Làm sao để trục xuất kẻ vi phạm nhân quyền khỏi Hoa Kỳ

Một vấn đề công lý và lương tâm

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 18 tháng 10, 2016

http://machsongmedia.com

Cuối tháng 7 năm 2015, trên internet bắt đầu xầm xì thông tin về một người được cho là cựu Thượng Tá công an cộng sản, tên Nguyễn Đức Chương, vừa đến Hoa Kỳ định cư do con gái bảo lãnh. Trước đây đương sự từng là Trưởng Công An Huyện Định Quán (Tân Phú), Tỉnh Đồng Nai.

Theo các cáo buộc loan tải trên internet thì tháng 5 năm 1978, đương sự đưa lực lượng công an vây bắt 21 binh sĩ thuộc Tiểu Đoàn 2 ,Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 18 bộ binh của quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã không trình diện. Họ bị đem về Huyện Tân Phú, Đồng Nai để điều tra; họ bị tra tấn rồi tử hình. Cũng theo thông tin trên internet, tháng 7 năm 1978, đương sự cho công an mai phục một toán 10 người lính VNCH không trình diện, trong đó 6 người bị bắn chết tại chỗ và 4 người bị xử bắn sau đó. Đương sự còn bị cáo buộc là đã toa rập để cưỡng chiếm Thánh Thất Cao Đài ở Định Quán nhằm bán đất lấy tiền bỏ túi.

Tôi theo dõi các thông tin này từ đầu nhưng không lên tiếng vì tin tức mơ hồ. Tuy nhiên, gần đây có người cho biết đã nhận diện đương sự hiện ở San Jose. Nếu quả vậy, đấy có thể là manh mối để khởi động tiến trình trục xuất đương sự khỏi Hoa Kỳ.

Chắc nhiều người còn nhớ vụ Ông Bùi Đình Thi. Năm 1999 tôi bắt đầu nghe loáng thoáng về trường hợp này, và đã nói chuyện với thân nhân của cố Dân Biểu Đặng Văn Tiếp, cố Đại Tá Trịnh Tiếu, LM Nguyễn Hữu Lễ… để lấy thông tin chi tiết. Khi đã thu thập đủ dữ kiện, năm 2001 tôi yêu cầu Đơn Vị Đặc Trách Các Kẻ Vi Phạm Nhân Quyền (Human Rights Violators Unit hay HRVU) của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra và tiến hành trục xuất Ông Thi vì đã vi phạm một cách trầm trọng nhân quyền của các tù nhân trong trại cải tạo. Luật của Hoa Kỳ không cho phép các kẻ vi phạm trầm trọng nhân quyền của người khác nhập cư. Ai đã nhập cư, do khéo che dấu tông tích, thì bị trục xuất. Ai đã nhập tịch Hoa Kỳ thì bị thu hồi quốc tịch trước khi bị trục xuất.

Sau hơn 2 năm điều tra và qua thủ tục toà án, chính phủ Hoa Kỳ quyết định trục xuất Ông Thi. Vì Việt Nam không nhận, Ông ấy đã được chuyển đến đảo Marshall Islands, xem như bị lưu đày. Ông ấy đã qua đời tại đây.

Có người hỏi tôi, động cơ nào thúc đẩy tôi can thiệp trường hợp này. Tôi chẳng hề quen biết ông Thi. Thực ra có những lúc tôi động lòng trắc ẩn khi nghĩ đến thân phận của một người sẽ bị lưu đày xa vợ xa con, và tâm lý dày vò của vợ con khi biết về tội ác của người chồng người cha yêu mến.  Nhưng công lý thuộc về xã hội chứ không phải là điều để tôi tuỳ tiện quyết đoán theo ý riêng. Mục đích của luật pháp không chỉ là trừng phạt mà là làm gương. Tôi quyết định hành động để nêu tấm gương cho bất kỳ ai có ý vi phạm nhân quyền của người khác. 

