Chiến dịch Cứu Cồn Dầu: bước cuối

Yếu tố thành công: Có chiến lược, tập trung và dài lâu

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 7 tháng 11, 2016

http://machsongmedia.com

Chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”, được phát động cách đây hơn 6 năm, đang có cơ hội đóng lại nếu chính quyền Đà Nẵng chấp nhận những đòi hỏi hợp lý hợp tình của các giáo dân quyết tâm bảo vệ xứ đạo của mình. Mới đây, chính quyền Đà Nẵng đã có một bước tiến đáng kể về hướng này: qua sự điều hợp của văn phòng Thủ Tướng, ngày 30 tháng 9 vừa rồi họ ngồi xuống điều đình với đại diện của các giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu về giải pháp “tái định cư tại chỗ”.

Đây là giải pháp hợp tình hợp lý, vừa đáp ứng chính sách xây dựng khu đô thị sinh thái của chính quyền Đà Nẵng vừa bảo đảm rằng Giáo Xứ Cồn Dầu vẫn tồn tại.

 

Giáo Xứ Cồn Dầu thanh bình trước khi hoạn nạn ập đến

Tái định cư tại chỗ

Ngày 5 tháng 5, 2008, Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng ra quyết định thu hồi toàn bộ đất của Giáo Xứ Cồn Dầu cho một dự án xây đô thị sinh thái. Hiểu nôm na, hệ quả của quyết định này là “xoá sổ” một giáo xứ Công Giáo toàn tòng với 135 năm lịch sử và một nghĩa trang với 1,500 ngôi mộ được công nhận là di sản văn hoá quốc gia.

Trước tương lai thảm khốc ấy, gần 2 nghìn giáo dân Cồn Dầu họp lại và đề nghị giải pháp “tái định cư tại chỗ”, nghĩa là họ chấp nhận thu nhỏ diện tích sinh sống lại quanh nhà thờ của họ, và chấp nhận di dời đất ruộng đến địa điểm mới ở ngoài Cồn Dầu. Như vậy chính quyền vẫn có thể giao 90% diện tích của giáo xứ cho dự án đô thị sinh thái.

Cuộc cướp đất đẫm máu

Bác bỏ đề nghị này, ngày 4 tháng 5, 2010, chính quyền Đã Nẵng điều động khoảng 500 công an và cảnh sát cơ động đến đàn áp nhiều trăm giáo dân đang cử hành tang lễ của một cụ bà vừa qua đời trong giáo xứ. Cuộc đàn áp thô bạo này gây thương tích cho trên trăm người; 62 giáo dân bị bắt và bị tra tấn trong suốt thời gian tạm giam, kéo dài từ một đến 2 tuần; 6 người bị tình nghi là thành phần chủ chốt bị kết án tù. Một giáo dân, Ông Nguyễn Thành Nam, bị tra tấn đến chết. Trên 110 giáo dân, qua nhiều đợt, phải bỏ xứ chạy sang Thái Lan lánh nạn.

Cuộc đàn áp thô bạo của cảnh sát cơ động, công an và dân phòng, ngày 04/05/2010

Chính quyền Đà Nẵng tuyên bố sẽ truy lùng và dẫn độ tất cả những người Cồn Dầu đã trốn thoát sang Thái Lan. Mặt kia, công an Đà Nẵng và quận Cẩm Lệ liên tục khủng bố tinh thần của từng gia đình giáo dân, thực hiện chính sách cưỡng chế đất đai, đập phá nhà cửa của họ. Nhiều giáo dân không còn cách nào khác hơn là chấp nhận di dời lên khu tái định cư cách xa hẳn giáo xứ Cồn Dầu – nơi đây, họ sống lẫn với những người không theo đạo Công Giáo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo dân quyết tâm ở lại để bảo vệ xứ đạo, dù phải đối đầu hàng ngày với chính sách trù dập, hăm doạ, và sách nhiễu.

