Tại sao cần lên tiếng về các dự thảo luật?

Tạo thế liên kết trực tiếp giữa người dân và quốc tế

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 19 tháng 7, 2015

http://machsongmedia.com

Trong khoá họp sắp tới, Quốc Hội Việt Nam sẽ thảo luận hoặc biểu quyết một số dự thảo luật quan trọng: tín ngưỡng và tôn giáo, hình sự, tố tụng hình sự, tam giữ – tạm giam, biểu tình, trưng cầu dân ý… Đây là bước nhượng bộ trước các đòi hỏi của quốc tế về cải thiện khung luật nhằm bảo đảm nhân quyền. Các tổ chức xã hội dân sự, các luật sư và luật gia, và những nhà tranh đấu nhân quyền ở trong nước cần lên tiếng mạnh mẽ lúc này, trước khi “đinh đã đóng cột”.

Có người bi quan cho rằng làm thì làm chứ sẽ chẳng đến đâu vì chế độ không tôn trọng ý kiến của người dân mà chỉ muốn “ra vẻ” với quốc tế cho lợi ích riêng của chế độ. Cách nhìn như vậy là chưa trọn vẹn vì đã bỏ quên yếu tố quốc tế.

Không như trước đây, chính quyền Việt Nam đang cầu cạnh quốc tế. Nếu đặt được quốc tế lên cùng bàn cân với người dân, thì cán cân sẽ chuyển. Còn chuyển đến đâu là do khả năng, tài trí của chúng ta.

 

Theo cách nhìn ấy, ảnh hưởng nội dung của các dự thảo luật chỉ là một trong 3 mục tiêu của chúng ta, và là mục tiêu thấp nhất trong cả 3. Các mục tiêu đó là:

(1) Vận động quốc tế lên tiếng: Quốc tế không phải lúc nào cũng nhìn thấu thái độ “ra vẻ” của chính quyền Việt Nam. Và dù có nhìn ra, nhiều khi họ không tự động biết phải đòi hỏi những gì. Họ cần sự phân tích và hướng dẫn của những người ở trong nước có kinh nghiệm và có nghiên cứu. Lúc ấy họ mới có thể đặt vấn đề cụ thể và đánh giá mức độ thực tâm của chế độ khi cam kết, để rồi có những biện pháp thích ứng.

(2) Tạo thế đứng quốc tế cho các tổ chức xã hội dân sự: Qua sự hợp tác chặt chẽ và nhịp nhàng với quốc tế trên từng dự thảo luật, các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước sẽ tạo được mối liên kết ngày càng bền chặt với các định chế và tổ chức quốc tế. Sự hợp tác trực tiếp với quốc tế này rất cần thiết cho xã hội dân sự phát triển; hiện nay sự hợp tác ấy hãy còn rất mong manh.  Chúng ta đang có cơ hội để thay đổi: Tạo điều kiện để quốc tế hội ý trực tiếp với người dân, qua các tổ chức xã hội dân sự, nhằm bảo đảm chính quyền thực thi các điều đã cam kết.

(3) Ảnh hưởng các dự thảo luật: Chúng ta đặt phép thử về thực tâm của chế độ khi cam kết với quốc tế về nhân quyền. Nếu chế độ không qua được phép thử, thì đấy là nền tảng để tăng quốc tế vận và nối kết quốc tế bền chặt hơn với xã hội dân sự ở Việt Nam. Nghĩa là, càng không đạt mục tiêu (3) thì sẽ càng thuận lợi để đạt các mục tiêu (1) và (2). Cách nói bình dân là, “không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang”.

Để thực hiện các điều kể trên, người ở trong nước cần chia nhau để phân tích và đưa ra bản lập trường cho từng dự thảo luật. Chúng tôi sẵn sàng yểm trợ về dịch thuật và vận động hậu thuẫn quốc tế, như đã từng làm với Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo đầu năm nay. Chính các bản lập trường của các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc thuyết phục Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua tu chính án về tự do tôn giáo khi biểu quyết luật về quyền “đàm phán nhanh” (Trade Promotion Authority) vào cuối tháng 6 vừa qua; tu chính án này đòi hỏi Hành Pháp Hoa Kỳ đặt tự do tôn giáo làm một mục tiêu trong mọi đàm phán về mậu dịch, kể cả TPP. Đống thời nhiều chính quyền Phương Tây và cơ quan LHQ đang yêu cầu chính quyền Việt Nam sửa đổi nội dung của bản dự thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng tôi sẽ áp dụng đúng công thức này với các dự thảo luật kể trên và đã bắt đầu công việc vận động quốc tế để sẵn sàng yểm trợ cho sự lên tiếng của người dân ở trong nước.

Bài liên quan:

Báo Động: Các tổ chức XHDS Việt Nam cần cấp thời lên tiếng
http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1007-bao-ng-cac-t-chc-xhds-trong-nc-cn-len-ting

Nhận định về Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo của 3 tổ chức CSW, VETO! và BPSOS soạn chung:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/CSW-Vietnam-Concerns-about-draft-Law-on-Religion-and-Belief.pdf

Viết một bình luận