Khi chính quyền và xã hội dân sự giả phải lùi bước
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 15 tháng 7, 2015
http://machsongmedia.com
Tuần qua, khi người Việt trong và ngoài nước chú tâm vào chuyến đi Hoa Kỳ của Ông Nguyễn Phú Trọng, một bước đột phá đã diễn ra tại Liên Hiệp Quốc: lần đầu tiên chính quyền Việt Nam phải đối mặt với sự phản biện và tố giác của tổ chức xã hội dân sự độc lập tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Tại buổi kiểm điểm định kỳ về Công Ước LHQ về nữ quyền, phái đoàn Việt Nam đã phải trả lời một số câu hỏi do Uỷ Ban Kiểm Điểm của LHQ nêu lên dựa vào thông tin do Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (PNNQVN) cung cấp. Cô Nguyễn Khuê-Tú, từ Vancouver, Canada, là người đại diện cho Hội PNNQVN tại buổi kiểm điểm ngày 10 tháng 7 và những sự kiện chung quanh kéo dài từ ngày 6 đến 16 tháng 7 ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Tên chính thức của công ước này là Công Ước Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ, hay Convention to Eliminate All forms of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW. LHQ kiểm điểm, 4 năm một lần, việc thực hiện CEDAW đối với mỗi quốc gia ký kết.
Phái đoàn của chính quyền Việt Nam đinh ninh rằng, như những lần kiểm điểm trước đây, họ sẽ dễ dàng qua mặt quốc tế với sự toa rập của các tổ chức xã hội dân sự quốc doanh. Các tổ chức này được dàn dựng bởi nhà nước và gửi đến các diễn đàn quốc tế để tạo ngộ nhận rằng đấy là tiếng nói của người dân. chúng tôi thường gọi các tổ chức giả hiệu này là GONGO, viết tắt của government-organized NGO, tức là “tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức”.
Phái đoàn chính quyền Việt Nam tại buổi kiểm điểm, ngày 10 tháng 7, 2015
Lần này cả phái đoàn chính phủ và phái đoàn GONGO đã bị bất ngờ bởi bản báo cáo và sự hiện diện của Hội PNNQVN. Hội PNNQVN đã nêu lên thực trạng của phụ nữ và các chính sách đàn áp phụ nữ dưới chế độ cộng sản. Chắng hạn chính sách cưỡng chế đất canh tác đã gây tác hại trầm trọng đối với phụ nữ, biến họ thành những dân oan mất đất, mất ruộng; khi họ đứng lên đòi công lý thì bị đàn áp, bị hành hung và có khi bị tù đầy. Bản báo cáo cung cấp danh sách 19 phụ nữ hiện bị giam cầm vì tranh đấu cho nhân quyền và công lý.
Một số thành viên của Uỷ Ban Kiểm Điểm đã dùng thông tin từ bản báo cáo này để đặt câu hỏi với phái đoàn Việt Nam. Chẳng hạn, Bà Phó Chủ Tịch của Uỷ Ban Kiểm Điểm nêu vấn đề chị Trần Thị Nga, thành viên của Hội PNNQVN, đã nhiều lần bị công an hành hung và có lần bị đánh đến gãy chân. Phái đoàn Việt Nam trả lời bừa rằng họ không biết gì về trường hợp này mặc dù họ đã nhận bản báo cáo của Hội PNNQVN từ cả tháng trước.
Thái độ của phái đoàn Việt Nam không đáng ngạc nhiên và không quan trọng vì bất luận họ làm gì, cựa quậy cách nào thì vẫn không thay đổi được cục diện mới. Cục diện mới này bao gồm ba thay đổi lớn.
Thay đổi thứ nhất là phái đoàn Việt Nam không còn che mắt quốc tế được nữa, khi đứng trước tiếng nói trung thực và sự hiện diện của một tổ chức xã hội dân sự độc lập. Các giới chức LHQ, đại diện của nhiều chính quyền và hầu hết các tổ chức nữ quyền quốc tế đã hiểu ra rằng, tổ chức duy nhất thực tâm bảo vệ nữ quyền ở Việt Nam không được nhà nước cho phép hoạt động, và thành viên thì bị đàn áp nặng nề để không còn dám lên tiếng.
