Cách để chúng ta chủ động thay đổi đất nước
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 27 tháng 11, 2016
http://machsongmedia.com
Kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam do BPSOS đề xướng gồm 2 giai đoạn. Từ 2010 đến 2015 trọng tâm của chúng tôi là tạo môi trường thuận lợi để mọi người Việt có lòng ở trong và ngoài nước đều có thể chủ động và dễ dàng góp phần mình cho tiến trình dân chủ hoá quê hương. Dưới đây là 1 trong 2 công thức dành cho những người Việt ở hải ngoại, mà ai ai cũng có thể thực hiện trong phạm vi khả năng của mình, và dù hành động riêng rẽ nhưng vẫn góp phần cho đại cuộc.
Công thức ấy là “nhóm kết nghĩa”, được trình bày trong bài này. Công thức thứ hai là “toán chuyên môn” sẽ được trình bày trong một bài khác.
Phái đoàn hỗn hợp gồm đại diện các cộng đồng trong nước và các nhóm kết nghĩa ngoài nước, Dili, Đông Timor, ngày 30/07/2016 (ảnh BPSOS)
Tham gia “nhóm kết nghĩa”
“Nhóm kết nghĩa” gồm vài người ngồi lại với nhau để yểm trợ dài lâu cho một cộng đồng ở trong nước (xem định nghĩa ở phần sau), do mình chọn hay do BPSOS giới thiệu. Nhóm kết nghĩa có 3 trách nhiệm chính đối với cộng đồng được kết nghĩa:
(1) Giữ liên lạc đều đặn để yểm trợ tinh thần cho cộng đồng ấy;
(2) Trang bị phương tiện và trợ giúp tài chính cho cộng đồng ấy phát triển quy củ tổ chức và quy mô hoạt động;
(3) Theo dõi và báo động cho BPSOS khi có dấu hiệu hiểm nguy đang đe doạ cộng đồng ấy.
Khi sự phối hợp trong-ngoài chặt chẽ, nhóm kết nghĩa và cộng đồng ở trong nước trở thành một đại gia đình. Khi ấy nhóm kết nghĩa là bộ phận liền lạc của cộng đồng ở trong nước, và các sở trường của nhóm kết nghĩa giúp cộng đồng ở trong nước tăng nội lực và thế đứng một cách nhanh chóng. Các sở trường ấy gồm có:
Cô Katie Dương, đại diện cho Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài, điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
(1) Thế công dân của các quốc gia trong thế giới tự do: Mỗi khi chính quyền Việt Nam đụng đến cộng đồng ở trong nước thì có nghĩa là họ va chạm quyền lợi của những công dân thuộc các quốc gia mà Việt Nam đang cầu cạnh về lợi ích. Khi thực hiện đúng cách, sự kết nghĩa trong-ngoài lập tức chuyển thế đứng quốc tế và mối tương quan với chính quyền cho cộng đồng ở trong nước.
(2) Năng lực sẵn có: Đó là các khả năng về ngoại ngữ, điện toán, tin học, sinh hoạt nghị trường, quốc tế vận, và sự tự do đi lại để tham gia các diễn đàn khu vực hay quốc tế. Và còn nhiều khả năng khác nữa để cống hiến, tuỳ theo mỗi nhóm kết nghĩa. Các khả năng sẵn có này giúp cộng đồng ở trong nước tăng vọt về năng lực, kiến thức, và tiếng nói mà chế độ không thể làm gì để cản chặn hay khống chế.
(3) Khả năng tài chính: Các khoản đóng góp vừa phải nhưng đều đặn từ hải ngoại tiếp sức cho cộng đồng ở trong nước có nhân sự và phương tiện để phát triển nội lực một cách vững chãi và hoạt động một cách hiệu quả. Mức đóng góp hoàn toàn tuỳ theo khả năng và thiện chí của từng nhóm kết nghĩa; nhiều nhóm kết nghĩa có thể dồn sức yểm trợ cho cùng một cộng đồng.
