Ts. Nguyễn Đình Thắng
Từ nhỏ tôi ưa la cà khắp xóm, kết bạn với đám trẻ con nhà nghèo. Tôi nhớ mãi một người bạn con lai Tây, mẹ đi ở đợ để nuôi con học trường Tây. Năm nào người bạn này cũng phải xin học bổng vì gia cảnh quá nghèo. Đến năm cuối của cấp tiểu học anh bạn này phải bỏ ngang vì nhà trường ngưng không cấp học bổng.
Tôi có một anh bạn khác có tật ăn cắp. Anh lớn lên trong cảnh gia đình túng quẫn nên ăn cắp đã thành cá tính, không bỏ được. Anh chỉ ăn cắp những cái cỏn con, nho nhỏ và lấy làm sung sướng. Có lần hai đứa rủ nhau đi mua chanh để làm nước giải khát. Tôi sửng sốt khi thấy anh mua chỉ một trái rồi trong khi bà bán hàng đang loay hoay thối tiền, anh thuổng thêm một trái nữa thành hai. Thấy tôi trố mắt nhìn, anh cười bẽn lẽn. Điểm đặc biệt của anh bạn này là rất rộng lượng. Anh ăn cắp về rồi chia sẻ hết với bạn bè, chẳng giữ gì làm của riêng.
Ngược lại, trong trường tôi học cũng có mấy anh bạn con nhà giầu sụ. Có chàng ở nhà vila ngay tại Sàigòn mà có cả một vườn cỏ rộng lớn thả ngựa. Khi cả nước đang khói lửa chiến tranh thì chiều chiều chàng cưỡi ngựa rong chơi. Trong nhà có hồ bơi, có rạp chiếu xi-nê nhỏ cho riêng gia đình xem. Gia nhân, lính gác, tài xế, đầu bếp lên đến hàng chục người. Tôi ít giao du với mấy người bạn như vậy. Chẳng phải vì họ xấu mà vì tôi thấy nơi họ không có gì hấp dẫn để tìm hiểu. Hình như sự dư thừa vật chất làm cho tâm hồn con người ta nghèo nàn đi thì phải.
Những kinh nghiệm ấu thời này lưu lại ấn tượng sâu đậm nơi tôi. Lớn lên tôi chỉ thích giao du với những con người khốn khó vì họ có những kinh nghiệm sống phong phú để tìm hiểu.
Rồi năm 1988, tôi tình cờ bước chân vào cuộc tranh đấu cho thuyền nhân. Chân ướt chân ráo, lúc ấy tôi nào ngờ là công việc sẽ kéo dài đến đúng một chục năm. Và lại càng không ngờ là một chục năm ấy là một chục năm ân sủng hiếm hoi.
Tôi gọi là ân sủng vì thời gian ấy tôi được sống trong một thế giới kỳ diệu, kết lại từ hàng ngàn cuộc đời khác nhau.
Năm 1988 cả thế giới, dẫn đầu là Hoa Kỳ, quay lưng lại với thuyền nhân. Các quốc gia tạm dung vàcác quốc gia định cư quyết tâm dứt điểm làn sóng người Việt vượt biển. Họ đặt ra tiến trình thanh lọc, mà cuối cùng trở thành một trò vờ vĩnh dùng để loại trừ mọi người tị nạn và xua đuổi họ về Việt Nam.
Cùng với một vài người bạn trẻ khác, cả Mỹ cả Việt, tôi lập ra chương trình gởi luật sư đến các trại. Quốc tế dùng pháp lý thì mình đối chọi lại bằng pháp lý, trực diện và tháu cáy.
Trong nhiều chuyến hướng dẫn các phái đoàn luật sư đến trại tạm dung, tôi bắt tay lập hồ sơ. Vì đây là hồ sơ xin tị nạn, tôi phải hỏi han tỉ mỉ từng chi tiết trong cuộc đời của người đối diện. Sau đó phải viết lại cho có lớp lang. Nhiều lúc khám phá ra những điểm có vẻ bất nhất, tôi lại phải phỏng vấn đi phỏng vấn lại cho đến khi hiểu cặn kẽ và thoả đáng. Khi hoàn tất hồ sơ, tôi thuộc lòng cả cuộc đời của đương sự, với những ngã rẽ, những lau sậy, những sông ngòi, những đường mương cuộc đời. Bỗng dưng, con người ấy không phải chỉ là xác thịt mà trở thành một vũ trụ với những chiều sâu thăm thẳm, những ngõ ngách trùng điệp.
