Chống buôn người tận gốc — những thành tựu đáng kể
Ngày 2 tháng 8, 2015
(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 2.2.1. Mở hành lang an toàn, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam”: http://www.machsongmedia.com/chinhtri/vandechinhsach/1009-pho-bien-ke-hoach-5-va-100 )
Nhóm Xe Đạp Việt, với sự yểm trợ đắc lực của các tay “cua-rơ” từ Houston và Bắc Virginia, vừa thực hiện cuộc gây quỹ có một không hai trong cộng đồng Việt để yểm trợ chương trình chống buôn người của BPSOS — họ đạp xe xuyên Hoa Kỳ trong 21 ngày, từ thành phố Oceanside ở bờ Tây đến tận Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn ở bờ Đông. Số tiền gây quỹ được, $20,000 Mỹ kim, là rất quý; không kém quan trọng là họ đã dấy lên mối quan tâm nơi nhiều người Việt và Hoa Kỳ về thảm trạng buôn bán nô lệ lao động và tình dục ở khắp thế giới. Chúng tôi xin tri ân các mạnh thường quân đã đóng góp và đặc biệt là các tay cua-rơ gồm cả người Việt và những bạn bè thuộc các sắc dân khác.
Chương trình chống buôn người của BPSOS có tên là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, mà tiếng Anh là Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, gọi tắt là CAMSA.
Một số khuôn mặt tiêu biểu của nạn nhân buôn người được CAMSA giải cứu hay can thiệp
Chương trình này do BPSOS thành lập đầu năm 2008 cùng với Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế ở Đức, Liên Hội Người Việt Canada và Tenaganita ở Malaysia. Mục đích của CAMSA là xoá bỏ tận gốc nạn buôn người, đặc biệt là các hình thái buôn người có sự bao che hay dính dự của các giới chức chính quyền Việt Nam. Đây là điểm khác với những tổ chức cũng là chống buôn người nhưng chỉ giúp cho những trường hợp cá lẻ không đụng chạm đến chính quyền hoặc ở trong khuôn khổ được chính quyền cho phép.
Khi chúng tôi đề ra mục đích là “bài trừ” nạn buôn người, có người không tin rằng sẽ làm được. Họ nghĩ, làm sao người Việt ở hải ngoại có thể đẩy lùi được chính sách của một chính quyền độc tài và tham nhũng? Ấy vậy mà chúng tôi đã tiến những bước dài trong hơn 7 năm qua.
Giải cứu nạn nhân
Đến nay CAMSA đã giải cứu hay tiếp tay giải cứu gần 11 nghìn nạn nhân buôn người ở 24 quốc gia trên thế giới. Trong đó gần 90% là người Việt Nam. Họ là nạn nhân của nạn nô lệ lao động hay tình dục, và có khi là cả hai. Chỉ trong 2 tháng đầu sau ngày thành lập, CAMSA đã thực hiện cuộc giải cứu cho 2.600 nạn nhân ở Malaysia, trong đó phân nửa là người Việt, và đòi được gần 1 triệu Mỹ kim tiền bồi thường cho họ. Cùng lúc là vụ giải cứu trên 250 nạn nhân ở Jordani; nhiều người biết đến vụ này qua Cô Vũ Phương Anh, người lãnh đạo cuộc tranh đấu đòi công lý; Cô Phương Anh được CAMSA giải cứu lần nữa khi đang trên đường bị giải về Việt Nam chịu tội.
Trong 7 năm qua CAMSA đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu táo bạo và hy hữu ở tận chân trời góc biển như Jordani, Nga, Ghana, Algérie, Trung Quốc,Malaysia, Macao, Guam… Điều này chứng tỏ là chúng tôi có thể với đến những nơi rất xa xôi trên thế giới để giải cứu đồng bào bất hạnh.
Các lao công Việt Nam chầu chực trước Toà Đại Sứ Việt Nam ở Algérie để cầu cứu nhưng vô ích, sau đó được CAMSA giải cứu, ngày 2/10/2014
Gần đây nhất, CAMSA vừa giúp thành công cho một phụ nữ Việt thoát nghịch cảnh sau hai lần bị lường gạt. Lớn lên ở một viện mồ côi, nạn nhân được khuyến dụ ký hợp đồng đi Malaysia lao động. Tại đây, cô bị bóc lột nặng nề nên phải bỏ trốn về Việt Nam với một món nợ lớn. Ít lâu sau cô tự tìm đường sang lại Malaysia để đi làm trả nợ nhưng rồi cũng lại bị bóc lột. Cô lại bỏ trốn, nhưng lần này không còn giấy tờ hợp pháp để hồi hương. Cô sống lang thang và vô gia cư giữa thủ đô Kuala Lumpur. Cô đến toà đại sứ Việt Nam cầu cứu thì họ bảo phải nộp khoản tiền lớn mà cô không có. Qua lời truyền miệng, cô tìm đến CAMSA. Cùng với 2 tổ chức bản xứ, chúng tôi đã đưa người Cô vào nhà tạm trú, và phải mất 3 tháng mới lo xong thủ tục hồi hương. Cách đây 2 tuần cô gái ấy nhắn tin là đã về đến Việt Nam an toàn.
