Đàn áp còn trầm trọng và phổ biến
Mạch Sống, ngày 3 tháng 5, 2016
http://machsongmedia.com
Hôm qua, 2 tháng 5, Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tề công bổ bản phúc trình hàng năm với đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống và nghiêm trọng.
“Mức độ chính quyền hạn chế các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam khác nhau rất nhiều tùy theo vùng miền địa lý, cũng như tùy theo từng tổ chức tôn giáo dựa vào quan hệ của các tổ chức đó với nhà nước,” bản phúc trình viết.
Bản phúc trình ghi nhận một số diễn tiến tích cực trong năm qua, như việc cho phép một số tổ chức tôn giáo làm công tác từ thiện và, theo báo cáo của chính quyền, việc có thêm nhiều điểm thờ phượng ở tư gia.
Bản báo cáo trưng dẫn một vài sự cải thiện điển hình như việc hàng trăm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã không bị ngăn cản hay sách nhiễu khi tham gia Lễ Nguyên Tiêu vào rằm tháng Giêng đầu năm nay, hoặc việc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên ở Kontum lần đầu tiên được tổ chức lễ Giáng Sinh vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng theo bản báo cáo, chính quyền vẫn xem nhiều cộng đồng tôn giáo độc lập là yếu tố đe dọa chính sách đoàn kết dân tộc và dẫn chứng nhiều trường hợp cụ thể.
Các trường hợp được nêu gồm các vụ đàn áp tín đồ Mennonite ở tỉnh Gia Lai, việc giật sập 27 nhà bảo quản đồ tang lễ của các tín đồ đạo Dương Văn Mình, việc quản thúc Hòa Thượng Thích Quảng Độ, các vụ sách nhiễu các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở Tỉnh Đồng Tháp, các vụ hành hung tín đồ Mennonite theo Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, các vụ tấn công các người Công Giáo ở Tỉnh Gia Lai, việc bắt giữ Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, việc giam giữ và hăm dọa Mục Sư Y Noen Ayun thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên ở Đắk Lắk.
“Các cộng đồng tôn giáo ở khắp Việt Nam lo lắng rằng chính quyền sẽ cưỡng chiếm đất đai và cơ sở của họ,” bản phúc trình mô tả.
Các ví dụ được nêu gồm Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Chùa Đạt Quang ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Thánh Thất Cao Đài Tuy An ở Phú Yên, Giáo Xứ Đông Yên ở Vinh, nhiều chùa chiền của các Phật Tử Khmer Krom ở Miền Tây, đất đai của các cộng đồng tôn giáo Tây Nguyên, v.v.
Để chuẩn bị biên soạn bản phúc trình, một phái đoàn của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã đến thị sát Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Phái đoàn đã gặp khá đông các đại diện của những cộng đồng và hệ phái tôn giáo độc lập. Qua đó họ đã nắm bẳt khá rõ và chi tiết tình hình thực tế ở nhiều địa phương.
Bản phúc trình cho biết đặc biệt nghiêm trọng là vụ Ông Mà Văn Pá thuộc đạo Dương Văn Mình đã bị giam giữ và tra tấn vừa sau khi tiếp xúc với phái đoàn của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.
“Những cuộc tiếp xúc như vậy rất quan trọng vì từ sau đó các cộng đồng và hệ phái tôn giáo ấy sẽ tiếp tục báo cáo trực tiếp với quốc tế,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định.
Theo Ts. Thắng, trên 80% các vụ đàn áp được dùng làm dẫn chứng trong bản phúc trình là do chính các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam thực hiện.
“Trong 2 năm qua chúng tôi đã huấn luyện khoảng 500 thành viên của các cộng đồng tôn giáo cách báo cáo với quốc tế mỗi khi xảy ra vi phạm,” Ts. Thắng chia sẻ.
Bản phúc trình nêu mối quan ngại đối với dự thảo luật tôn giáo vì nội dung hàm chứa một số hạn chế hay vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong phần khuyến cáo, Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế yêu cầu Hành Pháp Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là một quốc gia cần quan tâm đặc biệt, vạch ra lộ trình để Việt Nam thực thi các cam kết nếu không muốn bị chế tài, cổ súy cho tự do tôn giáo như một phần của TPP, đòi hỏi tự do cho mọi tù nhân tôn giáo, cử nhân viên lãnh sự thăm viếng thường xuyên các vùng xảy ra đàn áp tôn giáo trầm trọng, và đưa các kẻ vi phạm quyền tự do tôn giáo vào danh sách chế tài.
“Khuyến cáo cuối này chính là điều mà chúng tôi vận động ráo riết trong thời gian qua,” Ts. Thắng cho biết.
Đặc biệt năm nay bản phúc trình được dịch sẵn ra tiếng Viêt.
Nguyên bản tiếng Anh: http://www.uscirf.gov/sites/default/files/USCIRF_AR_2016_Tier1_2_Vietnam.pdf
Bản dịch tiếng Việt: http://www.uscirf.gov/sites/default/files/Vietnam%202016_Vietnamese.pdf