Cứu Đông Yên: Lời kêu gọi đồng hành

  • Mũi nhọn cho kế hoạch tập trung và trường kỳ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 10 tháng 12, 2016

http://machsongmedia.com

Chiến dịch Cứu Đông Yên, được phát động đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay, là một nỗ lực trường kỳ và tập trung để đòi công lý cho tất cả những người dân đang gánh chịu thiệt hại do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra. Chiến dịch này áp dụng cùng công thức của chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” trước đây.

Chiến dịch Cứu Đông Yên có 3 mục tiêu:

(1) Ngay lập tức tạo nguồn sinh kế thay thế cho người dân để họ có thể tranh đấu trường kỳ.

(2) Nội trong 24 tháng hoàn toàn đẩy lùi mối đe doạ cưỡng chế và xoá sổ toàn bộ giáo xứ;

(3) Nội trong 48 tháng hoàn tất việc đòi Formosa bồi thường tương xứng với mức thiệt hại và hoàn toàn phục hồi sinh kế.

Các mục tiêu này được đề ra dựa vào 6 năm kinh nghiệm của BPSOS khi giúp hàng chục nghìn đồng bào Việt Nam thuộc 4 tiểu bang ở miền nam Hoa Kỳ đối phó với vụ ô nhiễm biển năm 2010 do giàn khoan của công ty xăng dầu BP gây ra.

Giáo Xứ Đông Yên và nhà máy gang thép Formosa ở Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh

Tại sao Đông Yên?

Chúng tôi chọn Giáo Xứ Đông Yên ở Xã Kỳ Lợi, Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh vì những yếu tố thuận lợi sau:

(1)    Nằm sát cạnh nhà máy gang thép Formosa nên là nạn nhân trực tiếp và bị tác hại nặng nề nhất;

(2)    Có kinh nghiệm đấu tranh chống Formosa từ năm 2011, chứ không phải chờ đến sau tai hoạ môi sinh;

(3)    Bị đe doạ thường trực bởi lệnh cưỡng chế đất và chính sách đàn áp của Huyện Kỳ Anh từ năm 2012, liên quan đến yếu tố tôn giáo;

(4)    Có giáo dân đang ở ngoài Việt Nam, dễ dàng tham gia quốc tế vận trong vai trò nhân chứng.

Thay vì tản lực trên một địa bàn mênh mang, chúng tôi dồn sức vào một điểm và tập trung sự hậu thuẫn của các thành phần trong và ngoài nước. Đông Yên vừa là trường hợp điển hình để trình bày ra trước quốc tế vận, vừa là mô hình tiêu biểu cho các cộng đồng bị ảnh hưởng khác noi theo.

Ảnh chụp Giáo Xứ Đông Yên trước và sau chính sách cưỡng chế (ảnh Google Earth)

Các trọng điểm

Không thể tin vào hệ thống luật pháp của Việt Nam, chúng tôi chủ trương quốc tế hoá, bằng 2 cách:

(1)    Đòi hỏi chính quyền Việt Nam tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã ký kết: Giáo Xứ Đông Yên là trường hợp lý tưởng vì cùng lúc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhân quyền, như quyền sống trong môi trường không độc hại, quyền sinh kế, quyền sức khoẻ, quyền tự do tôn giáo, quyền văn hoá, quyền sở hữu tài sản… Điều này cho phép chúng tôi mở một mặt trận quốc tế rộng lớn với nhiều mũi áp lực, chĩa đến từ nhiều hướng.

(2)    Tạo áp lực của dư luận quốc tế: Mục tiêu của chúng tôi là đưa Đông Yên lên thành một điểm nóng của phong trào bảo vệ môi sinh đang lan rộng trên thế giới. Đồng thời, chúng tôi làm nổi bật tình trạng luật pháp tuỳ tiện, sự thiếu độc lập của ngành tư pháp, và sự thiếu minh bạch của chính quyền – những yếu tố đáng quan tâm không chỉ cho giới đấu tranh nhân quyền mà còn cho các nhà đầu tư và các doanh gia khi họ tính chuyện làm ăn ở Việt Nam.

