sai luật sẽ bị trừng trị đích đáng. Và người dân sẽ không ai bị trừng trị vì đã tố giác tham nhũng.

Để hỗ trợ người dân xã Đồng Tâm trên hành trình đi tìm công lý, BPSOS sẽ chuẩn bị sẵn hồ sơ và sẵn sàng đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu theo một trong hai hướng:

(1)   Nếu các giới chức tham nhũng bị truy tố, thì chính hồ sơ truy tố ấy sẽ giúp chúng tôi thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ chế tài họ.

(2)   Bằng ngược lại, nếu có sự bao che cho các giới chức tham nhũng thì đấy là yếu tố giúp chúng tôi truy trách nhiệm lên cấp trên và đề nghị chế tài họ.

Tôi đã giải thích phương cách này trong bài viết ngày 20 tháng 4, có tựa đề “Cướp đất ở Đồng Tâm: Có áp dụng được Luật Magnitsky Toàn Cầu?”. Trong bài viết tôi kêu gọi một nhóm nào đó ở trong hay ngoài nước “kết nghĩa” với dân xã Đồng Tâm để:

(1) Thu thập và phối kiểm các thông tin cần thiết, lập hồ sơ và cập nhật hồ sơ;

(2) Yểm trợ và hướng dẫn cho người dân cách tự phòng vệ;

(3) Duy trì sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước;

(4) Theo dõi mọi diễn tiến để kịp thời báo động cho chúng tôi can thiệp nếu cần.

May mắn là có nhóm đã hưởng ứng. Việc đầu tiên của nhóm này là tổng hợp các thông tin thành hồ sơ để sẵn sang áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu. Bản thông tin tổng hợp này chưa hoàn chỉnh và cần được phối kiểm hay bổ sung – chúng tôi cần sự tiếp tay của những ai biết chuyện hay có tư liệu. Xin xem hồ sơ ở cuối bài.

Bài liên quan:

Cướp đất ở Đồng Tâm: Có áp dụng được Luật Magnitsky Toàn Cầu?
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1208-2017-04-21-03-04-25

——————————————————————————-

Tổng hợp thông tin vụ việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm

1.Nguồn gốc đất và văn bản liên quan

– Năm 1980, Phó Thủ tướng Đỗ Mười (sau này làm Tổng bí thư) ý Quyết định số 113/Ttg, thu hồi 208 ha đất nông nghiệp của 3 xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc thuộc huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm thuộc huyện Mỹ Đức (trong đó Đồng Tâm bị thu hồi 47,36 ha) để mở rộng sân bay Miếu Môn. (Chúng tôi cần văn bản này.)

– Tuy nhiên, dự án bất khả thi (có thể vì lý do ngân sách và quy hoạch xung đột với tuyến bay dân dụng Nội Bài, Gia Lâm), số đất bị thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng được trao cho Lữ Đoàn 28, thuộc D31 quân chủng phòng không, không quân quản lý (không rõ thời gian và không biết có văn bản giao đất cho đơn vị này hay không). Cũng phải nói thêm, Cục hàng không từng nghiên cứu, đưa Miếu Môn vào tầm ngắm dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhưng bất khả thi.

– Năm 2007 Lữ đoàn 28 mới vẽ sơ đồ và cắm mốc giới bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi (47,36 ha) cho UBND xã Đồng Tâm. Ngày 30/7/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm kí xác nhận và quản lí. Cùng ngày, UBND xã Đồng Tâm xác nhận mốc giới, phân định rõ ràng giữa đất Quốc phòng và đất nông nghiệp. Từ đó, Nhân dân xã Đồng Tâm hy vọng, sau khi được nhận bàn giao mốc giới sẽ được nhận lại đất để tiếp tục sản xuất nông nghiệp – (Báo Người Cao tuổi số 6 ngày 12/1/2016). Tuy nhiên, sau đó dân phát hiện những vụ chuyện chuyển nhượng đất liên quan đến cả cán bộ xã và quân đội, nên dân đã làm đơn tố cáo.

– Năm 2014 ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ký Quyết Định số 5383/QĐ – UBNDTP tăng diện tích thu hồi thêm 28ha. Như vậy số đất quân đội được phép sử dụng đã tăng lên 236ha (208ha + 28ha). (Chưa tìm thấy quyết định này cho nên chưa rõ 28ha lấy thêm là từ đâu, có thuộc đất nông nghiệp của dân xã Đồng Tâm không.)

