Quan niệm về thời gian: Yếu tố văn hoá ảnh hưởng hội nhập quốc tế
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 15 tháng 2, 2016
http://machsongmedia.com
Quan niệm về thời gian thay đổi theo văn hoá. Ngay ở Hoa Kỳ quan niệm ấy đã khác nhau tuỳ theo vùng. Tôi ở Bắc Virginia nhưng học đại học ở miền Nam của tiểu bang. Đám sinh viên từ miền Bắc chúng tôi nói đủa với nhau: chắc phải học lâu gấp đôi vì thầy miền Nam nói chậm chỉ bằng nửa tốc độ của thầy miền Bắc.
Đó là chuyện đùa. Còn đây là chuyện thật. Tôi có anh bạn luật sư gốc thành phố New York, nơi người dân nổi tiếng sống nhanh nói vội. Một hôm anh ta được hãng luật giao cho cô phụ tá mới ra trường đến học việc. Cô ấy là dân Alabama, một tiểu bang miền Nam nơi có nhịp sống chậm rãi. Ngày đầu được giao việc, cô ta không nghe kịp “sếp” nói gì. Cô khóc thút thít vì không dám hỏi lại. Anh chàng luật sư ngồi bàn bên cạnh thấy tội nghiệp, lập lại lịch công việc một cách thật chậm rãi. Cô ta mừng quá, nín khóc và bắt tay vào việc. Đó là người Mỹ với nhau.
Trong công việc, tôi có dịp đi nhiều quốc gia, tiếp xúc nhiều nền văn hoá. Tôi lấy cụm từ “sớm nhất có thể được” để đo lường sự khác biệt trong quan niệm về thời gian. Nếu người ở New York, như anh bạn của tôi, diễn giải nó là nội trong 24 tiếng đồng hồ thì người dân miền Nam Hoa Kỳ kéo giãn nó ra thành 48 tiếng. Qua đến Mexico thì nó có thể tăng lên thành một tuần. Với người Pháp thì chắc còn lâu hơn nữa. Ở Úc ra sao, tôi không biết nhưng đoán là cũng dài ngày lắm.
Người Việt ở Hoa Kỳ có cách nhìn về thời gian khác với người Mỹ. Khi làm việc với đồng hương, mỗi lần dặn dò “sớm nhất có thể được” mà chờ mãi không thấy gì, tôi mới nhớ rằng mình “lỡ dại” đã không nói rõ ngày, giờ hẳn hoi. Với người Việt ở trong nước, thời gian còn giãn loằn ngoằn hơn nữa. Có những việc tôi nghĩ rằng chỉ trong vài tiếng đã phải xong, ấy vậy mà có khi phải chờ nhiều tuần, và có khi biền biệt – mất hút. Riết rồi tôi cũng thuộc bài: Muốn xong việc thì phải nhắc, nhắc nữa, nhắc hoài.
Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu người nước ngoài sẽ chịu khó nhắc tới nhắc lui khi đối tác với người Việt? Hay là với họ thì “chỉ một lần thôi, rồi hai ta vĩnh biệt”?
Đó là điều tôi lo lắng. Khi người Việt ở trong nước tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chênh lệch về quan niệm thời gian sẽ ngăn trở sự hội nhập. Lái xe 5 cây số giờ, chúng ta không thể nhập vào dòng xe đang chạy 100 cây số giờ.
Tôi đoán rằng xã hội Việt Nam vẫn còn đẫm tính nhà nông — thời gian chậm rãi trôi theo nhịp của mặt trời chầm chậm mọc đằng Đông rồi tà tà lặn đằng Tây. Trong khi đó nhịp đập của thế giới công nghiệp là tiếng tích tiếng tắc của đồng hồ, từng nửa giây một. Nếu không tự mình ý thức để chuyển nhịp độ, người Việt ở trong nước sẽ khó hội nhập với thế giới ngay cả khi không còn bị chế độ bưng bít nữa.
Trở lại với anh bạn luật sư – không ai khác hơn là người cùng với tôi thành lập chương trình LAVAS, viết tắt của tên tiếng Anh là Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers, tức là chương trình bảo vệ pháp lý cho thuyền nhân Việt Nam. Chúng tôi lập ra chương trình này cách đây một phần tư thế kỷ để bảo vệ cho thuyền nhân Việt Nam lúc ấy đang bị đe doạ bởi chính sách cướng bức hồi hương.
Tôi là chủ tịch còn anh ta là tư vấn pháp lý. Tính tôi hay hối thúc. Mỗi khi tôi dặn, “sớm nhất có thể được” là anh ấy hiểu và dịch ra ngay thành “nội trong ngày hôm nay”. Đôi khi tôi không chờ đến cuối ngày mà cách vài tiếng đồng hồ lại hối.
“Cho tôi thở với chứ,” anh ta than vãn.
Tội cho anh chàng luật sư gốc thành phố New York.
(Viết trên chuyến bay đến Đài Loan)