Khẳng định lập trường: tranh đấu cho các giá trị nhân bản, chứ không vì thắng-thua
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 1 tháng 11, 2015
http://machsongmedia.com
Ngày 3 tháng 11 tới đây, phim “Terror in Little Saigon” – Nỗi Kinh Hoàng ở Little Sàigòn – sẽ được trình chiếu trên hệ thống truyền hình PBS trên toàn quốc Hoa Kỳ lúc 10pm theo giờ Hoa Thịnh Đốn. Ở ngoài Hoa Kỳ có thể xem qua internet. Ngày Thứ Bảy 7 tháng 11, phim sẽ ra mắt tại Newseum, tức Bảo Tàng Viện Báo Chí ở thủ đô Hoa Kỳ, trong loạt sinh hoạt đánh dấu 40 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí của nhà sản xuất, phim thì đây là một phóng sự điều tra “mở lại một hồ sơ khủng bố nội địa đã không được giải quyết trong nhiều thập niên” ngay trên đất Mỹ, trong lòng cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chủ đề của phim xoáy vào các vụ sát hại 5 nhà báo Mỹ gốc Việt và các hành vi hăm doạ và tấn công nhắm vào nhiều thành viên trong cộng đồng Việt tị nạn trong khoảng thời gian từ 1981 đến 1990. Các hành vi này liên quan đến một tổ chức chính trị có hoạt động vũ trang ở vùng biên thuỳ Thái Lan-Lào trong khoảng thời gian ấy.
Phim “Terror in Little Saigon” do hai tổ chức nặng ký của ngành truyền thông Hoa Kỳ đồng thực hiện: Chương trình Frontline với 75 giải Emmy và 17 giải Peabody, và ProPublica với 2 giải Pulitzer và 1 giải MacArthur. Do đó chắc chắn dư luận ở Hoa Kỳ, và ở nhiều quốc gia có người Việt sinh sống, sẽ chú ý đến và sẽ có những nhận xét, có lẽ bất lợi, về cộng đồng của chúng ta. Họ cũng có thể sẽ hiểu sai về các nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam của chúng ta.
Chúng ta cần theo dõi để có cách hồi đáp thích hợp.
Câu hỏi không thể tránh né
Cho dù cuốn phim không công khai đánh đồng mọi người Việt tị nạn với các hành vi mà nhóm thực hiện cho là khủng bố, người xem vẫn được dẫn đến nhận định rằng một thành phần “bên thua cuộc” vì cay cú nên muốn dở ngược lại trang sử chiến tranh Việt Nam và sẵn sàng dùng các biện pháp thanh trừng, ám sát, hăm doạ… đối với những ai trong cộng đồng người Việt mà trái ý với họ.
Qua lời giới thiệu về phim, chúng ta có thể đọc được một thông điệp ngầm lồng trong phim về thái độ im lặng của cộng đồng Việt tị nạn trong hơn 30 năm qua. Sự im lặng ấy có thể được diễn giải là đồng loã, là dung túng, là chấp nhận, là bất cần hay là sợ hãi. Cách nào cũng đều chẳng tốt.
Thái độ của chúng ta
Chúng ta đã bỏ quê hương ra đi là vì tự do, nhân phẩm, công lý, quyền mưu cầu hạnh phúc… Đó là những giá trị nhân bản – nghĩa là những giá trị tự thân của con người vì là con người. Chúng ta sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống cho những giá trị ấy. Và chính những giá trị nhân bản ấy đã thôi thúc chúng ta tranh đấu không mệt mỏi trong suốt 40 năm qua cho sự tử tế trên quê hương.
Trong xã hội ấy mọi người dân sẽ được hưởng tự do và công lý, có cơ hội thăng tiến, được bảo vệ trong mưu cầu hạnh phúc riêng tư, và có quyền dự phần quyết định vận mạng của chính mình và tương lai của dân tộc. Lịch sử nhân loại cho thấy xã hội nhân bản là tiền đề cho phát triển, thịnh vượng, hoà bình và ổn định.
Khi khẳng định thái độ không nhân nhượng, không thoả hiệp về các giá trị nhân bản, chúng ta vạch lằn ranh phân định chiến tuyến cho cuộc tranh đấu của ngày hôm nay. Bên kia lằn ranh là những ai bất chấp đạo đức, sẵn sàng dẫm đạp lên đồng loại, xem nhẹ mối an nguy và sinh mạng của người khác, không từ một thủ đoạn hay xảo thuật nào miễn là đạt mục đích cá nhân hay tập đoàn. Hoặc đang phục vụ chế độ đương quyền hoặc đang chống lại nó, họ đều ở phía bên kia của lằn ranh này.
Kết luận
Trong cuộc chiến Việt Nam, dòng sông Bến Hải không là lằn ranh phân định phe thắng, phía thua. Chính thái độ về các giá trị nhân bản mới là lằn ranh. Ngày 30 tháng 4, 1975, cái ác đã thắng, sự tử tế đã thua; một tập đoàn thành công và toàn thể dân tộc đã thảm bại.
Bốn mươi năm đã qua và chúng ta vẫn tiếp tục tranh đấu, không phải vì hận thù, không phải vì muốn tranh thắng-thua, không phải để đẩy lùi bánh xe lịch sử. Chúng ta tranh đấu cho những giá trị nhân bản, mà nếu thiếu thì không thể nào xây dựng một xã hội tử tế và lành mạnh cho quê hương. Chúng ta tranh đấu cho tương lai, cho dân tộc tiến lên, cho con người hạnh phúc, cho đất nước hoà bình và phát triển.
Phim Terror in Little Saigon có tác dụng nhắc nhở chúng ta về lằn ranh phân định chỗ đứng trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ hiện nay; là phép thử để chúng ta tái khẳng định thái độ về đạo đức con người; là cơ hội để chúng ta ở trong và ngoài nước, trong Nam và ngoài Bắc đến với nhau trên căn bản của những giá trị nhân bản chung mà chúng ta đang cùng mưu cầu cho dân tộc.
Đó là thông điệp chúng ta cần gởi đến dư luận Hoa Kỳ và quốc tế, một cách thật tinh khiết và rõ ràng.
Thông tin liên quan:
Phim Terror in Little Saigon, chiếu ngày 3 tháng 11, lúc 10:00 pm giờ Hoa Thịnh Đốn, trên hệ thống PBS:
http://www.pbs.org/wgbh/pages/frontline/pressroom/on-nov-3-frontline-and-propublica-investigate-terror-in-little-saigon-press-release-trailer/
Xem qua internet vào cùng ngày giờ: http://pbs.org/frontline
Lịch trình chiếu phim Terror in Little Saigon tại Newseum, ngày 7 tháng 11:
http://www.newseum.org/event/inside-media-terror-in-little-saigon/