– Ngày 27/3/2015 Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng ra Quyết Định số 551/QĐTM (chưa tìm thấy văn bản của quyết định này) về việc thu hồi 50,03ha đất quốc phòng hiện D31 đang quản lý, để bàn giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46 ha thuộc xã Đồng Tâm. (Chưa rõ 50,03ha này nằm trọn trong vùng đất nông nghiệp hay có cả một phần trong đất quốc phòng.)

2.Nguyên nhân tranh chấp xung đột

2.1.Xẻ đất cho các cá nhân

– Các xung đột đất đai tại khu vực đất quân sự do Lữ Đoàn 28 quản lý có từ năm 1974. Nhân chứng bám sát sự kiện này là ông Lê Đình Kình, người lúc đó là cán bộ hợp tác xã, chịu trách nhiệm chứng nhận cho ông Nguyễn Văn Chanh (bộ đội) mượn (chưa rõ diện tích là bao nhiêu).

– Năm 1990 ông Chanh không trả lại đất cho Hợp tác xã mà bán lại cho ông Trần Ngọc Viễn. Sau đó, ông Viễn làm di chúc thừa kế cho 07 người con và chuyển nhượng đất cho một loạt cá nhân khác; tất cả các văn bản chuyển nhượng và di chúc thừa kế cho thấy hàng nghìn mét vuông đã bị chuyển nhượng trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2012. Tất cả các giấy tờ xác nhận này đều do cán bộ xã đương nhiệm thời điểm đó ký chứng nhận. Mấu chốt của xung đột là, mặc dù năm 2007 đã hứa trả lại đất nông nghiệp cho dân nhưng UBND lại “dung túng” cho một số cá nhân tư lợi. Người dân đã viết đơn thư tố cáo.

– Tháng 5/2014 UBND huyện Mỹ Đức phản hồi nội dung tố cáo của dân xã Đồng Tâm rằng: “diện tích đất do gia đình ông Trần Ngọc Viễn (đội 13, thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm) sử dụng là đất của Quốc phòng”. Kết luận này dựa trên buổi làm việc ngày 21/3/2014 giữa đoàn Thanh tra với đơn vị D31- Lữ đoàn 28. Do là đất của Quốc phòng nên UBND huyện “không xác minh” nội dung khiếu kiện.

– Ngày 23/10/2014, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân có Thông báo số 916A/TB-LĐ do Lữ đoàn trưởng Trịnh Văn Chuyển kí, kết luận lô đất mà ông Viễn và ông Nguyễn Văn Toán (người cũng được đặc quyền sử dụng khu đất này) nằm trong khu vực đất quốc phòng. Trong khi đó, người dân lấy căn cứ sơ đồ bàn giao mốc giới ngày 30/7/2007 của đơn vị với UBND xã Đồng Tâm thì khẳng định rằng các mảnh đất của ông Viễn và của ông Toán nằm trong khu vực đất nông nghiệp. Nghĩa là UBND đã xẻ đất trái pháp luật.

2.2. Nhập nhèm giữa đất nông nghiệp và đất quốc phòng

– Từ sau Quyết Định số 551/QĐTM ngày 27/3/2015 của Bộ Quốc phòng, người dân Đồng Tâm đã nhiều lần làm đơn khiếu kiện.

– Từ cuối tháng 2/2017, Viettel đã cắm biển “khu vực quân sự” tại Đồng Sênh, cho máy móc thi công, nhưng dân đã tìm cách ngăn cản.

– Người dân cho rằng khu đất Đồng Sênh là nơi người dân canh tác hàng chục năm qua. Họ muốn chính quyền thành phố làm rõ trắng, đen ranh giới đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng và khi thu hồi cần có giấy tờ cụ thể cũng như việc giao đất cho Viettel có đúng không. Tuy nhiên, thông tin từ chính quyền Hà Nội lại cho rằng, do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nên người dân đã “lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng”, và cho rằng số công dân khiếu kiện tại địa bàn đang có nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự cho địa bàn và khu vực đất quốc phòng với tính chất phức tạp ngày càng tăng.

