Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Sau đây là vài ba vấn đề liên quan tới sức khỏe mong bà con cô bác vui lòng để ý.
Thuốc Acetaminophen và Tuyến Gan
Cuối tháng 6 năm 2009, Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA đã họp với Hội Đồng Cố Vấn của cơ quan để thảo luận về sự liên hệ giữa acetaminophen với bệnh suy tuyến gan và yêu cầu thành viên đề nghị các biện pháp để thuốc này trở nên an toàn hơn cho người tiêu thụ.
Thống kê từ năm 1990 tới 1998 cho hay đã có 56.000 bệnh nhân cần vào phòng cấp cứu, 26.000 người phải nằm bệnh viện để điều trị và 458 tử vong vì ngộ độc acetaminophen.
Ban cố vấn đã đưa ra một số đề nghị như sau để FDA cứu xét và quyết định:
– Liều lượng acetaminophen cá nhân cho người lớn không quá 650 mg. Hiện nay liều lượng này là 1000 mg, chứa trong 2 viên thuốc chống đau bán không cần toa bác sĩ.
– Giảm liều lượng tối đa trong 24 giờ dưới mức hiện nay là 4000 mg.
– Loại bỏ các hỗn hợp dược phẩm bao gồm acetaminophen và các thuốc khác.
– FDA cần đòi hỏi các viện bào chế dược phẩm phải ghi lời báo động rủi ro trên nhãn hiệu các dược phẩm có acetaminophen.
– Quy định một nồng độ đồng đều acetaminophen trong các dung dịch thuốc trị nóng sốt, đau nhức cho trẻ em để tránh dùng nhầm liều lượng.
Acetaminophen hoặc Paracetamol là hoạt chất chính của một loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt được dùng rộng rãi tại mọi quốc gia. Có lẽ bà con trong ngoài nước quen thuộc với tên riêng Tylenol hoặc Panadol nhiều hơn là tên chung acetaminophen. Chất này hiện diện trong nhiều dược phẩm bán tự do như Tylenol, Anacin, Exedrin, Panadol, trong một số thuốc trị bệnh cảm cúm cũng như các thuốc cần toa bác sĩ như Vicodin, Lortab, Maxidone, Norco, Zydone, Tylenol with codeine, Percocet, Endocet, Darvocet.
Acetaminophen được tìm ra vào cuối thế kỷ 19 nhưng phải đợi tới năm 1956 ới được bào chế thành viên thuốc 500 mg bán trên thị trường. Trước đó, vỏ cây canh ki na (cinchona) được dùng để trị bệnh sốt rét ngã nước (quinine) và nóng sốt. Vỏ cây này ngày càng khan hiếm cho nên các khoa học gia phải nghĩ cách tổng hợp loại thuốc chống đau thay thế.
Tương tự như Aspirin, paracetamol có tác dụng giảm sản xuất chất prostaglandins từ nhiếp tuyến (prostate) và từ một số tế bào khác trong cơ thể. Chất này có nhiều vai trò sinh học như kiểm soát huyết áp, co cơ trơn, cảm giác đau, giãn động mạch và phế quản, loãng máu, chống huyết cục, giãn nở tử cung…
Acetaminophen được dùng để giảm các cơn đau từ nhẹ tới trung bình như nhức đầu, thiên đầu thống, đau nhức cơ, viêm khớp, đau khi có kinh nguyệt, nhức răng… Acetaminophen cũng hạ sốt cho nên được pha chung trong các thuốc cảm cúm, ho, dị ứng. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng chống viêm, sưng (inflammation and swelling) như aspirin.
Thuốc thích hợp cho mọi lứa tuổi vì ít tác dụng phụ và không gây kích thích dạ dày như aspirin hoặc các thuốc chống viêm đau không steroid như ibuprofen, indomethacin, naproxen…
Dùng đúng theo liều lượng và hướng dẫn của nhà bào chế, thuốc an toàn, nhưng vì thuốc quá phổ biến cho nên đôi khi có người uống quá nhiều mà không biết. Ngoài ra, acetaminophen có chỉ số trị liệu giới hạn, một liều lượng thông thường rất gần với liều lượng quá cao, cho nên dễ gây ra ngộ độc, tổn thương và suy gan, suy thận. Bệnh nhân có thể thiệt mạng trong thời gian ngắn.
Các dấu hiệu của suy gan có thể là nôn ói trầm trọng, da và mắt vàng, đau bụng, nước tiểu có mầu vàng xậm, cơ thể mệt mỏi suy nhược.