Phiên xử với án tù cho các giáo dân Cồn Dầu bị xem là chủ lực trong cuộc tranh đấu, ngày 27/10/2010

Chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”

Tháng 7 năm 2010, tức 2 tháng sau cuộc đàn áp thô bạo của chính quyền nhắm vào giáo dân Cồn Dầu không một tấc sắt, BPSOS phát động chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” trong sự phối hợp với một số gia đình cựu giáo dân Cồn Dầu đã định cư ở Hoa Kỳ. Chiến dịch có 3 mục tiêu:

(1)  Can thiệp cho tất cả giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan được xét là tị nạn và được định cư ở một quốc gia tự do;

(2)  Đẩy lùi bạo lực của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào những giáo dân quyết bảo vệ Giáo Xứ Cồn Dầu;

(3)  Duy trì sự trường tồn của xứ đạo 135 tuổi.

Chiến dịch được triển khai qua 5 giai đoạn:

(1) Báo động với cộng đồng quốc tế;

(2) Vận động sự lên tiếng và can thiệp của các chính quyền trong thế giới tự do;

(3) Hỗ trợ và bảo vệ cho nạn nhân ở trong nước đứng lên đòi công lý;

(4) Đòi hỏi chính quyền Việt Nam tôn trọng các nguyên tắc quốc tế;

(5) Thúc đẩy giải pháp bảo vệ sự vẹn toàn của Giáo Xứ Cồn Dầu.

 

Chiến dịch Cứu Cồn Dầu được giới thiệu với đồng hương ở Portland, Oregon ngày 27/11/2010

Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu

Đấu tranh với chính sách của chính quyền là công cuộc trường kỳ. Ngay từ đầu chúng tôi đã ước tính chiến dịch sẽ kéo dài từ 5 đến 6 năm. Để duy trì cuộc tranh đấu liên tục, tập trung và dài hạn như vậy, chúng tôi hỗ trợ cho số ít gia đình cựu giáo dân Cồn Dầu đã định cư lâu năm ở Hoa Kỳ kết lại thành Hiệp Hội Các Giáo Dân Giáo Xứ Cồn Dầu, với 3 chức năng:

(1)    Vận động quốc tế lên tiếng và can thiệp;

(2)    Hỗ trợ tinh thần và vật thể cho các giáo dân lánh nạn ở Thái Lan và những người tiếp tục tranh đấu ở trong nước;

(3)    Phụ giúp BPSOS triển khai 5 giai đoạn của chiến dịch Cứu Cồn Dầu.

Thành viên của hiệp hội này đã chia việc: người lo quốc tế vận, người phối hợp các gia đình Cồn Dầu ở rải rác nhiều nơi, người phụ giúp gây quỹ, người giữ liên lạc với đồng hương trong nước, người phối hợp với BPSOS… Thành viên của hiệp hội đã tham gia nhiều cuộc điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, và nhiều buổi họp với Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Họ đã sắp xếp giáo dân ở Cồn Dầu gặp gỡ các phái đoàn LHQ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thị sát Việt Nam.

Khi mới thành hình, hiệp hội không có bao nhiêu người. Nhưng vài năm sau con số đã tăng lên đáng kể khi các giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan lục tục đến Hoa Kỳ định cư. Với sự tăng trưởng về năng lực và kinh nghiệm, họ cáng đáng các công tác đã thành nếp. Điều này cho phép BPSOS tập trung công sức để mở ra các mũi nhọn mới cho các giai đoạn kế tiếp trong chiến dịch.

Ông Trần Thanh Tiến, một giáo dân Cồn Dầu đã đến Thái Lan tị nạn và được định cư ở North Carolina, điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày ngày 11/04/2013 (ảnh Quốc Hội) 

Bảo vệ các giáo dân đi tị nạn

Nhóm 8 giáo dân Cồn Dầu đầu tiên băng rừng lội suối đến Thái Lan ngày 15 tháng 5, 2010. Họ đã liên lạc ngay được với BPSOS qua 2 vị linh mục Công Giáo. Lúc ấy BPSOS vừa thành lập văn phòng pháp lý thường trực ở Bangkok mới được 2 tuần. Cô Lisa, người quán xuyến văn phòng, lập tức giúp những người tị nạn mới đến về đời sống và an ninh.