Tôi thấy tấm áo trên lưng người đối diện không phải chỉ là vải đã bạc mầu. Mà tấm áo ấy người vợ hiền đã dành dụm tiền mua, ủi và xếp ngay ngắn cho chồng đem theo ngày đi vượt biên. Những sợi chỉ sơ vì tháng năm đã từng dệt mộng ước của vợ con ở lại. Những mộng ước ấy đang phai dần với mầu áo.
Và trên khuôn mặt nhầu nát của người ngồi đối diện, tôi thấy được vết hằn của sự chờ đợi mỏi mòn và ứa lên nỗi tuyệt vọng với ngày tháng trôi qua. Qua giọng nói, tôi nghe được tiếng thoi thóp của niềm hy vọng đang ở phút lâm chung. Qua từng cử chỉ, tôi cảm nhận được sự giằng co nội tâm, bên ,.,.này bảo thôi thì phó thác cho số phận còn bên kia nói hãy giữ lấy niềm tin, hãy chiến đấu đến cùng cho vợ con còn ở lại.
Như người lần đầu tiên mở mắt, tôi sực thấy cả một thế giới kỳ bí, hồn hậu, đậm mầu.
Và có những giây phút, tôi cảm giác như mình hoà nhập hẳn vào cuộc sống của người đối diện. Vui với niềm vui của người ấy. Buồn với nỗi buồn của người ấy. Có lần, tôi choáng váng và rùng mình khi, chỉ trong một tích tắc, trào lên trong lòng cảm xúc tái tê từ những trang hồ sơ đang cầm trên tay. Làm như một luồng khí từ những trang giấy truyền qua tay đến khắp thân thể, rồi vỡ ồ ra thành trăm ngàn mảnh tình cảm ngổn ngang. Như bị điện giật, phải mấy phút sau mới thật sự hoàn hồn.
Có vài người thắc mắc, lý do nào làm tôi đeo đuổi công việc mười năm. Đơn giản lắm, tôi không thể bỏ cuộc vì đời sống của hàng ngàn con người mà tôi biết rất rõ đã trở thành đời sống của riêng tôi.
Vào những ngày tàn của vấn đề thuyền nhân, tôi có dịp nhìn lại mười năm đã qua. Tôi thấy trong mình mang dấu ấn của một ngàn cuộc sống khác nhau. Những cuộc sống mà lẽ ra là những thửa đất rào khép, cấm kỵ, vì tình cờ tôi may mắn được bước vào để hiểu, để cảm, để sống. Các thuyền nhân đã cho tôi một ân sủng hiếm ai trên thế gian này có được. Họ không biết đó, tôi là người cám ơn họ.
Thuở nhỏ khi còn la cà từ đầu phố đến cuối xóm, có khi nào tôi ngờ được là lớn lên tôi có cơ hội la cà trên cả một vùng thế giới. Có khi nào cậu bé ưa tìm hiểu những người bạn nhỏ nhà nghèo lớn lên lại được may mắn hoà nhập vào với hàng ngàn thế giới của những con người khốn cùng, để cùng với họ nuôi dưỡng hy vọng, niềm tin, và ngọn lửa tranh đấu.
Cách đây mấy năm, một cô bạn nhỏ hỏi tôi lần đầu gặp gỡ: “Vì sao anh làm điều anh đang làm? Và anh chỉ có 30 giây để trả lời thôi đấy.”
“Mỗi người sinh ra chỉ có một cuộc sống. Nhưng nếu muốn, chúng ta ai cũng có thể chọn sống một ngàn cuộc đời. Tôi làm chuyện này vì nó cho tôi sống rất nhiều cuộc sống cùng một lúc, mỗi ngày.”
Tôi không hiểu cô bạn nhỏ ấy có hiểu gì không hay nghĩ rằng tôi đang mê sảng.