Ts. Nguyễn Đình Thắng
Đây là hai khái niệm rất khác nhau nhưng thường hay bị lẫn lộn. Sự lẫn lộn này đã tạo ra và đang duy trì tình trạng yếu kém trầm trọng của cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ.
Vai trò của quản trị là sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có để thi hành sứ mạng được uỷ nhiệm. Vai trò của lãnh đạo là mở ra chiều hướng mới để dẫn dắt một tập thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hay khủng hoảng, đến một nơi chốn tốt hơn hay một trình độ cao hơn.
Một tập thể trong tình trạng ổn cố cần người quản trị hơn là người lãnh đạo. Nhiệm vụ của người quản trị là giúp tập thể đang hoạt động tốt đẹp củng cố vị thế và phát triển.
Ngược lại, một tập thể đang đình trệ hay gặp cơn khủng hoảng cần người lãnh đạo để khai thông bế tắc và mở thông lộ đến tương lai tốt đẹp hơn.
Chúng ta có thể hình dung thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ. Lúc ấy người Mỹ may mắn có được những người lãnh đạo xuất chúng, tạo dựng ra một mẫu mực dân chủ chưa từng có trên thế gian. Viễn kiến phi thường của họ đã trong một thời gian ngắn biến một cựu thuộc địa xa xôi của Anh Quốc thành một cường quốc dẫn đầu thế giới. Nhưng ngày hôm nay, nhu cầu về lãnh đạo đã giảm hẳn đi so với thời kỳ lập quốc. Để duy trì vị thế cường quốc, Hoa Kỳ cần và đào tạo rất nhiều người quản trị ở mọi tầng cấp trong xã hội.
Trong thực tế thì bất kỳ tập thể nào, từ một công ty buôn bán cho đến một quốc gia, ở thời kỳ nào cũng phải có cả hai thành phần quản trị và lãnh đạo.
Nếu chỉ có lãnh đạo thì tập thể sẽ bấp bênh vì liên tục chuyển biến màkhông có sự củng cố. Tập thể ấy chắc chắn sẽ chết yểu. Ngược lại nếu chỉ có quản trị thì tập thể bị sơ cứng, không đáp ứng kịp với đà biến chuyển của thế giới chung quanh. Tập thể ấy khó mà trường tồn.
Một tập thể có sinh lực và triển vọng phải duy trì được tình trạngï cân bằng giữa người quản trị và người lãnh đạo, hay đội ngũ quản trị và đội ngũ lãnh đạo, phù hợp với mỗi tình huống. Trong cơn bĩ cực thì vai trò lãnh đạo cần được nâng lên. Khi tình hình ổn định thì vai trò quản trị phải được phát triển.
Cộng đồng của người Việt thiếu nhân sự cả về quản trị lẫn lãnh đạo.
Trong cộng đồng chúng ta rất hiếm các tổ chức có quy củ và lại càng ít tổ chức có quy mô. Điều này cho thấy đã có rất ít người có khả năng quản trị để củng cố và phát triển các tổ chức trong cộng đồng. Ngược lại, có một số người có khả năng quản trị, do học kinh nghiệm từ nơi khác, thì trong cộng đồng lại không có đất dụng võ cho họ.
Về mặt lãnh đạo, cộng đồng chúng ta đang rất cần, để thoát ra khỏi cảnh yếu kém trầm kha hiện nay, nhưng lại rất thiếu nhân sự có khả năng lãnh đạo. Có lẽ vì nhận thức được điều này mà trong những năm gần đây một số tổ chức đã thực hiện các buổi hội thảo và huấn luyện về “tuổi trẻ lãnh đạo.” Điều đáng tiếc là những buổi này lại chỉ tập trung huấn luyện một số kỹ năng quản trị sơ đẳng, thay vì khả năng lãnh đạo.
Tình trạng này do nhiều yếu tố tác động vào.
Thứ nhất, chính ban tổ chức bị lẫn lộn giữa hai khái niệm quản trị và lãnh đạo và do đó quan niệm sai lầm rằng khả năng lãnh đạo có thể hấp thụ được qua vài buổi trao đổi ngắn ngủi.
Thứ hai, các sách vở và tài liệu mà họ dùng hay thuyết trình viên mà họ mời laị chỉ chuyên về đào tạo kỹ năng quản trị hơn là lãnh đạo. Điều này dễ hiểu vì xã hội Hoa Kỳ đã có nề nếp và ổn cố nên sách vở, tài liệu, nhân sự thường nặng về quản trị thay vì lãnh đạo.
Thứ ba, nhiều người quan niệm sai lầm rằng lãnh đạo có vẻ “cao cấp” hơn quản trị nên lạm dụng hai chữ lãnh đạo để tăng phần hấp dẫn. Thực ra, quản trị và lãnh đạo đều cần và là đối trọng của nhau.
Do những quan niệm khiếm khuyết như vậy mà cộng đồng chúng ta khó thoát ra khỏi vòng suy nhược và yếu kém. Một đằng, những người có ý nguyện đóng vai trò lãnh đạo thì lại chỉ nắm trong tay một ít kỹ năng quản trị sơ đẳng. Đằng kia, những người có năng khiếu về quản trị thì lại không được khuyến khích và cũng không có cơ hội phát triển khả năng. Cuối cùng chúng ta không có cả chì lẫn chài.
Để đáp ứng phần nào sự khiếm khuyết này, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đang tạo môi trường phát triển cả kỹ năng quản trị lẫn khả năng lãnh đạo cho cộng đồng Việt. Từ sáu tháng qua, UBCNVB đã thực hiện chương trình đào tạo dài hạn qua các buổi huấn luyện định kỳ, mỗi tháng một lần, cho một số cá nhân và tổ chức ở vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận. Các chuyên gia Việt và Hoa Kỳ về quản trị và lãnh đạo thay phiên nhau hướng dẫn các buổi huấn luyện này. Chương trình này vẫn đang tiếp diễn.
Trong thời gian tới đây, UBCNVB sẽ tái lập chương trình huấn luyện này đến nhiều địa điểm trên toàn quốc.