3. Diễn biến tranh chấp xung đột

– Từ giữa tháng 11/2016, người dân Đông Tâm tổ chức nhiều hoạt động như tập trung người để phản đối và ngăn chặn chính quyền kiểm kê và bàn giao diện tích đất cho Viettel; tổ chức tuần hành đông người kéo đến Trụ sở tiếp dân của Trung ương để gửi đơn khiếu kiện…

– Trong các ngày 15, 19, 22, 24, 25, 26, 27, 28/2/2017, người dân Đồng Tâm tổ chức phản đối, ngăn chặn việc cắm biển, chăng dây xác định mốc giới của các chính quyền và Viettel, như việc tháo dỡ dây phản quang và nhổ biển báo “Khu vực quân sự” tại khu vực này; đưa máy móc (4 máy cày, 1 máy xúc), thiết bị, vật tư nông nghiệp vào canh tác trên khu vực Đồng Sênh.

– Ngày 1&7/3/2017, đông đảo người dân tập trung tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm để phản đối khi các đoàn công tác của huyện Mỹ Đức đến. Người dân đã đóng cổng UBND xã không cho các phương tiện của lãnh đạo huyện Mỹ Đức rời khỏi trụ sở UBND xã.

– Ngày 10/3/2017: Người dân dựng 1 túp lều để bảo vệ diện tích hoa màu đang gieo trồng, dựng cổng chào bằng tre, gỗ phía trước lều.

– Các ngày 13, 14, 15, 16/3: Người dân đổ đá mạt làm đường rộng 2,5m, dài khoảng 20m dẫn từ cổng chào vào lều; đồng thời đào và xây giếng khơi, xây bể nước, cắm cờ dọc đường 429 trong khu vực đất Đồng Sênh, căng 3 băng rôn tại các điểm ranh giới đất Đồng Sênh với nội dung “Đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm”.

– Ngày 16/3/2017: Người dân dựng 1 gian nhà lợp mái tôn diện tích khoảng 12m2 cạnh vị trí lều.

– Ngày 17/3/2017: Người dân dựng 1 gian bếp bằng mái tôn cạnh lều để phục vụ việc sinh hoạt của những người được phân công gác trực ở đây.

– Ngày 30/3/2017, Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng” tại xã Đồng Tâm theo Điều 245. Đồng thời, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 và vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999. Công an Hà Nội đã 3 lần triệu tập một số người dân nhưng không ai dám tới vì sợ “mắc bẫy”.

– Ngày 15/4/2017, Công an Hà Nội đã mời 4 người dân Đồng Tâm, trong đó có cụ Nguyễn Đình Kình 82 tuổi, ra gặp để xác định mốc giới, nhưng rồi lừa bắt họ với cáo buộc gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999. Vụ bắt giữ này đã khiến cụ Kình bị gãy chân.

– Ngay sau khi Công an triển khai bắt giữ 4 người dân đia phương đi, người dân đã tập trung bao vây, không cho ô tô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn và giữ 38 người là viên chức huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động Thành phố Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Đồng thời người dân tăng cường bố trí người trực, lập các chốt chặn bằng gạch, đá, cây gỗ lớn, dây thép gai, thậm chí cả tủ lạnh, bàn ghế cũ đề phòng chính quyền bất ngờ đánh úp.

– Ngày 16/4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chính thức phát thông tin liên quan đến vụ việc người dân giữ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát ở xã Đồng Tâm.

– Ngày 17/4, người dân thôn Hoành cho biết họ đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội.

– Đến ngày 18/4, Công an Hà Nội cho biết người dân Đồng Tâm đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người tự giải thoát. Đồng thời, 4 người dân Đồng tâm bị bắt trước đó đã được thả. Riêng cụ Lê Đình Kình vẫn nằm viện điều trị tại Bệnh viện Việt Đức nhưng người thân không được tiếp cận. Nguyên nhân cụ Kình bị thương sau đó được chính ông Nguyễn Đức Chung công khai là do bị “ném lên ôtô”.

– Liên quan đến việc sai phạm “xẻ thịt đất” của chính quyền xã Đồng Tâm, cũng trong ngày 18/4, thành uỷ và công an Hà Nội mới cho biết đã có 8 đảng viên bị khai trừ, cách chức 1, cảnh cáo 1, khiển trách 5 (nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch xã, nguyên trưởng công an xã Đồng Tâm), khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 bị can (nguyên chủ tịch xã, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm), cho tại ngoại nguyên bí thư xã (cụ Kình) do lý do sức khỏe. Người theo dõi sự việc tự đặt câu hỏi, các quyết định đó được ký khi nào mà đến thời điểm này thông tin kỷ luật và khởi tố cán bộ xã co liên quan mới được công khai?