Trong những tháng sau đó, nhiều nhóm giáo dân Cồn Dầu lần lượt chạy đến đượcThái Lan bằng nhiều ngả khác nhau. Tổng cộng 114 người Cồn Dầu già trẻ, lớn bé đã đến Thái Lan xin tị nạn. Chính quyền Đà Nẵng tuyên bố sẽ dẫn độ tất cả về nước để trừng trị. Trong những tháng đầu, nhiều giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan báo động cho chúng tôi việc họ bị những người Việt lạ mặt theo dõi. Nơi họ ẩn náu thường xuyên bị cảnh sát Thái Lan đột nhập. Nhiều gia đình phải chuyển chỗ ở thường xuyên, có khi 3 lần trong cùng một tháng, để tránh bị bắt và bị trục xuất.

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng và số giáo dân Cồn Dầu đầu tiên đến Thái Lan tị nạn, tại văn phòng pháp lý của BPSOS ngày 04/07/2010

Với sự yểm trợ tài chánh của đồng hương ở Houston và nhiều thành phố ở Hoa Kỳ, BPSOS gấp rút đưa luật sư từ Hoa Kỳ đến Thái Lan giúp các giáo dân Cồn Dầu này lập hồ sơ xin tị nạn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Chúng tôi cũng vận động quốc tế lên tiếng bảo vệ họ trước hiểm hoạ bị trục xuất. Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cử ngay nhân viên cao cấp đến Thái Lan để tìm hiểu tình hình và viết bản tường trình. Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos triệu tập buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Cứ cách 3 tháng thì cá nhân tôi và Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Grover Joseph Rees, cố vấn trưởng của BPSOS về các đề xuất quốc tế, luân phiên đến Thái Lan để họp với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Cộng đồng người Việt ở Houston và đồng hương ở nhiều nơi tổ chức gây quỹ vừa để BPSOS gởi thêm luật sư sang Thái Lan, vừa để giúp sinh kế cho các giáo dân sống lẩn trốn ở quốc gia này.

Ngày 11 tháng 5, 2011, nhóm 49 giáo dân Cồn Dầu đầu tiên được công nhận tư cách tị nạn. Chính quyền Việt Nam đã phản đối Cao Uỷ Tị Nạn LHQ về sự việc này nhưng vô ích trước sự vận động quốc tế hiệu quả của BPSOS và Hiệp Hội Giáo Dân Giáo Xứ Cồn Dầu.  Ngày 22 tháng 5, 2012, gia đình giáo dân Cồn Dầu đầu tiên lên đường định cư Hoa Kỳ. Đến nay tổng cộng 105 trên số 114 giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan đã an toàn đến Hoa Kỳ. Số còn lại tiếp tục được luật sư của BPSOS can thiệp với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ về tư cách tị nạn.

Gia đình Cồn Dầu đầu điên đến Hoa Kỳ định cư tị nạn, phi trường Raleigh, North Carolina, ngày 22/05/2012

Lời hăm doạ của chính quyền Đà Nẵng là sẽ dẫn độ các giáo dân Cồn Dầu đi lánh nạn bị vô hiệu hoá. Mục tiêu thứ nhất của chiến dịch Cứu Cồn Dầu xem như hoàn tất.

Chấm dứt sự đàn áp ở địa phương

Mục tiêu thứ hai của chiến dịch Cứu Cồn Dầu cũng đã hoàn tất.