Ngoài ra tôi còn một chủ ý nữa: Chính thức ghi lại những tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra trong các trại tù cải tạo, để nhân loại không bao giờ quên. Qua trường hợp của Ông Thi, nhiều hành vi tội ác xảy ra trong một số trại tù cải tạo đã được đưa vào hồ sơ của Sở Di Trú, của toà án, và công luận – nhiều tờ báo Mỹ chạy tin về trường hợp hi hữu này. 

Trường hợp của Ông Bùi Đình Thi không là trường hợp duy nhất. Năm 2006 tôi làm việc với bộ phận HRVU về trường hợp của Ông H. N. Diệp. Trong thời gian từ 1978 đến 1983, đương sự đã trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết của nhiều người trong trại tù cải tạo Lam Sơn, Thanh Hoá như: Lê Quảng Lạc (tình báo), Trần Thượng Khải (cảnh sát), Quách Trung Chánh (cảnh sát),  Lưu Tường Khương (chiêu hồi), Nguyễn Vinh (an ninh), Thiếu tá Bùi Văn Bảy, Trung Tá Bé, Ung Kim Cho (Khmer Krom), Thiếu tá Chung (cảnh sát), Sương (Khmer Krom),  Ngô Chuẩn (trưởng ty cảnh sát), Minh (Đảng Dân Chủ)…  Những nạn nhân khác của Ông Diệp gồm có: Ngô Văn Tiếp, Nguyễn Thông, Nguyễn Mâu, Trần Hùng Việt, cựu Dân Biểu Nguyễn Hữu Thời, Trần Văn Chi, Lê Thiên Sơn (Chủ bút  báo Quật Cường) và nhiều nữa. Xem ra, Ông Diệp còn tàn ác với các người đồng tù hơn cả Ông Thi.

Ông Diệp đến Hoa Kỳ theo chương trình HO ngày 30 tháng 7, 1991 và nhập tịch ngày 16 tháng 12, 1998. Một người con gái của Ông Diệp sau này mở nhà hàng ở San Jose; nhà hàng này làm ăn thành công và được thực khách Mỹ ưa chuộng. Ông Diệp thường vẽ tranh để trưng bày và bán tại đấy. Tôi truy ra bảng số xe, ngày sinh (27 tháng 5, 1943), số hồ sơ nhập cảnh Hoa Kỳ, địa chỉ nhà ở… của Ông Diệp. Bộ phận HRVU của Bộ Tư Pháp đã phỏng vấn một số nhân chứng còn sống. Tuy nhiên, hồ sơ bị “treo” cho đến giờ chỉ vì thiếu một yếu tố quan trọng: không ai có thể quả quyết rằng nhân vật sống tại địa chỉ kia, thường lui tới nhà hàng nọ, lái xe bảng số ấy chính là Ông H. N. Diệp. Sở Di Trú Hoa Kỳ không thể đột nhập gia cư, còng tay, và đưa ra toà tiến hành thủ tục trục xuất để rồi khám phá rằng bắt lầm người.

Trong trường hợp của Ông Bùi Đình Thi, LM Nguyễn Hữu Lễ đã từng gặp Ông ấy tại nhà riêng và có thể khẳng định rằng đó chính là đương sự. Còn hồ sơ của Ông H. N. Diệp vẫn mở nhưng bị “treo” cho đến khi có người chứng thực.

Trường hợp của Ông Nguyễn Đức Chương cũng thế. Nếu muốn chuyển hồ sơ cho bộ phận HRVU của Bộ Tư Pháp, tôi không những cần thông tin đích xác về nơi đương sự cư trú; địa chỉ nhà hàng của người con gái; tên của người con gái đứng ra bảo lãnh; bảng số xe, số an sinh xã hội, ngày tháng năm sinh, ảnh chụp, v.v. của họ mà còn cần nhân chứng về các tội ác mà Ông Nguyễn Đức Chương đã vi phạm ở Việt Nam và, rất quan trọng, người có thể xác minh rằng nhân vật được nhận diện là Ông Nguyễn Đức Chương đang ở San Jose đích thực là Ông Nguyễn Đức Chương kể trên.

Mọi thông tin xin gửi về cho: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Viết một bình luận