Hưng Yên
Tôi thường nói với thằng cháu nội: Ngày ông bằng tuổi cháu, cái gì ông cũng biết!
Thật thế, ngày còn nhỏ cái gì tôi cũng biết thật đấy! Mới 11,12 tuổi thôi mà tôi đã có thể đứng trên một chiếc thuyền nam nhỏ xíu, dùng một cây sào tre đẩy thuyền lao vun vút trên mặt hồ mà không hề sợ thuyền bị lật hay tôi bị té xuống nước, vì dù có té xuống nước cũng chẳng sao, bởi mới bằng tuổi ấy thôi mà tôi đã có thể bơi lội dưới nước giỏi gần bằng một con rái cá. Ngoài ra nào là tôi còn biết làm những cái bẫy chuột bằng tre, gài trên lối mòn chuột hay đi để bắt nhưng con chuột đồng to tổ bố đặng đem về… làm thịt. Nào là chỉ với một cái súng cao su (dàng thung) và một mớ đạn bằng đất xét nung bỏ trong túi quần, tôi len lỏi hết bờ ruộng nọ sang bờ ao kia: cu gáy, chào mào, chích chỏe… tôi “phơ” được là thường. Có lần tôi còn phơ được cả một con chim hoàng anh đang đậu tít trên ngọn cây đa ngoài đầu chợ, khiến tôi nổi danh là tay “thiện xạ” nhất trong đám nhóc ở trong làng. Nói chung là tôi biết nhiều thứ, còn ma với quỷ thì tôi “mo phú”, chả sợ gì cả!
Tôi thì thế, chứ thằng cháu nội tôi bây giờ, mặc dù đã học hết lớp 7, niên học tới lên lớp 8, nó lại cao lớn hơn tôi độ bằng tuổi nó ngày xưa nhiều, thế mà chỉ biết học thôi chứ chả biết làm gì cả. Thậm chí đến đi Exercise mỗi buổi sáng, ba mẹ nó vẫn chưa dám để nó đi một mình. Mà chẳng phải chỉ riêng ba mẹ nó đâu, ngay cả tôi – ông nội – cũng chưa muốn để nó đi một mình, sợ có gì bất trắc xẩy ra cho nó chăng?!
So sánh với thằng cháu nội tôi bây giờ, có lẽ tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn nó nhiều. Mà trong số những kỷ niệm ấy, đáng nhớ nhất lại chẳng phải lần phơ được con chim hoàng anh khiến nổi danh là tay thiện xạ mà lại là cái lần tôi bị ông nội quất cho một trận quắn đít vì tội “nghịch tinh”. Câu chuyện như thế nào, từ từ rồi tôi sẽ kể hầu quý vị.
Ở nhà quê thì có nhiều mục để chơi lắm. Con gái họ chơi gì kệ họ, ở đây tôi chỉ nói đến những “món” chơi của con trai thôi: Đánh đinh đánh đáo, đánh khăng, đánh vụ (con quay), câu cá, bắn chim, thả diều… Trong số này, theo tôi chỉ có chơi thả diều là khó nhất vì diều mà không biết làm, không biết buộc “lèo” thì dù có gió to thế mấy, dứt khoát diều cũng không bay lên được. Đọc thơ của bà Hồ Xuân Hương, thấy 2 câu:
Thuyền tình cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo!
Từ trước đến nay tôi cứ tưởng chỉ có chơi diều mới phải buộc lèo, hóa ra thuyền buồm về Tây Trúc vì trái gió cho nên cũng phải… lộn lèo, thế ra “buồm” cũng có “lèo”?!