Cũng trong thời gian ấy, CAMSA giúp cho một hoàn cảnh còn bất hạnh hơn nữa — một phụ nữ rất trẻ đã bị đánh thuốc mê và bán làm vợ cho người Trung Quốc 4 năm trước. Cách đây 3 tháng, cô có dịp ra khỏi nhà và đã lén liên lạc được với gia đình ở Việt Nam. Gia đình liên lạc với CAMSA. Chúng tôi hướng dẫn gia đình cách đưa nạn nhân về lại Việt Nam, và sẵn sàng kế hoạch giải cứu nếu bị trục trặc ở cửa khẩu. Cách đây hơn 1 tuần nạn nhân đã về với gia đình an toàn sau 4 năm biệt tích. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà chúng tôi giải cứu các cô gái Việt bị bắt cóc sang Trung Quốc.
Thiếu nữ vị thành niên bị bán sang Trung Quốc nhưng trốn thoát được, và được CAMSA đưa về với gia đình ở Đồng Nai, ngày 3/08/2012
Ngay lúc này CAMSA đang theo dõi một trường hợp bị lường gạt khi “xuất khẩu lao động” sang Ả-rập Sa-út.
Đấy là vài ví dụ về công việc giải cứu nạn nhân thường nhật của CAMSA.
Ảnh hưởng chính sách
Giải cứu nạn nhân chỉ là một trong 3 bộ phận trong hoạt động của CAMSA. Bộ phận thứ hai là vận động chính quyền của quốc gia sở tại để chính họ phải giải cứu nạn nhân; bằng không, CAMSA dù có nỗ lực giải cứu đồng bào đến đâu thì cũng chỉ là muối bỏ bể — cứu được 1 người thì 10 người khác lại trở thành nạn nhân.
Để thuyết phục các chính quyền hợp tác trong việc giải cứu, chúng tôi khai thác luật của Hoa Kỳ là chế tài các quốc gia nào thiếu quyết tâm bài trừ nạn buôn người. Sau khi đã giải cứu khá đông nạn nhân ở một quốc gia, chúng tôi dựa vào đó để chứng minh tình trạng buôn người và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo quốc gia ấy ban hành và thực thi chính sách chống buôn người; chúng tôi vừa theo dõi vừa hỗ trợ chính quyền sở tại trong thi hành.
Đến nay chúng tôi đã áp dụng thành công sách lược này đối với Malaysia, Đài Loan, và Nga. Để áp dụng sách lược này, CAMSA phải tập trung vào một quốc gia chủ yếu trong từng thời kỳ: 2008-2009 là Malaysia; 2010-2011 Đài Loan; 2012-2013 Nga; 2014 một số quốc gia Phi Châu. Điều này rất dễ nhận thấy nếu theo dõi các bản tin của CAMSA trong 7 năm qua.
Để tránh bị chế tài, năm 2009 chính phủ Malaysia thành lập Uỷ Ban Phối Hợp Chống Buôn Người để giúp ý kiến trong việc thi hành luật chống buôn người. Năm 2011 họ mời đại diện CAMSA tham gia uỷ ban nay. Tuy nhiên chính quyền Malaysia đã không thực tâm thi hành những khuyến cáo của các tổ chức chống buôn người, trong đó có CAMSA, nên năm 2014 Hoa Kỳ đã đưa Malaysia vào danh sách có thể bị chế tài nếu không sớm cải thiện.
Ts. Thắng chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức dân sự và cơ quan chính quyền Đài Loan, Bộ Ngoại Giao Đài Loan, ngày 5/01/2010
Năm 2010 Đài Loan thông qua luật chống buôn người với một số điều khoản do CAMSA đề nghị. Năm 2011 Tổng Thống và Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan đích thân trao giải thưởng cho CAMSA để ghi nhận những đóng góp cho nỗ lực chống buôn người tại quốc gia này. Từ mấp mé danh sách bị chế tài, Đài Loan nay được xếp vào số quốc gia đứng đầu về chống buôn người.