Cuộc đàn áp bạo lực và đẫm máu ngày 4 tháng 5, 2010 và chiến dịch khủng bố kéo dài nhiều tháng sau đó, bao gồm bắt bớ, tra tấn, giam cầm và tù đày, cốt làm tiêu tan ý chí đấu tranh của các giáo dân Cồn Dầu. Đối lại, chúng tôi vận động quốc tế can thiệp thật nhanh chóng để đẩy lùi các hành vi khủng bố của chính quyền, và đồng thời khôi phục niềm tin và hướng dẫn phương cách đấu tranh cho những gia đình bị chính quyền đặt vào tầm ngắm.

 

Ông Nguyễn Thành Tài, có em trai bị tra tấn đến chế ở Cồn Dầu, điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 18/08/2010

Về quốc tế vận, chúng tôi huy động sự lên tiếng mạnh mẽ của Hoa Kỳ và LHQ. Do áp lực của buổi điều trần được triệu tập gấp rút tại Quốc Hội Hoa Kỳ  ngày 18 tháng 8, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội cử nhân viên đến tận Giáo Xứ Cồn Dầu để tiếp xúc các nạn nhân và tường trình cho Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội. Sau chuyến viếng thăm Thái Lan ngày 26 tháng 10, 2010 của một thành viên cao cấp, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lên án cuộc đàn áp thô bạo của chính quyền Đà Nẵng. Nhiều vị dân biểu đã gởi văn thư trực tiếp cho chính phủ Việt Nam. Một vị dân biểu cử nhân viên đến Đà Nẵng họp với chính quyền. Bắt đầu năm 2011 các bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đều nói về cuộc đàn áp tôn giáo ở Giáo Xứ Cồn Dầu.

Nhiều cơ quan LHQ đã nhập cuộc. Ngày 22 tháng 11, 2013, Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về quyền văn hoá, bất ngờ đến thị sát Giáo Xứ Cồn Dầu trước sự ngỡ ngàng của chính quyền Việt Nam. Trong bản tường trình sau đó, Bà Shaheed đã lên án chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền. Cũng vậy, tháng 7 năm 2014, Giáo Sư Heiner Bielefeldt, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về tự do tôn giáo hay niềm tin, đã gặp gỡ một số giáo dân Cồn Dầu tại một khách sạn ở Hà Nội. Tại buổi họp báo ngày 31 tháng 7, 2014, Giáo Sư Bielefeldt nặng nề lên án chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo và Giáo Xứ Cồn Dầu được dùng như một minh chứng.

 

Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền văn hoá, Farida Shaheed, cùng nhân viên đích thân thị sát Giáo Xứ Cồn Dầu, ngày 22/11/2013

Chúng tôi phối hợp với một tổ chức Thiên Chúa Giáo có bản doanh ở Hoa Thịnh Đốn để giúp đỡ sinh kế cho các gia đình Cồn Dầu bị tù đầy hay bị bức bách về đời sống. Hiệp Hội Giáo Dân Giáo Xứ Cồn Đầu liên lạc thường xuyên với các gia đình còn ở trong giáo xứ để trấn an và hướng dẫn từng bước tranh đấu cho ăn khớp với công cuộc quốc tế vận bên ngoài Việt Nam. Nhờ sự liên lạc mật thiết này, mỗi khi có động tĩnh ở Cồn Dầu, chúng tôi lập tức vận động quốc tế lên tiếng ngay, và mỗi khi có người Cồn Dầu nào chạy thoát sang Thái Lan hay Mã Lai, luật sư của BPSOS lập tức bảo vệ họ.

Do áp lực quốc tế, chính quyền Đà Nẵng lùi bước dần trong chính sách khủng bố và ngưng sử dụng bạo lực. Đến khoảng tháng 12, năm 2013, công an Đà Nẵng ngưng sách nhiễu hay hăm doạ người dân ở Cồn Dầu. Tình trạng đời sống của các giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan và Mã Lai ngày một ổn định và nguy cơ bị bắt và trục xuất giảm hẳn. Tinh thần đấu tranh của người dân ở Cồn Dầu được phục hồi và ngày càng tăng mạnh.