Không phải chỉ không biết buộc lèo diều mới không bay lên được mà làm diều cũng rất khó. Cánh diều phải vừa nhẹ, vừa cân đối và bọc gió. Để ám chỉ những anh học trò vừa dốt vừa lười, học trước quên sau, hoặc có đi học, nhưng lâu quá không dùng đến chữ nghĩa nên quên béng hết cả, người ta có câu nói: “Chữ thày trả thày, bút trả hàng xén, giấy nay phất diều”! Câu nói này chỉ hợp với những quý vị học trò ngày xưa viết chữ Nho trên giấy bản, chứ học trò ngày nay viết chữ Quốc Ngữ trên giấy Tây (Ngày đó người nhà quê chúng tôi gọi thứ giấy trắng ta dùng để viết lách bây giờ là giấy Tây), giấy Tây vừa dày vừa cứng không phất diều được. Có hai loại diều mà đám nhóc tụi tôi ngày đó hay chơi nhất là diều bầu va diều cánh cốc. Gọi là diều bầu vì nó có hình dạng gần giống như một hình bầu dục, còn diều cánh cốc thì hình dạng gần giống đôi cánh con chim cốc, một loại chim chuyên bắt cá. Để cho dễ hình dung hơn, quý vị cứ tưởng tượng hình lá bài “chuồn” của bộ bài Tây như thế nào thì diều “cánh cốc” cũng gần giống như thế.
Như tôi đã thưa, “giấy Tây” vừa dày vừa cứng không phất diều được, chỉ có giấy bản là lý tưởng nhất. Nhưng đám nhóc tụi tôi, có vặn răng ra bán chưa chắc đã đủ tiền mua giấy bản về phất diều. Tuy vậy nếu để ý và chịu khó một chút vẫn có thể có giấy bản để phất diều như thường, mà loại giấy bản này lại mầu mè rất đẹp, phất diều hết xẩy. Muốn vậy chỉ có cách canh chừng mấy đám ma có rải vàng mã, nhặt giấy tiền, vàng mã đem về rồi muốn phất gì đó thì phất. Tuy vậy cũng phải đợi cho mọi người đi đưa đám về hết đã, sau đó mình mới lén đến nhặt giấy tiền, vàng mã về chơi được. Chứ tiền người ta vừa rải mà mình đã nhặt thì không ai để yên cho đâu, có khi người ta còn “đục” cho là đàng khác, vì cho là mình ăn cướp vàng bạc, tiền của của người cõi âm: Giấy tiền, vàng mã là của cải gửi xuống suối vàng cho người cõi âm!
Nói về việc gửi giấy tiền, vàng mã cho người cõi âm thì tục lệ này dứt khoát không phải của người Việt Nam. Ngoài ra Phật Giáo cũng phủ nhận, bảo không phải là niềm tin của Phật Giáo. Truy lùng trên “net”, thấy nói tục lệ này du nhập vào nước ta đã từ rất lâu, mãi từ đời nhà Hán bên Tầu, qua đường dây mấy chú thím Chệt mò sang nước ta kiếm ăn, đó là tổ tiên của các “đồng chí Trung Quốc” tham lam, ngoan cố mà đã có một thời được Việt cộng họ gọi là “bọn bành trướng Bắc Kinh”!
Trở lại với kỳ niệm khiến tôi nhớ hơn hết thì nó như thế này: Nói thật, học có lẽ tôi không địch lại đám nhóc cùng tuổi, chứ chơi, nghịch thì bọn nó chưa chắc có đứa nào qua mặt nổi tôi. Chơi diều cũng vậy, diều của tôi thường đẹp và lên cao hơn diều của tụi nó nhiều. Như tôi đã nói, cánh diều phải nhẹ, cân đối và bọc gió. Mà muốn cho diều nhẹ thì chỉ có phất bằng giấy bản, thế mà tiền của cõi âm lại làm toàn bằng giấy bản, thế thì hỏi không hấp dẫn đám nhóc tụi tôi làm sao được? Ngoài ra tôi còn để ý thấy, người ta không chỉ rải giấy tiền, vàng mã trong những đám ma, mà ngày Rằm, mồng Một cũng thấy nhiều người đốt vàng mã. Thế thì việc gì phải đợi cho có đám ma mới có giấy bản để phất diều chứ. Cứ đợi cho người ta cúng xong, mình làm sao lấy được xấp “tiền” thì có mà phất diều mệt nghỉ.