Năm 2013, vì có kinh nghiệm với nạn buôn người ở Nga, CAMSA được Quốc Hội Hoa Kỳ mời điều trần 2 lần liên tiếp trong 2 tuần. Hai tháng sau, Nga bị đưa vào danh sách chế tài. Chỉ vài tháng sau đó, chính quyền Nga đã càn quét 60 “nhà may đen” do người Việt làm chủ ở quanh Moscow và giải cứu gần 6 nghìn nô lệ người Việt; trước đó họ hoàn toàn lờ đi những hồ sơ mà chúng tôi báo động với họ. (Xem http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2644).
Chị ruột của một nạn nhân ở Nga được CAMSA đưa ra điều trần trước Quốc Hội, 11/04/2013
Năm 2014 CAMSA thực hiện 2 vụ giải cứu lớn và nhiều vụ nhỏ ở Phi Châu. Phi Châu là cả một vùng mênh mông và ngày càng đông đồng bào bị đưa sang đấy. Chúng tôi nghĩ phải mất nhiều năm mới thay đổi được cục diện tại đây. Cũng trong năm 2014 chúng tôi phá vỡ một đường dây buôn người Việt vào Hoa Kỳ qua ngả Mexico. (Xem các đường link ở cuối bài).
Do những thành quả trên, hàng năm CAMSA được mời chia sẻ kinh nghiệm với các phái đoàn chính quyền hay NGO đến từ các quốc gia như Nga, Ukraine, Trung Quốc, Nhật, Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ, Xíp… Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thường tổ chức cho phái đoàn từ các quốc gia đang mấp mé hay đã rơi vào danh sách bị chế tài trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức Hoa Kỳ. Tuần này chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm với phái đoàn Nga, lần thứ 3 trong 7 năm. Tháng 4 vừa qua là phái đoàn Malaysia.
Điều trần lần 2, ngày 18/04/2013
Nhờ vậy mà CAMSA ngày càng có tư thế đối với chính quyền của các quốc gia sở tại. Điều này đã giúp CAMSA thực hiện được nhiều cuộc giải cứu gay go, kể cả khi có sự chống cản của chính quyền Việt Nam.
Ngăn ngừa tận gốc
Ảnh hưởng chính sách của các quốc gia sở tại là cần thiết và CAMSA đã đạt hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn không bài trừ được nạn buôn người vì chặn đầu này, chính quyền Việt Nam lại chuyển sang đầu khác — mở thị trường xuất khẩu lao động đến một quốc gia mới, giống trò cút bắt. Muốn bài trừ thì phải ngăn ngừa tận gốc — đây là bộ phận thứ ba trong kế hoạch của CAMSA.
Bắt đầu năm 2010, CAMSA xoáy vào Việt Nam. Với những hồ sơ đã giải cứu và ngày càng thêm hồ sơ mới, chúng tôi thuyết phục thành công Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào mấp mé danh sách chế tài. Dưới áp lực ấy, năm 2011 chính quyền Việt Nam ban hành luật chống buôn người và ký Nghị Định Thư LHQ về chống buôn người. Nghĩa là chính quyền Việt Nam thừa nhận có nạn buôn người đang hoành hành và cam kết bài trừ. Dĩ nhiên đối với chính quyền Việt Nam giữa cam kết và thi hành là cả một khoảng cách lớn.
Dù sao khi đã cam kết, chính quyền nếu không thực thi thì cũng khó ngăn cản khi người dân “làm hộ”. Năm 2012 chúng tôi bắt đầu quảng bá thông tin vào trong nước, hướng dẫn những cách đơn giản để người dân tự bảo vệ và không trở thành nạn nhân. Chúng tôi cũng phổ biến danh sách các công ty xuất khẩu lao động đã can dự vào các hồ sơ buôn người được chúng tôi giải cứu, để mọi người biết mà tránh. Đối với những ai có thân nhân đang là nạn nhân, chúng tôi hướng dẫn cách cầu cứu. Cuối năm 2013 chúng tôi khai trương trang Facebook CAMSA Việt Nam (https://www.facebook.com/pages/CAMSA-Vi%E1%BB%87t-Nam/559592890788741?fref=ts). Từ đấy đến nay, đã có những vụ giải cứu thực hiện qua Facebook, một phương tiện truyền thông thuận tiện cho nạn nhân có điện thoại di động. Năm 2014 chúng tôi bắt đầu huấn luyện một số nhân sự ở trong và ngoài Việt Nam để thường xuyên theo dõi facebook và bắt liên lạc với nạn nhân khi phát hiện lời cầu cứu.