– Chiều cùng ngày, Thường trực Thành ủy Hà Nội thông tin việc phân công ông Chung chủ động tiếp xúc, đối thoại và giải quyết bức xúc của người dân. Trước những động thái đó, tình hình tại Đồng Tâm vẫn rất căng thẳng. Người dân cảnh giác cao độ, an ninh thắt chặt, nhiều chốt chặn đường mới được lập thêm, người canh gác được tăng cường. Người lạ có ý định vào làng, thậm chí mới đi qua tỉnh lộ 491 ngoài thôn Hoành cũng có thể bị kiểm tra giữ lại khám người.

– Đến ngày 19/4, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TP Hà Nội đã về gặp gỡ dân Đồng Tâm. Cùng lúc, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng, đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội lập tổ công tác đối thoại với người dân.

– Ngày 20/4/2017, Viện Kiểm sát Hà Nội ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Quyết định hủy bỏ tạm giam đối với các ông Lê Đình Kình, Lê Đình Ba, Lê Đình Công.

– Chiều 20/4, ông Nguyễn Đức Chung có mặt tại huyện Mỹ Đức để đối thoại với người dân Đồng Tâm. Ba chiếc xe khách đỗ bên ngoài thôn cùng giấy mời được gửi về tận các xóm, nhưng cuối cùng chỉ đón được một số lãnh đạo chủ chốt của xã lên họp. Người dân không tới họp, người dân dùng từ “Không dám tới họp” để nói về việc đối thoại với lãnh đạo thành phố nếu diễn ra ngoài địa giới xã Đồng Tâm. Họ mong ông Chung về tận thôn, để lắng nghe và hiểu rõ sự tình.

– Trong khi đó, cuộc làm việc giữa ông Chung với lãnh đạo xã, huyện mang đến những tín hiệu tích cực. Người đứng đầu chính quyền thành phố cam kết “không tấn công vào thôn để giải cứu người bị bắt giữ”; đồng thời, ông công bố quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm trong vòng 45 ngày. Một thông điệp quan trọng khác mà ông Chung khẳng định là việc sẽ tìm cách đối thoại trực tiếp với người dân. Đổi lại, người dân Đồng Tâm cam kết đảm bảo “an toàn tuyệt đối một trăm phần trăm” cho ông Chung khi về làng.

– Ngày 21/4, người dân thả Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức. Người dân Đồng Tâm xin lỗi, viết tâm thư trình bày lý do dẫn đến hành vi sai trái và mong được Chủ tịch thành phố “dang tay cứu vớt”. Cũng trong ngày, liên tục nhiều cuộc điện thoại trao đổi diễn ra giữa ông Chung với các vị bô lão, đại diện người dân. Một cuộc đối thoại tại xã Đồng Tâm được thống nhất thời gian, địa điểm.

– Ngày 22/4, tại trụ sở xã Đồng Tâm vào lúc 10h00, 50 người đại diện dân Đồng Tâm đã đối thoại với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện của Quốc hội, các bộ, ngành, thành phố và huyện Mỹ Đức. Cuộc thương lượng diễn ra vài tiếng đồng hồ. Cuối cùng hai bên đạt các thỏa thuận:

  • Nhân dân Đồng Tâm nhận sai do không hiểu biết pháp luật. Người dân mong muốn ông Chung dang tay cứu vớt, tha thứ, đừng truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Đáp lại, ông Chung chủ tịch Hà Nội, cam kết 3 điểm: thanh tra xác định rõ ranh giới đất nông nghiệp và đất quốc phòng; không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm; điều tra, xác minh, xử lý việc bắt giữ và gây thương tích cho cụ Kình.

– Gần 15h chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các đại diện ký bản cam kết và công bố trước toàn thể người dân Đồng Tâm.

– Sau khi đối thoại, Đoàn công tác và đại diện người dân đến Nhà văn hóa thôn Hoành để đón nhận 19 cảnh sát cơ động Hà Nội vẫn còn bị dân giữ. Cuộc bàn giao diễn ra suông sẻ.

Viết một bình luận