10 năm hậu CPC, Việt Nam vẫn đàn áp tôn giáo

  • Uỷ Hội Hoa Kỳ: Sẽ kêu gọi chỉ định Việt Nam là quốc gia CPC

Mạch Sống, ngày 9 tháng 2, 2017

http://machsongmedia.com

Hôm nay Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF, US Commission on International Religious Freedom) phổ biến tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam nhân đánh dấu 10 năm chính phủ Hoa Kỳ ngưng chỉ định Việt Nam là quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC).

Nhân dịp công bố tài liệu, Lm. Thomas Reese, Chủ Tịch USCIRF, phát biểu:

“Nếu Việt Nam không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế, USCIRF sẽ tiếp tục kêu gọi chỉ định Việt Nam là quốc gia CPC.”

Ngày 15 tháng 9, 2004 Hoa Kỳ đã công bố đưa Việt Nam vào danh sách CPC; ngày 13 tháng 11, 2006 thì Việt Nam được gỡ khỏi danh sách này.  Theo phân tích của USCIRF thì đây là trường hợp duy nhất trên thế giới mà Hoa Kỳ đã ngưng chỉ định CPC một quốc gia thuần tuý dựa trên những hứa hẹn thay vì dựa trên sự cải thiện thực sự về tự do tôn giáo.

Lm. Reese và phái đoàn USCIRF tiếp xúc đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài ở Sàigòn, ngày 25/08/2015

Phúc Trình Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2005 cho biết là chính phủ Việt Nam đã cam kết:

“… thực hiện đầy đủ các luật mới về các hoạt động tôn giáo và bãi bỏ các luật lệ trước đây không còn thích hợp; chỉ thị cho các chính quyền địa phương tuân thủ triệt để và đầy đủ chế tài mới và bảo đảm họ phải tuân thủ; xúc tiến thủ tục cho các tổ chức tôn giáo có thể lập ra các nơi thờ phụng, và; chú trọng đặc biệt đến các tù nhân và các trường hợp đáng quan ngại được Hoa Kỳ nêu ra trong khi ân xá tù nhân.”

Tuy nhiên, sau khi được đưa ra khỏi danh sách CPC, tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đã gia tăng thay vì giảm đi. Theo tài liệu của USCIRF, “…chỉ hai tháng sau khi được đưa ra khỏi danh sách CPC, chính phủ nước này phát động một cuộc trừng phạt những người đấu tranh và bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, gồm có nhiều chức sắc tôn giáo mà trước đây là những người đứng đầu bênh vực cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong số những người bị bắt là Linh mục Nguyễn Văn Lý, và luật sư Nguyễn Văn Đài, cả hai người này đều đấu tranh bênh vực cho tự do tôn giáo.”

Tài liệu của USCIRF đặc biệt chú ý đến Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo được Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 11, 2016:

“Luật này có một số ngôn ngữ tích cực… Tuy nhiên, nhiều tổ chức tôn giáo và các nhà quan sát quốc tế nhận thấy là luật này có những khiếm khuyết cơ bản vì nó sẽ tăng cường việc chính phủ kiểm soát đời sống tôn giáo và khiến cho các hoạt động trở nên hoàn toàn “bất hợp pháp” trước pháp luật. Luật này cũng sẽ giới hạn tự do tôn giáo hay niềm tin bằng những điều khoản về an ninh quốc gia có từ ngữ mơ hồ và được hiểu chung chung.“

Tài liệu của USCIRF kết luận:

“Chắc chắn là Việt Nam đã cải thiện những điều kiện tự do tôn giáo trong 40 năm từ khi cộng sản nắm quyền, ngay cả trong 10 năm từ khi được đưa khỏi danh sách CPC, nhưng các vi phạm tự do tôn giáo vẫn diễn ra khiến nước này hội đủ các tiêu chuẩn CPC chiếu theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.”

Cuối tháng 8 năm 2015, USCIRF thực hiện chuyến thị sát để tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Phái đoàn, dưới sự phối hợp của Lm. Reese, đã tiếp xúc một số cộng đồng tôn giáo độc lập, trong đó có Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài. Sau chuyến thị sát, USCIRF đã có bản tường trình và đã góp ý với chính quyền Việt Nam về những điểm bất cập trong dự thảo luật.

Sau đó, nhân sự của USCIRF đã nhiều lần tiếp xúc đại diện của các cộng đồng tôn giáo độc lập của Việt Nam tại một số diễn đàn, như Diễn Đàn Tự Do Tôn Giáo Á Châu – Thái Bình Dương được tổ chức ở Đài Loan vào tháng 2 năm 2016 hay Hội Nghị Tư Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á do BPSOS tổ chức ở Đông Timor đầu tháng 8, 2016.

Ngày 1 tháng 2, 2017 Lm. Reese tham gia buổi hội thảo về sách lược chung nhằm thúc đẩy nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo, ở Việt Nam trong bối cảnh Hành Pháp Trump đang hình thành chính sách đối ngoại.

USCIRF được thành lập năm 1998 bởi Quốc Hội nhằm tư vấn cho Quốc Hội và Tổng Thống Hoa Kỳ về các quyền tự do tôn giáo quốc tế. Từ năm 2002, USCIRF năm nào cũng đề nghị Bộ Ngoại Giao chỉ định Việt Nam là quốc gia CPC.

Tài liệu kể trên của USCIRF được dịch sang tiếng Việt để phổ biến vào Việt nam.

 

Lm. Reese tại buổi hội thảo do BPSOS tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 01/02/2017 (ảnh BPSOS)

Bài liên quan:

RELIGIOUS FREEDOM IN VIETNAM Assessing the Country of  Particular Concern Designation  10 Years After its Removal

Tự do Tôn Giáo ở Việt Nam Đánh giá để Đưa vào Danh Sách các Quốc gia Đáng Tâm Đặc Biệt 10 năm sau khi Dỡ bỏ

Phúc trình của USCIRF về Việt Nam năm 2016
http://www.uscirf.gov/sites/default/files/Vietnam%202016_Vietnamese.pdf

Uỷ Hội HK: chính phủ Việt Nam hãy ngừng can thiệp nội bộ tôn giáo
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1077-2016-02-26-20-22-26

Hội thảo về sách lược chung để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1185-2017-02-02-23-58-39

***

Mọi đóng góp yểm trợ cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam của BPSOS, xin gởi về:

BPSOS/CSD

6066 Leesburg Pike, Suite 100

Falls Church, VA 22041 USA

Mọi đóng góp sẽ được khai trừ thuế theo luật Hoa Kỳ.

Viết một bình luận