Phái Đoàn Ngư Phủ Việt Đến Hoa Thịnh Đốn Vận Động Quyền Lợi

Một phái đoàn gồm 5 đại diện cho giới ngư phủ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vụ dầu tràn ngày hôm nay đến Hoa Thịnh Đốn để trình bày nguyện vọng và đưa đề nghị đến với nhiều giới chức chính quyền Liên Bang.

Tại buổi tiếp xúc sáng ngày 15 tháng 11 với Bà Bộ Trưởng Lao Động Hilda Solis và các nhân viên cao cấp của Bộ Lao Động, phái đoàn kêu gọi chính phủ Liên Bang tạo công ăn việc làm tạm thời cho các ngư phủ hiện đang thất nghiệp.

Anh Vinh Trần, nhân viên BPSOS đến từ Bayou La Batre, Alabama, cho biết có nhiều trường hợp ngư phủ Việt đã bị quịt lương khi họ được mướn đi vớt dầu cho BP.

Nhân viên của Bộ Lao Động cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với BPSOS và các hiệp hội ngư phủ Việt để giải quyết các trường hợp như vậy cũng như để phổ biến thông tin bằng Việt ngữ đến các ngư phủ Việt ở khắp vùng Vịnh.

 “Chúng tôi rất cảm ơn Bà Bộ Trưởng đã từng đích thân đến thăm vùng Vịnh và tìm cách giúp đỡ những ngư phủ như chúng tôi”, Bà Tuyết Nguyễn. đến từ Mississippi, phát biểu.

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, đề nghị Bộ Lao Động mở chương trình tạo việc làm lâu dài cho những ngư phủ có thể sẽ không thể trở về nghề đánh cá trong nhiều năm tới đây: “Nhiều ngư phủ cho tôi biết là họ ra biển nhưng không còn tôm hay sò để đánh.”

Trước khi chia tay Bà Bộ Trưởng Solis nhắn nhủ rằng Bà rất mong gặp lại phái đoàn trong vài tháng để lắng nghe các phản hồi của họ.

Buổi chiều cùng ngày, phái đoàn họp với Ls. Kenneth Feinberg, người đươc Tổng Thống Obama chỉ định để quản trị số tiền 20 tĩ Mỹ kim của BP để bồi thường cho các nạn nhân của vụ dầu tràn.

Bà Lưu Nguyệt Bình, Chủ Tịch Hiệp Hội Ngư Phủ Việt Nam Ở Texas, nêu lên những khó khăn mà chính Bà cũng như nhiều bạn ngư phủ đã gặp phải.

“Gia đình chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại và cho đến nay vẫn chưa nhận được khoản bồi thường nào”, Bà Bình nói.

Cô Kelly Hồ, Tổng Thư Ký của Hiệp Hội, cũng nêu ra nhiều khó khăn mà ngư phủ Việt đã gặp phải trong thủ tục nộp đơn xin bồi thường. Cô đặc biệt nhấn mạnh về khoản bồi thường cuối cùng: “Thật khó khăn để dự phóng được mức độ thiệt hại lâu dài vì không ai biết được vụ dầu tràn sẽ ảnh hưởng đến ngư nghiệp trong thời gian kéo dài bao lâu.”

Sau khi lắng nghe các vấn đề quan tâm của ngư phủ Việt Nam, Ông Feinberg cho biết bắt đầu tuần tới Ông sẽ có một tốp nhân viên người Việt chuyên giải quyết các hồ sơ gặp khó khăn.

Khi Luật Sư Vinh Hồ của văn phòng BPSOS ở Houston cho biết rằng một số luật sư đã nhận đại diện cho ngư phủ Việt và chặn lấy một phần số tiền bồi thường khẩn cấp, Ông Feinberg tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Chủ trương của Ông là chỉ gủi tiền bồi thường khẩn cấp trực tiếp đến các ngư phủ mà thôi. Ông yêu cầu BPSOS thu thập các trường hợp như vậy để chính Ông sẽ đích thân giải quyết.

Ông Feinberg cũng yêu cầu BPSOS đứng ra tổ chức buổi tiếp xúc với các ngư phủ Việt nhằm công bố và giải thích thể thức mới bắt đầu áp dụng ngày 23 tháng 11 tới đây. Hai bên dự trù sẽ thực hiện các buổi tiếp xúc như vậy vào dầu tháng 12.

Trong ngày thứ hai ở DC, phái đoàn ngư phủ sẽ tiếp xúc với các nhân viên và dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ và với Toà Bạch Ốc cũng như các cơ quan liên bang hữu trách về vụ dầu tràn.

Chuyến đi của phái đoàn ngư phủ được tổ chức bởi BPSOS nhằm tạo tiếng nói cho hàng ngàn gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng bởi vụ dầu tràn.

Từ sau vụ dầu tràn đến nay BPSOS đã huy động nhân viên và thiện nguyện viên để giúp cho khoảng 2 ngàn gia đình xin các khoản trợ giúp khẩn cấp từ BP hay từ chính phủ.

Trong thời gian gần đây, BPSOS khuyến khích và hỗ trợ các nhóm ngư phủ thành lập hiệp hội để họ có tiếng nói trực tiếp với các giới chức hữu trách. Để thực hiện điều này Ts. Thắng đã tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng ngư phủ Việt ở bốn tiểu bang Alabama, Mississippi, Louisiana và Texas.

Cùng tham gia phái đoàn ngư phủ trong chuyến đi DC còn có Ông Kiều Văn Thiết đến từ Mississippi, Ls. Irene Recio, Giám Đốc về Dịch Vụ Pháp Lý và Vận Động của BPSOS và Ls. Phan Quốc Cường, Giám Đốc Truyền Thông và Huy Động Công Dân của BPSOS. 

Hãng hàng không Southwest Airlines đã tài trợ vé máy bay cho phái đoàn ngư phủ đến Hoa Thịnh Đốn vận động.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com]

Viết một bình luận