Sau đây là mấy điều cần lưu ý để tránh ngộ độc khi cần dung Acetaminophen:
– Không dùng quá số lượng mà nhà bào chế chỉ định tức là không quá 4000 mg một ngày hoặc là không quá 8 viên extrastrenght Tylenol
– Đọc kỹ nhãn hiệu của tất cả các thuốc đang dùng để coi xem có acetaminophen không.
– Nếu uống rượu, đang bị viêm gan, bệnh thận nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng acetaminophen. Trong các trường hợp này, nên giới hạn acetaminophen ở mức độ từ 2000-3000 mg/ngày.
– Cẩn thận khi cho con trẻ uống các thuốc bán tự do có acetaminophen khi các cháu bị cảm cúm, ho, hắt hơi sổ mũi. Lý do là trong các thuốc này có thể có acetaminophen.
– Với người từ 16 tuổi trở lên, có thể uống cùng lúc acetaminophen với ibuprophen để chống đau, giảm nhiệt vì với họ, không có tương tác giữa hai thuốc này.
– Với các em bé, có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprophen để giảm đau, giảm sốt nhưng không bao giờ dùng hai thứ cùng một lúc. Nếu sau 72 giờ mà đau sốt không thuyên giảm, nên đưa các cháu tới bác sĩ để được điều trị.
Chích ngừa Cúm
Mọi năm, bà con chỉ bận tậm tới việc chích ngừa cúm theo mùa thường xuất hiện vào cuối mùa Thu, đầu mùa Đông. Nhưng năm nay, cần chích ngừa tới hai loại cúm lận. Lý do là từ tháng Tư vừa qua, một đại dịch cúm heo lây lan sang người đã và đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, gây ra bệnh cho cả vài trăm ngàn người, nhưng may mắn là số tử vong không cao lắm, trên 1000 người.
Với cúm hàng năm thì xin bà con tới bác sĩ gia đình hoặc tới các cơ sở y tế để được chích ngừa. Bà con cô bác cần chủng ngừa ngay, để cơ thể có đủ thời gian sản xuất ra kháng thể chống lại siêu vi cúm theo mùa. Đa số chủng ngừa cúm theo mùa đều do những cơ sở y tế tư nhân thực hiện. Tại Hoa Kỳ, các tiệm thuốc tây thuộc hệ thống CVS, Wallgreen, Rite Aid đều có chương trình chích ngừa miễn phí cho người thất nghiệp, không tiền, không có bảo hiểm sức khỏe. Chi phí chích ngừa cúm từ 15- 30 mỹ kim và đa số do bảo hiểm đài thọ.
Bà con sau đây cần chích ngừa cúm quen thuộc, theo mùa mỗi năm:
– Người cao tuổi và các em bé từ sáu tháng trở lên;
– Những người vì nghề nghiệp dễ mắc hay truyền bệnh cúm như nhân viên các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão;
– Những người mà bệnh cúm có thể gây nhiều tử vong, như đã có các bệnh kinh niên về tim, phổi, ho suyễn, tiểu đường, bệnh kinh niên về thận;
– Người mắc bệnh xơ gan vì nghiện rượu;
– Người suy yếu miễn dịch như ung thư máu, đang chữa ung thư bằng phóng xạ, hóa chất.
– Phụ nữ đã có thai từ ba tháng trở lên cần được chích ngừa cúm với loại siêu vi trùng đã làm giảm cường lực.
Riêng với cúm heo, mà hiện nay được gọi là cúm mới lạ A/H1N1 thì cũng đã có thuốc ngừa. Các cơ quan y tế thế giới, Hoa Kỳ và các quốc gia đang cân nhắc coi các đối tượng nào cần chích ngừa. Cho tới bây giờ, những người thuộc các nhóm sau đây được CDC ưu tiên:
– Phụ nữ đang có thai.
– Mọi người từ 6 tháng tới 24 tuổi
– Nhân viên y tế, phòng cấp cứu
– Người chăm sóc hoặc sống với trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
– Người từ 25 tới 64 tuổi đang có các bệnh có rủi ro cao của biến chứng với bệnh cúm như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim phổi hoặc các nan bệnh kinh niên khác.