Bước khởi đầu
Hình thành một nhóm “kết nghĩa” rất dễ. Một người có lòng chỉ cần tìm dăm người thân quen, tin nhau và dễ cảm thông với nhau để lập nhóm sinh hoạt trong tình thân hữu. Các sinh hoạt tiêu biểu của một nhóm kết nghĩa mới hình thành gồm có:
- Học việc khoảng 3 tháng với một nhóm kết nghĩa đã có kinh nghiệm;
- Khi quen việc, bắt đầu kết nghĩa với một cộng do mình tự chọn hoặc do BPSOS giới thiệu;
- Họp nhóm mỗi tháng một lần để siết chặt tình thân hữu trong nhóm và để cập nhật cho nhau thông tin về cộng đồng ở trong nước;
- Cử ngưới đại diện họp mỗi tháng một lần với cộng đồng ở trong nước để yểm trợ tinh thần, cho ý kiến tư vấn, và theo dõi tình hình an nguy của cộng đồng ấy;
- Yểm trợ tài chính hàng tháng cho cộng đồng ở trong nước ở mức do nhóm kết nghĩa tự quyết định;
- Tuỳ khả năng, có thể giúp thêm cho cộng đồng ở trong nước về dịch thuật, lập trang web, biên soạn các bản báo cáo, thực hiện chương trình phát thanh…
Đại diện của nhiều nhóm kết nghĩa trên sân khấu bế mạc Diễn Đàn Người Dân ASEAN, ngày 25/04/2015 (ảnh BPSOS)
Khi đã có kinh nghiệm, nhóm kết nghĩa ấy sẽ lại hướng dẫn một nhóm kết nghĩa mới. Đây là cách để tăng số nhóm kết nghĩa theo cấp số nhân: 1 thành 2, 2 thành 4, 4 thành 8…
Để hỗ trợ cho việc kết nghĩa, BPSOS cử người phối hợp và hướng dẫn cho đến khi cặp kết nghĩa song đôi ở hải ngoại và ở trong nước hoạt động đồng bộ như một.
Chọn cộng đồng ở trong nước để kết nghĩa
Xây dựng nội lực và thế đứng cho các cộng đồng của người dân ở trong nước là trọng tâm của giai đoạn 5 năm kế tiếp trong kế hoạch 10 năm dân chủ hoá đất nước của chúng tôi. Công thức “kết nghĩa” là thành tố của kế hoạch này; do đó cộng đồng ở trong nước được chọn kết nghĩa cũng phải nằm trong kế hoạch.
Theo định nghĩa của chúng tôi, cụm từ “cộng đồng” được hiểu là một nhóm người chung văn hoá, niềm tin hay lý tưởng; cùng chia sẻ mục đích tối hậu và cùng hợp tác để đạt các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn; cùng tuân thủ một số quy tắc hành xử căn bản trong đối tác và hoạt động; có sự giao tiếp thường xuyên với nhau để tương thân tương trợ khi bình thời và bảo vệ nhau trong hoạn nạn; và có cơ cấu tổ chức để duy trì tính liên tục trong hoạt động — khi một người bị kẹt thì lập tức có người khác thay thế. Đó có thể là một cộng đồng tôn giáo, một cộng đồng sắc tộc, một tổ chức xã hội dân sự, hay một nhóm nạn nhân cùng cảnh ngộ, miễn là hội đủ các yếu tố trên. Mạng liên kết lỏng lẻo của các blogger độc lập là một phản thí dụ: Họ không cấu thành “cộng đồng” theo định nghĩa này.
Cô Huỳnh Thục Vy, đại diện Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, phát biểu tại Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự Việt Nam, do BPSOS tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 26/03/2014 (ảnh BPSOS)
Để tham gia mô hình kết nghĩa, một cộng đồng còn phải thoả đáng các điều kiện sau:
- Hoạt động ôn hoà và dứt khoát loại trừ mọi chủ trương hay nhân tố bạo động;
- Quyết tâm đầu tư thời gian, nhân sự và công sức để xây dựng nội lực cho đến khi đạt khả năng tự vận hành;
- Chủ trương bảo vệ con người, bảo tồn nhân sự, và tuyệt đối tránh gây nguy hiểm cho chính mình hay người khác;
- Tôn trọng sự khác biệt về tôn giáo hay quan điểm;
- Tuyệt đối không liên quan đảng phái chính trị, kể cả đương quyền hay đối lập.
Đối với mỗi cặp kết nghĩa song đôi, chúng tôi vừa hướng dẫn cho nhóm kết nghĩa ở ngoài nước về cách thức yểm trợ, vừa huấn luyện cho cộng đồng ở trong nước về phát triển nội lực.
Con đường 10 năm dân chủ hoá
“Nhóm kết nghĩa” như kể trên là một thành tố quan trọng của kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam mà BPSOS bắt đầu thực hiện năm 2010. Kế hoạch này gồm 3 giai đoạn.
1. Tạo Không Gian An Toàn
Từ 2010 đến 2015, BPSOS dùng quốc tế vận để áp lực Việt Nam cam kết về nhân quyền nếu muốn hưởng các lợi ích về mậu dịch, kinh tế, quốc phòng, địa chính trị và tiền viện trợ từ thế giới tự do.