Song song với 2 trọng điểm trên, chúng tôi còn huy động sự tương trợ ở trong nước. Chúng tôi kêu gọi các nhóm và các tổ chức, nếu đồng ý với chủ trương của chúng tôi, mỗi người góp một tay giúp cho người dân Đông Yên trong các lĩnh vực đa dạng, như nâng đỡ tinh thần, tạo sinh kế, truyền kinh nghiệm, lập hồ sơ báo cáo quốc tế nếu xảy ra vi phạm… Lực lượng xã hôi dân sự ở trong nước lúc này chưa đủ sức để đối phó toàn cục, nhưng nếu dồn sức vào một tụ điểm chung thì có cơ hội thành công.

Học sinh và phụ huynh cầu nguyện cho môi trường, Nhà Thờ Đông Yên, ngày 06/08/2016

Những điều đã thực hiện

Về tạo nguồn sinh kế thay thế, chúng tôi sẽ triển khai một dự án thử nghiệm vào mùa Xuân năm 2017. Nếu thành công, dự án có thể mở rộng cho tất cả các gia đình trong giáo xứ, với triển vọng trong 12 tháng sẽ phục hồi khoảng 60% mức thu nhập so với trước khi xảy ra tai hoạ. Mức khôi phục sẽ tăng dần sau đó. Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ công bố quỹ “Cứu Đông Yên” để vận động sự yểm trợ cho dự án thử nghiệm ban đầu.

Về quốc tế vận, chúng tôi đã sắp xếp cho một giáo dân Đông Yên tham gia hội nghị về bảo vệ môi sinh diễn ra ở Philippines trong các ngày 4-7 tháng 12. Chúng tôi cũng đã nêu vấn đề Formosa Hà Tĩnh tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN diễn ra ở Đông Timor ngày 3-5 tháng 8, và mới đây gửi văn thư đến nhiều trăm tổ chức bạn trong vùng Đông Nam Á để kêu gọi sự quan tâm và ủng hộ. Từ tháng 4 đến nay, vấn đề nhiễm độc biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã được chúng tôi nhiều lần nêu lên tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Chúng tôi cũng đã bắt đầu thu thập thông tin về các giới chức Huyện Kỳ Anh, kể cả những người đương nhiệm và những người đã mãn nhiệm. Ngay khi luật chế tài người vi phạm nhân quyền được ban hành ở Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ đề nghị chế tài các giới chức này trước hết nếu họ vẫn tiếp tục chính sách cưỡng chế, đàn áp hay sách nhiễu giáo dân Đông Yên. Chúng tôi cũng đã lên lịch cho một buổi điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ cho năm 2017, về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam; nếu cần, chúng tôi sẽ sắp xếp để một giáo dân Đông Yên tham gia.

Chúng tôi đã nối kết Giáo Xứ Đông Yên với nhóm kết nghĩa ở ngoài Việt Nam: Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu, để được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và yểm trợ tinh thần, kỹ thuật, và vật thể.

Giáo dân quyết tâm bảo vệ Nhà Thờ Đông Yên trước lực lượng cưỡng chế, ngày 17/03/2014

Bạn có thể làm gì?

Ngay lúc này những ai quan tâm đều có thể tiếp tay bằng cách:

(1)    Giới thiệu đến bạn bè trang https://www.facebook.com/cuudongyen/ ;

(2)    Phổ biến các bài viết và thông tin về Đông Yên trên các phương tiện truyền thông của mình;

(3)    Tham gia nhóm kết nghĩa hiện có hay thành lập một nhóm kết nghĩa mới để hỗ trợ cho người dân Đông Yên.

Chúng tôi sẽ thông báo các nhu cầu của từng giai đoạn để kêu gọi sự tiếp tay.

Tóm lại

Trước đây chiến dịch Cứu Cồn Dầu đã là mô hình cho Đông Yên. Ngay sau khi chính quyền Huyện Kỳ Anh ban lệnh cưỡng chế đối với toàn bộ Giáo Xứ Đông Yên, một giáo dân của xứ đạo này đã lặn lội vào Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng để học kinh nghiệm. Nay đến phiên Giáo Xứ Đông Yên sẽ là mô hình cho những cộng đồng bị ảnh hưởng khác quan sát, học hỏi và có thể mô phỏng theo. Nói cách khác, Đông Yên được đặt ở tuyến đầu để mở đường cho các nơi khác.

Chiến dịch Cứu Đông Yên, mang tính cách tập trung và trường kỳ, sẽ giúp ích cho tất cả những người dân bị tác hại bởi tai hoạ môi sinh do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Bài liên quan:

Phát động chiến dịch “Cứu Đông Yên”
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1164-2016-12-09-19-46-39

Viết một bình luận