Sinh viên phát tài liệu CAMSA tại một nhà thờ Công Giáo ở miền Bắc, 6/08/2012
Qua sách lược kể trên chúng tôi đã nhận được ngày càng nhiều các thông tin để giải cứu nạn nhân, từ thân nhân, từ bạn bè và có khi từ chính nạn nhân, như đã xảy ra với 15 cô gái Việt bị lừa sang Nga lao động để rồi bị bán vào ổ mãi dâm (xem http://www.houstonchronicle.com/news/houston-texas/houston/article/Houston-woman-worried-for-sister-in-Russia-4301768.php).
Thậm chí, trong trường hợp của các nạn nhân được giải cứu ở Ghana, Phi Châu vào đầu năm 2014, nguồn cung cấp thông tin lại là một công an viên Việt Nam. Thấy cấp trên không làm gì, người ấy đã lén chuyển thông tin cho CAMSA và chúng tôi đã giải cứu thành công. Điểm khôi hài là sau đó chính quyền Việt Nam lấy hồ sơ này để khoe thành tích chống buôn người.
Chúng tôi không có con số thống kê về số đồng bào đã biết cách tránh không để trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, chúng tôi đoán được là công tác thông tin vào trong nước là có hiệu quả dựa vào lượng thông tin mà CAMSA nhận được từ trong nước về các trường hợp buôn người cần được giải cứu.
Kết luận
Giải cứu hay tiếp tay giải cứu gần 11 nghìn nạn nhân trong 7 năm hoạt động là một thành tích ít tổ chức quốc tế, kể cả những tổ chức lớn hơn CAMSA gấp mấy chục lần, đạt được. Nhưng chúng tôi chỉ xem đó là hạ sách phải thực hiện để mở đường cho trung sách và thượng sách.
Trung sách là vận động các quốc gia nơi có nhiều đồng bào của chúng ta đang là nạn nhân để chính quyền sở tại dùng chính can thiệp. Họ có khả năng giải cứu số nạn nhân lớn hơn nhiều so với khả năng của CAMSA, như đã xảy ra ở Đài Loan và Nga.
Thượng sách là tạo điều kiện để chính đồng bào ở trong nước biết cách phòng ngừa để không trở thành nạn nhân và biết cách cầu cứu khi lâm nạn, đồng thời tạo “hành lang an toàn” để các nhóm xã hội dân sự và cộng đồng tôn giáo ở trong nước có thể tham gia trực tiếp vào công cuộc bài trừ nạn buôn người.
Đây chính là áp dụng các sách lược “chuyển thế” và “tạo lực” trong kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam. Khi cả xã hội nhập cuộc, và chỉ khi ấy, thì nạn buôn người mới có thể được bài trừ. Và CAMSA đã tiến những bước dài đến mục đích này.
Toán cua-rơ Xe Đạp Việt và than hữu trước Tượng Đài Tổng Thống Abraham Lincoln, HTĐ, ngày 14/06/2015
Tất cả những thành quả mà CAMSA gặt hái được trong 7 năm qua là do lòng yêu thương đồng bảo của rất nhiều vị mạnh thường quân, niềm tin cậy của nạn nhân và thân nhân của họ vào CAMSA, và sự tận tuỵ của rất nhiều anh chị em âm thầm giải cứu đồng bào ở những vùng trời xa lạ.
Chúng tôi tri ân quý vị mạnh thường quân và tiếp tục thiết tha kêu gọi sự yểm trợ hết sức quý báu của quý vị.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc và Chủ Tịch BPSOS
Đồng sáng lập viên Chương Trình CAMSA
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đềcho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA
Mọi đóng góp sẽ được miễn trừ thuế theo luật thuế Hoa Kỳ.
Bài liên quan:
Các hoạt động của CAMSA được truyền thong đăng tải trong năm 2014:
CAMSA Can Thiệp : Nạn Nhân Việt Được Giải Cứu Ở Ghana, Phi Châu
https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2014/03/08/camsa-can-thiep-nan-nhan-viet-duoc-giai-cuu-o-ghana-mach-song/
Công nhân Việt Nam ở Nigeria đình công đòi lương
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/vn-workers-in-nigeria-10162014124954?searchterm%3Autf8%3Austring=Thanh+Tr%C3%BAc
Nạn nhân ở Algérie đã về Việt Nam an toàn
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2978
Một phụ nữ gốc Việt buôn người vào Mỹ
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/vns-women-plead-guilty-human-traffic-tt-09252014155635?searchterm:utf8:ustring=mankato
Chống buôn người: Việt Nam chưa đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2894