Sự hội nhập toàn vùng đang mở ra cơ hội cho tự do tôn giáo

Phát biểu khai mạc Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng Ở Đông Nam Á

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 30 tháng 9, 2015

LTS: Dưới đây là lời phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, trong phần khai mạc Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng Ở Đông Nam Á. Hội nghị này do ba tổ chức uy tín cùng hợp tác thực hiện: International Commission of Jurists (ICJ), Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA) và BPSOS, trong sự phối hợp với văn phòng Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng. Hội nghị được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 30 tháng 9 và 1 tháng 10. Tối ngày 1 tháng 10 là buổi họp báo đúc kết hội nghị.

Thay mặt tổ chức BPSOS, tôi ngỏ lời tri ân đến hai tổ chức ICJ và FORUM-ASIA, văn phòng của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, và văn phòng khu vực của Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ về sự hợp tác để tổ chức hội nghị quan trọng này. Tôi cũng ghi nhận sự tham gia của một số giới chức chính quyền ĐNÁ và đại diện của một số toà đại sứ ngoại quốc ở Thái Lan. Tôi rất hân hạnh chào đón đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và của các cộng đồng tôn giáo đến từ các quốc gia Đông Nam Á và xa hơn. Tôi biết rằng có những người đã phải vượt qua rào cản và rủi ro để đến đây – tôi xin nghiêng mình trước lòng quả cảm và sự quyết tâm của quý vị.

Vừa rồi anh Sam [Sam Zarifi, Giám Đốc Vùng Á Châu và Thái Bình Dương, ICJ] nhận xét rằng có thể đây là lần đầu tiên có một hội nghị như thế này. Tôi xin khẳng định rằng đúng vậy – đây là hội nghị đầu tiên về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho toàn vùng ĐNÁ.

ĐNÁ là nơi hứa hẹn nhiều thay đổi cũng như tiềm ẩn nhiều thách đố lớn. Chỉ vài tháng nữa thôi, bắt đầu ngày 1 tháng 1, 2016, khối ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế duy nhất. Sự hội nhập này có thể đem đến nhiều cơ hội để phát huy tự do tôn giáo hoặc có thể làm trầm trọng hơn những vi phạm nhân quyền.

Cưỡng chế đất đai là một ví dụ của xu hướng trầm trọng hơn. Tệ trạng này tác hại đặc biệt đến các cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng bản địa ở Việt Nam như là các xứ đạo thuần thành ở nhiều nơi, các sắc dân Tây Nguyên ở cao nguyên Trung phần, các cộng đồng Hmong ở thượng du miền Bắc, hay cộng đồng Khmer Krom ở miền Nam. Một công ty Việt Nam, được chính quyền hỗ trợ mạnh mẽ, là thủ phạm chính trong nhiều vụ cưỡng chiếm đất đai ở Việt Nam. Ít ai biết rằng chính công ty này đang can dự vào những vụ cưỡng chế đất ở Campuchia và Lào. Họ nay đã mở văn phòng hoạt động ở Thái Lan và đang lăm le lấn sang Miến Điện. Với sự hội nhập toàn vùng về kinh tế, tình trạng chiếm dụng đất đai sẽ lan rộng và trở nên trầm trọng hơn nếu không có biện pháp đối phó.

Ts. Nguyễn Đình Thắng phát biểu trong phần khai mạc hội nghị

 

 

 

 

Trong bối cảnh hội nhập toàn vùng đang diễn ra ấy, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một lĩnh vực quan trọng để chúng ta phải quan tâm phát huy vì nó không phải là một quyền duy nhất mà là một “gói” quyền, liên quan đến các quyền con người căn bản. Nếu không có tự do ngôn luận thì không thể có tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Nếu không có tự do đi lại thì không thể có tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Nếu không có quyền sở hữu tài sản và đất đai cũng không thể có tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Và cũng vậy đối với quyền tự do hội họp và lập hội. Chính bởi vậy, hậu quả của sự vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng thường bộc lộ ra trong nhiều lĩnh vực khác.

Chúng tôi đã trải nghiệm điều này qua các hoạt động chống buôn người ở Malaysia từ năm 2008 đến giờ. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp của người theo Đạo Hồi thuộc sắc dân Rohingya ở Miến Điện phải chạy sang Malaysia tị nạn. Vì không được bảo vệ bởi pháp luật, nhiều người trong số họ đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người ở Malaysia. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều người Tây Nguyên ở Việt Nam tại Malaysia; họ bị mất đất đai và mất sinh kế nên đã phải tham gia chương trình xuất khẩu lao động để rồi bị bóc lột nặng nề như nô lệ.

Và trong lĩnh vực tị nạn, ngay tại Thái Lan này, văn phòng pháp lý của chúng tôi đang giúp đỡ cho hàng nghìn người tị nạn đến từ Việt Nam. Ba phần tư trong số họ đã phải bỏ nước ra đi lánh nạn sự đàn áp tôn giáo nhắm vào các cộng đồng tôn giáo người Tây Nguyên, người Hmong, người Khmer Krom và người Kinh.

Bảo vệ tự do tôn giáo và tín ngưỡng do đó cũng là bảo vệ nhiều quyền con người căn bản khác. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng chính là chìa khoá khai mở những tự do khác. Bởi vậy hội nghị này mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Tôi cảm ơn vị Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã gợi ý về hội nghị này.

Tôi hy vọng là sự họp mặt của chúng ta ngày hôm nay ở đây là bước khởi đầu của một nỗ lực dài lâu và bao quát toàn vùng để phát huy tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trong ba lĩnh vực hợp tác: người dân với người dân, chính quyền với chính quyền và người dân với chính quyền, với sự tiếp trợ của cộng đồng thế giới. Sự hội nhập của khối ASEAN sẽ tăng hiệu quả cho các nỗ lực hợp tác này, nếu chúng ta biết khai thác.

Trong tinh thần ấy, tôi chúc hội nghị thành công mỹ mãn.

Lần nữa xin cảm ơn và đón chào quý vị tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày, hôm nay và ngày mai.

Viết một bình luận