Cô Nguyễn Khuê-Tú tại buổi kiểm điểm Việt Nam, ngày 10 tháng 7, 2015
Thay đổi thứ hai, quan trọng không kém, là các GONGO lộ chân tướng khi họ im bặt trước sự đàn áp phụ nữ, và được tha hồ xuất cảnh trong khi các thành viên của Hội PNNQVN bị cấm ra khỏi nước. Các GONGO, với chức năng đánh bóng cho chế độ, bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Tiếp tục im tiếng là tự thú nhận thực chất GONGO của mình; lên tiếng thì sẽ bị trừng trị bởi chính thế lực đã dàn dựng ra chúng. Cách nào thì vai trò đánh bóng cho chế độ của các GONGO đang bị vô hiệu hoá.
Thay đổi thứ ba, quan trọng nhất, là từ nay Hội PNNQVN đã có chân đứng trong cộng đồng các cơ quan và tổ chức quốc tế bảo vệ nữ quyền, và có đường dây thông tin trực tiếp để gởi hồ sơ và báo cáo đến họ. Ngay trong ngày chính quyền Việt Nam ra trước cuộc kiểm điểm, Bà Lê Thị Châm bị xe ủi đất cán trọng thương vì cản trở chính sách cưỡng chế đất canh tác; Hội PNNQVN đã báo cáo trực tiếp vụ này với LHQ. Rồi ngày 12 tháng 7, Cô Huỳnh Thục Vy bị chặn và tịch thu passport tại phi trường; việc này cũng được hội báo cáo trực tiếp với LHQ. Và qua ngày 14 tháng 7, Bà Trần Thị Hài, một thành viên của Hội PNNQVN, bị công an gửi “giấy mời làm việc”; việc này cũng được báo cáo trực tiếp với LHQ. Tất cả các bản báo cáo này sẽ được chia sẻ với các chính quyền và tổ chức đang theo dõi tình trạng nữ quyền ở Việt Nam.
Cô Nguyễn Khuê-Tú đại diện Hội PNNQVN tại buổi họp hôm trước Cuộc Kiểm Điểm CEDAW
Các thay đổi này đang dịch chuyển cán cân thế lực để nghiêng dần về người dân.
Ở những “sân chơi” dân chủ ngoài Việt Nam, nhà nước không thể dùng bạo lực để trấn áp hay dùng các GONGO để bịt miệng các tổ chức XHDS được nữa. Ở những “sân chơi” ấy, thế của nhà nước càng giảm khi họ càng bao biện để che đậy những thực tế đã được phơi bày. Và mọi biện pháp trả thù ở trong nước sẽ lập tức bị phanh phui trước quốc tế. Nghĩa là cán cân về thế đang chuyển dần sang người dân.
Về lực, các tổ chức XHDS sẽ ngày càng tăng nội lực khi họ phát triển các khả năng thu thập thông tin, báo cáo vi phạm, tập hợp nhân sự, phối hợp đa phương, nối kết quốc tế, thông tin đại chúng… cho cả 2 bộ phận trong lẫn ngoài nước.
Yếu tố cho phép sự dịch chuyển này chính là sự kết nối sát cánh trong-ngoài: cứ mỗi tổ chức XHDS ở trong nước thì phải có một nhóm ở ngoài nước sát cánh yểm trợ về quốc tế vận, nghiên cứu, và đào tạo. Trong 5 năm qua, BPSOS cùng với một nhóm anh chị em tình nguyện đã âm thầm xây dựng sự nối kết ấy cho nhiều nhóm, chứ không riêng Hội PNNQVN. Đấy là một phần của kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam mà chúng tôi sẽ tuần tự giới thiệu để những người có lòng với quê hương cùng chung sức thực hiện.
Bài liên quan:
Để tăng thế và lực cho dân — mô hình nối kết trong-ngoài
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2992
Phóng sự đặc biệt về kiểm điểm Việt Nam về nữ quyền (CFDV Channel)