Chúng ta có thể nắm thế thượng phong, nếu làm đúng việc đúng cách
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 13 tháng 10, 2015
http://machsongmedia.com
(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 2. Sách Lược Chuyển Thế, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam”: http://www.machsongmedia.com/chinhtri/vandechinhsach/1009-pho-bien-ke-hoach-5-va-100 )
Cuộc đàm phán Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài 5 năm đã hoàn tất cách đây hơn một tuần. Kế đến là chính phủ của 12 quốc gia đàm phán phải ký và chuyển cho Quốc Hội để biểu quyết.
Ở Hoa Kỳ, vận mạng của TPP giờ đây nằm trong tay của 435 vị dân biểu và 100 vị thượng nghị sĩ ở Quốc Hội. Với tư thế công dân, tập thể người Mỹ gốc Việt đang có cơ hội áp lực Hành Pháp Hoa Kỳ, qua các dân biểu và thượng nghị sĩ của mình, để đòi hỏi Việt Nam phải nhượng bộ cụ thể về nhân quyền. Tiếng nói của mỗi vị dân biểu và thượng nghị sĩ đều có ảnh hưởng lớn trong lúc này vì hiện nay mức ủng hộ và chống đối TPP ở Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ chênh lệch nhau trên chục phiếu.
Để khai thác cơ hội này, chúng tôi thực hiện ba công tác:
(1) Vận động cho 2 dự luật nhân quyền cho Việt Nam;
(2) Vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ lên tiếng trực tiếp với Tổng Thống Obama;
(3) Thực hiện cuộc tổng vận động ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào mùa Xuân 2016.
Vận động cho 2 dự luật nhân quyền
Một số Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ đang chuẩn bị đưa 2 dự thảo luật liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam vào Thượng Viện: Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam và Luật Chế Tài Các Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam. Dự luật thứ nhất đã được đưa vào Hạ Viện và được tiểu ban nhân quyền của Hạ Viện thông qua.
Được đưa vào Quốc Hội lúc này, cả hai dự luật sẽ có tác dụng là nhắc nhở các vị dân biểu và thượng nghị sĩ về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam, và nhắn nhủ họ nên cân nhắc lá phiếu khi biểu quyết TPP nếu như Việt Nam vẫn không thực tâm cải thiện nhân quyền và chấp nhận những nguyên tắc căn bản về dân chủ.
Hiện nay văn phòng của Thượng Nghị Sĩ Bill Cassidy (Cộng Hoà, Louisiana), tác giả của Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam ở Thượng Viện, đang thu thập sự ủng hộ từ các tổ chức và hội đoàn ở Hoa Kỳ cho dự luật này. Tôi kêu gọi các tổ chức người Việt ở khắp đất nước Hoa Kỳ ghi danh ủng hộ bằng cách liên lạc với cô Xuân Phương: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Song song tôi cũng xin quý đồng hương vận động sự ủng hộ của các tổ chức Hoa Kỳ, nhất là các tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ, mà mình quen biết.
Lên tiếng với Tổng Thống Obama
Chính quyền Việt Nam đang vận động TT Obama viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 tới đây và hiện có nhiều chỉ dấu điều này sẽ xảy ra. Đây là cơ hội để các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, qua một văn thư ký tên chung, nối kết vấn đề nhân quyền với TPP mà cuộc đàm phán vừa hoàn tất. Điều này sẽ tạo áp lực đối với TT Obama, vốn đang cần tranh thủ sự ủng hộ của từng vị dân biểu và thượng nghị sĩ cho TPP. Nó cũng là lý do cho TT Obama, trong bối cảnh của chuyến viếng thăm sắp đến, yêu cầu Việt Nam có những hành động cụ thể như là trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, cải tổ hệ thống luật pháp cho phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, chấm dứt chính sách đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập…
Trước đây, nhân dịp Ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Toà Bạch Ốc, chúng tôi đã vận động 7 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gửi văn thư yêu cầu TT Obama nêu các vấn đề nhân quyền cụ thể làm điều kiện cho Việt Nam tham gia TPP. Phần lớn các vấn đề này đều được TT Obama đưa vào nội dung trao đổi với Ông Nguyễn Phú Trọng.
Chúng tôi đang làm việc với một số văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ để thảo một văn thư tương tự. Sự ủng hộ của các tổ chức và hội đoàn cho 2 dự luật kể trên sẽ khuyến khích các vị dân biểu và thượng nghị sĩ đồng ký tên vào văn thư quan trọng này.
Chuẩn bị Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2016
Từ năm 2012 chúng tôi đã cùng với các phái đoàn người Việt ở khắp Hoa Kỳ thực hiện 5 cuộc tổng vận động tại Quốc Hội. Thoạt đầu là 500 người và gần đây nhất là 800 người tham gia. Kết quả là ngày càng thêm các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ am tường về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và hợp tác chặt chẽ với cử tri người Mỹ gốc Việt. Đây là lúc chúng ta sử dụng những thành quả này, được tích luỹ qua nhiều năm, để vận động thật quyết liệt ngay trước khi Quốc Hội biểu quyết TPP. Chúng ta sẽ vận động để đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những nhượng bộ cụ thể như kể trên.