Cách nhà tôi khoảng hơn một cây số có một khoảnh đất trống ước chừng vài chục mét vuông. Chung quanh khoảnh đất này không có nhà cửa chi cả, chỉ toàn ao với ruộng. Trên khoảnh đất có một cây đa cũng không lớn gì cho lắm, dưới gốc đa là một cái miếu nhỏ xíu, hai người chui vào được chứ ba người thì chật. Trong miếu chỉ có một cái bệ chứ không có tượng ảnh gì cả nên chả biết miếu thờ Thánh, Thần, Tiên, Phật hay ma quỷ gì. Vì mảnh đất cũng như cây đa, cái miếu nằm trên địa bàn của làng bên chứ không phải của làng tôi nên tôi cũng chẳng quan tâm tìm hiểu xem miếu thờ gì. Có chăng là chỉ khi nào thấy có cúng quải gì thì tôi mới đặc biệt quan tâm đến, bởi vì có cúng tất nhiên có đốt vàng mã, tức là có giấy bản mầu mè rất đẹp cho tôi phất diều. Nói là miếu cách nhà tôi khoảng hơn một cây số là nếu đi vòng vèo theo bờ ruộng, bờ ao, chứ nếu đi theo đường chim bay thì lại rất gần, chừng nửa cây số là cùng, nên đứng phía sau nhà tôi nhìn ra miếu cứ rõ mồn một. Rõ đến nỗi có thể biết được đám cúng nào đốt nhiều vàng mã hơn đám cúng nào. Có đám sau khi cúng, người ta đốt hết vàng mã rồi mới bỏ đi về. Có đám cúng xong là người ta bỏ đi về ngay, chỉ xách theo gà, sôi hoặc trái cây về thôi chứ vàng mã vẫn để nguyên đấy không đốt. Chả biết là quên hay là gì, thế là bọn tôi len lén đến lấy giấy tiền về mà phất diều.
“Quen mui thấy mùi đánh mãi”, tôi đã làm mấy chuyến hớt tay trên người cõi âm như thế ngon ơ, cho tới một hôm tôi vừa chui vào miếu nhét mớ giấy tiền vô bụng đi ra thì bị bắt quả tang. Hóa ra, mấy lần trước họ đã trở lại kiểm soát, thấy vàng mã thì còn nhưng giấy tiền biến mất nên lần này họ rình bắt mà tôi không biết.
Tôi bị bắt quả tang hớt tay trên người cõi âm, tưởng thế nào cũng ăn mấy bạt tai, thế nhưng mà không. Vì họ biết tôi là cháu nội cụ Tiên Chỉ làng bên nên họ không đánh, chỉ xách tai lôi về “méc” ông nội tôi thôi. Thế là tôi bị ông nội quất cho mấy roi dâu quắn đít. Tôi nghĩ chẳng thà họ cho mấy bạt tai rồi thả ra còn thích hơn là mách ông nội. Đã bị ông nội cho ăn roi dâu rồi, nếu ông nội lại nói lại với thầy tôi, có khi tôi còn bị thầy tôi cho ăn thêm ít roi dâu nữa!
Ngày còn nhỏ ở nhà quê, chỉ quanh quẩn ở trong làng, nhiều lắm là biết sang mấy làng bên cạnh thì tôi chỉ thấy những đám ma hay cúng quải ở đền, miếu người ta rải hoặc đốt giấy tiền, vàng mã làm bằng giấy bản nhuộm mầu vàng, đỏ, trang kim, bấy nhiêu thôi chứ không có gì khác. Lớn lên có cơ hội đi nhiều, thấy những địa phương hay những gia đình giầu có hơn người ta còn gửi cho người cỏi âm ngoài giấy tiền, vàng mã thì còn nào là: quần áo, ngựa, voi, xe đạp, xe hơi (ô tô), thuyền bè, có đám còn có cả máy bay nữa, xịn chưa? Ngộ nhất là có một đám, ngoài tiền, vàng và vật dụng như đã kể trên còn kèm theo cả một cô gái lớn bằng đứa trẻ lên một. Cũng mặt hoa da phấn, đầu vấn khăn, áo dài thắt vạt, mớ ba mớ bẩy xanh xanh đỏ đỏ. Trông cứ y như cô Ái Vân sắp ra sân khấu hát quan họ vậy, đẹp đáo để. Một bà già kể lể với những người đứng xem chung quanh: “Tội nghiệp thằng nhỏ, mười chín, hai mươi tuổi rồi chưa kịp lấy vợ đã mất. Gia đình gửi ‘cô’ này xuống cho nó có bầu có bạn, bớt cô đơn”!