Nhắc lại là cúm mới lạ A/H1N1 lây lan từ người sang người qua các giọt nước nhỏ li ti tung ra không khí từ mũi, miệng bệnh nhân chứa virus hoặc từ bàn tay sờ mó vào vật dụng dính virus rồi đưa lên mũi, miệng. Do đó mới có lời khuyên là che miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay thường xuyên.
Cũng vì lây lan qua miệng qua bàn tay, cho nên mới đây, bên Tây người ta đã nghĩ đến chuyện bỏ thói quen lịch sự, xã giao ôm hôn áp má, bắt tay khi gặp hoặc giã biệt mà chỉ nghiêng đầu cúi chào. Vì tuy ít nghiêm trọng chết người hơn cúm theo mùa, nhưng A/H1N1 lây lan rất nhanh, dễ dàng gây ra đại dịch với hàng triệu bệnh nhân trong tương lai.
Viên Aspirin với heart attack
Vào giữa tháng Tám năm 2009, đài truyền hình CNN có tường trình một sự việc liên quan tới viên thuốc chống đau aspirin và cơn đau tim heart attack của một hành khách đang ngồi trên máy bay của công ty hàng không Delta.
Vị hành khách này đột nhiên lên cơn suy tim. Một hành khách khác là bác sĩ vội vàng cứu chữa và cho bệnh nhân nhai nuốt một viên thuốc aspirin trong tủ thuốc cấp cứu. Máy bay khẩn cấp đáp xuống phi trường gần nhất. Nạn nhân được đưa vào bệnh viện và được thông tim, cứu sống. Bác sĩ chuyên khoa tại phòng cấp cứu tuyên bố là mặc dù ông ta không dám quả quyết nhưng rất nhiều khả năng viên aspirin đã góp phần cứu sống bệnh nhân. Theo ông, đã có nhiều nghiên cứu cho hay uống một viên aspirin ngay khi cơn đau tim xuất hiện có thể giúp duy trì mạng sống.
Aspirin giảm sản xuất prostaglandins trong cơ thể. Một trong những tác dụng của chất này là kích thích tiểu bào kết tụ với nhau, tạo ra huyết cục. Huyết cục tới tim, gây ra heart attack, tới não đưa tới đột quỵ stroke.
Với khả năng ngăn chặn sản xuất prostaglandins, aspirin giảm rủi ro cơn đau tim.
Theo thống kê, hiện nay có tới 50 triệu người dân Hoa Kỳ đang uống một viên aspirin mỗi ngày để phòng tránh cơn đau tim. Nhưng các nhà chuyên môn nhấn mạnh là viên thuốc này ví như con dao hai lưỡi: có thể làm tan cục máu gây ra heart attack, đồng thời cũng gây ra xuất huyết nguy hiểm tới tính mạng.
Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của aspirin với cơn đau tim. Ủng hộ cũng có mà dè dặt cũng nhiều. Cho nên trước khi dùng thuốc này trong mục đích phòng tránh stroke và heart attack, bà con nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa tim mạch về liều lượng, cách dùng.
Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ đề nghị dùng aspirin đối với bệnh nhân đã có nhồi máu cơ tim, cơn đau trước ngực không ổn định (unstable angina), đột quỵ thiếu máu cục bộ gây ra do huyết cục ( ischemic stroke), cơn thiếu máu cục bộ nhẹ (tranient ischemic attack), cũng như để tránh xảy ra các biến cố này ở người có rủi ro, nếu không có các chống chỉ định như xuất huyết, dị ứng với aspirin. Các rủi ro đó là hút thuốc lá, cao huyết áp, cao cholesterol, tiểu đường, thân nhân bị bệnh tim.
Nói chung là:
– Khi thấy triệu chứng báo động heart attack, kêu 9-1-1 ngay tức thì. Nhân viên cấp cứu sẽ hướng dẫn cho ta cần làm gì, kể cả có uống aspirin hay không. Triệu chứng báo động là đau quặn như ép trước ngực, lên vai, lên cố, hụt hơi thở, đổ mồ hôi hột, quay cuồng chóng mặt.
– Không tự quyết định dùng aspirin với mục đích phòng tránh heart attack.
– Không uống aspirin khi bụng đói để tránh kích thích, xuất huyết dạ dày.
– Không uống rượu khi dùng aspirin, vì xuất huyết dạ dày sẽ trầm trọng hơn.
Vài hàng rông rài, hy vọng đóng góp chút kiến thức căn bản để bà con cô bác bảo vệ sức khỏe, an hưởng lộc trời.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]