Trong 10 hiệp định quốc tế quan trọng về nhân quyền, Việt Nam đã ký 8, chưa kể các cam kết song phương với Hoa Kỳ, Liên Âu, khối ASEAN… Từ nay, khi đàn áp người dân do họ thực thi quyền chính đáng của mình thì có nghĩa là chính quyền Việt Nam vi phạm các cam kết quốc tế, chứ không còn là vấn đề thuần tuý giữa chính quyền và người dân trong nước. Sự thay đổi quan trọng này về thế trên bình diện quốc tế tạo nên điểm tựa cho người dân ở trong nước để đòi hỏi các quyền chính đáng của mình.
Các nhà vận động nhân quyền trẻ Mỹ gốc Việt tiếp xúc Dân Biểu Bill Cassidy (bây giờ là thượng nghị sĩ) tại Ngày Vận Động Cho Việt Nam, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 03/06/2013 (ảnh Quốc Hội HK)
Tuy nhiên, điểm tựa này sẽ không có tác dụng nếu quốc tế không biết đến từng vụ vi phạm cụ thể xảy ra ở từng địa phương, bởi vì chính quyền Việt Nam vẫn tha hồ vi phạm các cam kết với quốc tế ở “sau lưng” quốc tế.
BPSOS thay đổi tình trạng này bằng cách huấn luyện cho mỗi cộng đồng địa phương một đội ngũ nhân sự chuyên về báo cáo vi phạm theo đúng tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Khả năng báo cáo vi phạm một cách nhanh chóng và chuẩn xác dựng lên vòng đai ngày càng dày và cao, tạo nên khoảng không gian tương đối an toàn cho mọi thành viên của cộng đồng thực thi các quyền đã được chính quyền cam kết với quốc tế.
2. Tăng Lực
Kế đến, chúng tôi hướng dẫn và hỗ trợ để mỗi cộng đồng tăng dần quy củ tổ chức và quy mô hoạt động, 2 điều kiện cần thiết để ngày càng đông thành viên trong cộng đồng tập hợp lại, tương trợ và tương ứng cho nhau, và đòi hỏi chính quyền tuân thủ luật quốc gia và các cam kết quốc tế.
Một cộng đồng xem như tương đối vững chãi khi đã có đội ngũ nhân sự chuyên báo cáo vi phạm và ít ra 2 người có kinh nghiệm dành toàn thời gian và năng lực cho công việc tổ chức và phát triển nội lực của cộng đồng ấy. Một cộng đồng cảng phát triển về nội lực thì càng có khả năng tự mình nong rộng thêm khoảng không gian an toàn cho mọi thành viên tập hợp lại và thực thi các quyền chính đáng mà chính quyền đã cam kết với quốc tế.
Khi một cộng đồng đã tương đối vững chai, chúng tôi giới thiệu họ với một hay nhiều nhóm “kết nghĩa” ở ngoài nước để được tiếp tục yểm trợ, hướng dẫn và bảo vệ. Sự kết nghĩa này cho phép BPSOS dồn năng lực để trợ giúp thêm một cộng đồng khác nữa, theo công thức “cánh cửa luân lưu” – cứ một cộng đồng bước ra thì một cộng đồng khác lại bước vào. Bước ra không có nghĩa là đoạn tuyệt vì nhóm kết nghĩa sẽ là sợi dây liên lạc để mỗi khi hữu sự thì chúng tôi kịp thời can thiệp.
Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài tổ chức thảo luận về dự thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, ngày 15/08/2015
3. Tạo Thế
Ở giai đoạn 3, chúng tôi tạo cơ hội cho các cộng đồng đã tương đối vững chãi đan kết hàng ngang với nhau thành các mạng lưới tương trợ tương ứng ngày càng lớn rộng ở trong nước. Đồng thời chúng tôi đan kết các nhóm “kết nghĩa” ở hải ngoại vào mạng lưới quốc tế vận có sẵn để cùng nhau đồng loạt lên tiếng cho các cộng đồng được kết nghĩa ở trong nước. Để tăng thế “bứt mây động rừng”, chúng tôi còn đan kết các mạng lưới trong và ngoài nước này với ngày càng nhiều những tổ chức và cơ quan vùng và quốc tế.
Sự đan kết chằng chịt ở nhiều tầng giúp cho ngày càng nhiều cộng đồng người dân phát triển nội lực, hỗ trợ lẫn nhau, và cùng nhau vận động quốc tế và trong phạm vi quốc gia để đẩy lùi sự chuyên chế, mà kết quả là không gian an toàn cho mỗi cộng đồng ngày càng nở rộng.