Sướng thế đấy, nhưng tất cả chỉ là… “hàng mã”, đồ giả, chả biết người cõi âm có “xài” được hay không?
Theo dòng thời gian, ngày nay người ta văn minh không còn làm tiền âm phủ bằng giấy bản nhuộm mầu xanh xanh, đỏ đỏ như ngày xưa nữa, mà đã in bằng giấy cứng, tốt, hình dạng giống y như đồng tiền thật. Ngày mới ăn cướp được Miền Nam, Việt cộng họ bắt dẹp hết, không bói toán, cúng quải gì cả. Nhưng sau này rút kinh nghiệm, thấy làm như vậy không có ăn, họ bèn “mở cửa, cởi trói”, ai muốn làm gì thì làm, miễn sao “cán bộ ta” chặt túi là được, vậy nên mới có cảnh “bát nháo” như ngày hôm nay. Sài Gòn, Hà Nội bây giờ có những cửa hàng chuyên kinh doanh tiền âm phủ, thậm chí có cả ngân hàng tiền âm phủ – Bank underworld – chuyên in tiền cho cõi âm, gồm đủ cả tiền Việt Nam, Đô La Mỹ và đồng Euro của Âu Châu…
Quý vị thấy tờ tiền giấy có mệnh giá MỘT TRĂM TỶ ĐỒNG này chứ? Đây không phải là tiền âm phủ mà là tiền thật đấy. Ông Bill Gates – Tỷ phú Mỹ – người giầu nhất thế giới, tài sản gồm cả của chìm, của nổi, cộng tất tần tật mới có hơn 50 tỷ. Trong khi Việt Nam XHCN ta chỉ một tờ tiền giấy đã có mệnh giá tới một trăm tỷ, thế có phải là ta ăn đứt Mỹ rồi không? Mới đây đọc báo, thấy nói ở Việt Nam có người rải vàng mã trong đám tang có cả tiền thật. Chúng tôi xin trích một một đoạn trong 1 bài báo để chứng minh là mình nói thật, không phải phịa.
Trích:
TT – Sáng 2-6, nhiều người đi đường, đưa đám tang đã rất bất ngờ khi người thân của người chết đã rải những tờ tiền thật (có mệnh giá từ 500 đồng – 2.000 đồng) lẫn với tiền vàng mã. Sự việc diễn ra dọc đường Hùng Vương, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu). Nhiều trẻ nhỏ đã tranh giành nhau lượm số tiền này.
Nguồn: http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=494949&ChannelID=118
Ngưng trích
Ngày còn nhỏ, chúng tôi đi lượm những tờ giấy tiền rải trong đám ma vì nó được làm bằng giấy bản, còn dùng được để phất diều, chứ ngày nay trẻ nhỏ nhặt những đồng tiền thật có mệnh giá từ 500 đồng đến 2000 đồng rải trong đám tang về làm gì nhỉ? Vì nghe nói tiền thật XHCN Việt Nam ngày nay mất giá lắm, tờ 2000 đồng cho ăn mày họ cũng không lấy vì nó chẳng mua được gì cả. Phải từ 5000 đồng trở lên may ra mới mua được một bó rau muống.
Như thế rõ ràng là việc rải tiền thật chung với tiền âm phủ cho người cõi âm đúng vừa là một sự bôi bác, vừa là một thông điệp nói với các vị chóp bu của đảng ta: “Các vị chỉ giỏi ăn cướp chứ làm được cái chó gì? Giỏi sao không sang Mỹ, sang Anh, sang Pháp, sang Thái Lan hay Singapore mà phét lác, mà lại đi “nổ” với anh Cu Ba, một nước cộng sản vừa nhỏ vừa nghèo nàn lạc hậu? Giầu có phè phỡn chỉ là bọn tư bản đỏ, chứ đa số nhân dân Việt Nam vẫn nghèo rớt. Đĩ điếm, cướp giựt, trộm cắp tràn lan!