Điều đình về giải pháp tái định cư tại chỗ

Ngày 5 tháng 9, 2016, Phó Thủ Tướng Trương Hoà Bình thăm Giáo Xứ Cồn Dầu và yêu cầu chính quyền Đà Nẵng cứu xét đề nghị “tái định cư tại chỗ”.  Ngày 30 tháng 9, 2016, chính quyền Đà Nẵng triệu tập buổi họp với các đại diện của giáo dân Cồn Dầu.

Đây là kết quả của cuộc tranh đấu bền bỉ của chính các giáo dân quyết tranh đấu đến cùng để bảo vệ xứ đạo. Trong hơn 2 năm qua, họ đã luân phiên nhau ra Hà Nội để biểu tình đòi văn phòng Thủ Tướng giải quyết. Trước buổi họp điều đình, họ đã thực hiện cuộc biểu tình kéo dài 5 tháng ở Hà Nội và cử đại diện đến Diễn Đàn Người Dân ASEAN ở Đông Timor để nêu vấn đề Cồn Dầu trong khuôn khổ của phong trào đòi quyền có đất đang rộ lên trong khu vực.

 

Các giáo dân Cồn Dầu biểu tình dài hạn ở Hà Nội

Biên bản của buổi họp ngày 5 tháng 9 cho thấy chính quyền Đà Nẵng trên nguyên tắc chấp thuận giải pháp này: Mỗi hộ gia đình còn trụ lại ở Cồn Dầu sẽ được chọn một lô đất gần sát nhà thờ cộng với khoản tiền đền bù cho việc di dời căn hộ; thêm vào đó họ có thể được cấp thêm một số lô đất ở ngoài làng Cồn Dầu tùy theo diện tích đất mà họ đang sở hữu. Buổi họp có sự hiện diện của một số giới chức thuộc chính quyền trung ương ở Hà Nội.

Chính quyền trung ương quan tâm đến trường hợp Giáo Xứ Cồn Dầu vì nó có thể ảnh hưởng đến triển vọng Việt Nam được tham gia Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong chiến dịch Cứu Cồn Dầu, ngay từ đầu BPSOS đã vận dụng điều khoản bảo vệ tài sản công dân và doanh nghiệp của các quốc gia thành viên của TPP. Một số mảnh đất ở Cồn Dầu lại thuộc quyền sử dụng của giáo dân Cồn Dầu đã là công dân Hoa Kỳ — cưỡng chế đất nghĩa là cướp đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ và có thể ảnh hưởng đến chính sách mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, không riêng gì TPP. Đây là đòn bẩy mà chúng tôi vẫn nắm trong tay.

Chúng tôi tiếp tục theo dõi kết quả của cuộc điều đình đang diễn ra giữa chính quyền Đà Nẵng và các giáo dân Cồn Dầu. Khi giải pháp “tái định cư tại chỗ” được thực thi trọn vẹn thì chúng tôi sẽ công bố đóng chiến dịch Cứu Cồn Dầu.

Giáo dân Cồn Dầu quyết tâm không bỏ cuộc

Ở thời điểm này, chiến dịch Cứu Cồn Dầu xem như đã đạt 90% cho cả 3 mục tiêu đề ra khi phát động. Thành quả này có được một phần không nhỏ là do sự giúp đỡ và cưu mang của nhiều vị mạnh thường quân ở hải ngoại, sự can thiệp của nhiều giới chức và tổ chức quốc tế, và tinh thần tranh đấu kiên trì của chính các giáo dân Cồn Dầu ở trong và ngoài nước. Chúng tôi xin ghi nhận.

Yếu tố quan trọng không kém là chiến dịch Cứu Cồn Dầu đã tuân thủ phương châm “có chiến lược, tập trung và dài lâu” trong hành động.

Các bài liên quan: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&new_topic=34

Viết một bình luận