Các bạn bè quốc tế chụp hình lưu niệm với đại diện phái đoàn xã hội dân sự độc lập Việt Nam, Đông Timor, ngày 03/08/2016 (ảnh BPSOS)
Một ví dụ điển hình về nhóm kết nghĩa là Hiệp Hội Các Giáo Dân Cồn Dầu. Cộng đồng được kết nghĩa chính là Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng. Sự kết nghĩa này đã góp phần đẩy mạnh công cuộc tranh đấu của Giáo Xứ Cồn Dầu chống lại chính sách của chính quyền Đà Nẵng nhằm cướp đất và xoá sổ xứ đạo Công Giáo toàn tòng này. Xin xem bài “Chiến dịch Cứu Cồn Dầu: bước cuối” để hiểu rõ hơn công thức “nhóm kết nghĩa”.
Anh Lê Thanh Lâm, một nạn nhân từ Giáo Xứ Cồn Dầu, phát biểu qua lời thông dịch của Anh Trần Thanh Tùng, người phối hợp nhóm kết nghĩa ở Hoa Kỳ, tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN, Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 23/04/2015 (ảnh BPSOS)
Góp Một Bàn Tay
Khi khắp đất nước có khoảng 1000 cộng đồng mạnh về lực, vững về thế, tiến trình dân chủ hoá sẽ có trớn và tự nó lan nhanh. Một khi vùng tổng hợp của các không gian an toàn phủ kín cả đất nước Việt Nam thì nền dân chủ cũng bắt đầu mở ra một cách hoà bình, ổn định và không thể thoái lui. Chúng tôi chủ trương đạt mục tiêu này năm 2020.
Muốn thế, sẽ cần có đủ số nhóm “kết nghĩa” để yểm trợ cho số hàng nghìn cộng đồng ở trong nước. Tiến trình dân chủ hoá Việt Nam, theo kế hoạch của chúng tôi, nhanh hay chậm, vững chắc hay bấp bênh phụ thuộc vào mức dấn thân của những người Việt ở hải ngoại, qua công thức “nhóm kết nghĩa”.
Tóm lại, từ 2010 đến 2015, đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì trọng tâm của chúng tôi là quốc tế vận để cài chế độ vào thế hễ đàn áp người dân thì cũng là vi phạm các cam kết quốc tế. Khởi sự năm 2016, chúng tôi tiếp tục quốc tế vận nhưng có thêm trọng tâm là vận động sự hình thành các “nhóm kết nghĩa”. Đến nay đã có gần hai chục nhóm kết nghĩa, trong đó có cả một số tổ chức quốc tế tham gia, hỗ trợ cho khoảng 20 cộng đồng ở trong nước. Mục tiêu của chúng tôi là tăng đôi con số này mỗi 9 tháng kể từ đầu năm 2017 để đạt con số 1000 vào năm 2020. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay với của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vì ai ai có tấm lòng cũng có thể lập ra hay tham gia một nhóm kết nghĩa, chưa kể là các hội ái hữu, hội đồng hương, hội tương trợ, hội cựu học sinh… có sẵn cũng có thể đóng vai trò nhóm kết nghĩa.
Với sự hưởng ứng và tiếp tay của nhiều người có lòng hướng với quê hương, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt mục tiêu này đúng hạn kỳ.
Phái đoàn hỗn hợp gồm đại diện các cộng đồng trong nước và các nhóm kết nghĩa ngoài nước trên sân khấu bế mạc tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN, Dili, Đông Timor, ngày 05/08/2016 (ảnh BPSOS)
Xin liên lạc với chúng tôi nếu có thắc mắc, muốn góp ý, hay cần hướng dẫn để thành lập nhóm kết nghĩa: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Các bài liên quan:
Tờ bướm về “nhóm kết nghĩa”: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/08/K%E1%BA%BFt-ngh%C4%A9a-brochure.pdf
Các công tác hướng về Việt Nam của BPSOS: nhân đạo, nhân quyền và dân chủ
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1158-2016-11-25-01-10-30
Dân chủ cho Việt Nam: Cơ hội đang ở trong tay chúng ta
http://machsongmedia.com/binhluan/nguyn-inh-thng/1137-2016-09-10-21-07-14
Chiến dịch Cứu Cồn Dầu: bước cuối
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1154-chin-dch-cu-cn-du-bc-cui
Tường trình cuộc vận động nhân quyền và dân chủ ở Đông Timor
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1151-2016-11-01-22-49-02