Dự kiến rằng TPP sẽ được đưa ra Quốc Hội biểu quyết trong tháng 4 hoặc trễ lắm là đầu tháng 5, 2016, chúng tôi đang lập kế hoạch cho cuộc tổng vận động Quốc Hội vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4, 2016. Thời điểm nhất định sẽ được công bố vào đầu năm 2016 khi chúng tôi biết lịch trình làm việc của Quốc Hội.
Vì tầm quan trọng của cuộc tổng vận động, chúng tôi kêu gọi đồng hương tham gia đông đảo và ghi danh sớm với Cô Xuân Phương: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Ba giai đoạn vận động
Để khai thác TPP làm phương tiện vận động cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam, chúng tôi thực hiện kế hoạch gồm 3 giai đoạn: Trong tiến trình đàm phán, trong tiến trình biểu quyết và trong tiến trình thực thi.
(1) Trong tiến trình đàm phán
Đây là giai đoạn để vận động Việt Nam cam kết càng nhiều càng tốt về nhân quyền. Cuối năm 2009, khi Hành Pháp Obama vừa báo cho Quốc Hội biết kế hoạch đàm phán TPP, chúng tôi đã cùng với Dân Biểu Cao Quang Ánh, lúc ấy còn đương nhiệm, đề ra phương án để nương vào đó mà vận động cho nhân quyền ở Việt Nam. Trong bản góp ý ngày 23/01/2010 gởi Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, chúng tôi đưa ra 5 điều kiện để Việt Nam tham gia TPP: chấm dứt nạn buôn người, tôn trọng quyền của người lao động về nghiệp đoàn độc lập và điều đình tập thể, tôn trọng tài sản trí tuệ, trao đổi sản phẩm trí tuệ 2 chiều, chống tham nhũng. Phần lớn các điều kiện này đều được Hành Pháp Hoa Kỳ đồng ý cài vào nội dung TPP. (Xem: http://dvov.org/wp-content/uploads/2013/08/bpsos-comments-for-tpp-01-23-10.pdf)
Tại buổi họp ngày 26/11/2013 với Đại Sứ Michael Froman, Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, Dân Biểu Cao Quang Ánh và tôi đã bổ sung thêm 5 điều kiện: Tự do internet, tự do tôn giáo, bảo vệ các luật sư nhân quyền, phát triển xã hội dân sự, và bồi thường tài sản tịch thu của công dân Hoa Kỳ. (Xem: http://dvov.org/wp-content/uploads/2013/08/Position-of-BPSOS-11-26-13.pdf). Đấy là những trọng tâm cho các cuộc tổng vận động từ năm 2014 đến giờ.
(2) Trong tiến trình biểu quyết
Từ giờ đến khi TPP được biểu quyết, cử tri Mỹ gốc Việt cần vận động Quốc Hội Hoa Kỳ đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải chứng tỏ thực tâm bằng những nhượng bộ cụ thể về nhân quyền. Khai thác cách nào thì đã được trình bày ở phần trước.
(3) Sau khi TPP được biểu quyết
Một khi TPP có hiệu lực, nghĩa là sau khi được Quốc Hội của cả 12 quốc gia thành viên phê chuẩn, cộng đồng người Việt ở một số quốc gia sẽ nắm ưu thế đối với chính quyền Việt Nam để ép họ phải thực thi đúng đắn các điều giao ước trong TPP.
Chẳng hạn, là công dân Hoa Kỳ gốc Việt chúng ta có thể đóng vai trò “canh chừng và báo động”, tiếng Anh là watchdog. Là người gốc Việt, chúng ta có khả năng theo dõi tình hình ở trong nước và thu thập dữ kiện chính xác về các vi phạm. Trong vai trò công dân, chúng ta có vị thế để báo động cho chính phủ Hoa Kỳ và áp lực phải xử lý. Điều này cũng áp dụng cho người Việt ở Canada, Úc, Tân Tây Lan, Nhật…
Nói cách khác, TPP là cơ hội để chúng ta giành thế chủ động. Điều này đòi hỏi chúng ta chuyên môn hoá, liên kết trong ngoài, phân công, và phối hợp trong thế liên hoàn với nhau.
Đây sẽ là đề tài cho một số bài viết tới.
Kết luận
TPP là cơ hội để vừa dân chủ hoá vừa phát triển đất nước, với điều kiện là chế độ phải chấp nhận các luật chơi của thế giới tự do và cải tổ thể chế cho phù hợp. Cuộc vận động trong 5 năm qua nhắm mục tiêu này.
Thời gian 6, 7 tháng tới đây, trước khi Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết TPP, chúng ta đòi hỏi chế độ phải chứng minh thành tâm bằng những hành động cụ thể như là trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, luật hoá các cam kết về nhân quyền, và chứng tỏ sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân.
Đồng thời chúng ta, người Việt ở trong và ngoài nước, phải chuẩn bị cho vai trò “canh chừng và báo động” trong những năm tới nhằm ép chế độ phải tuân thủ những gì đã cam kết.
Được vậy thì lợi ích từ TPP mới đến với toàn xã hội thay vì tập trung vào túi tham của các nhóm lợi ích, cán cân về thế sẽ chuyển dần sang phía người dân, và sự hội nhập kinh tế với thế giới tự do sẽ mở đường cho đất nước tiến đến dân chủ.
Và chính chúng ta sẽ chủ động hướng đất nước đến tương lai ấy.