Thiên Thơ
Phụ trách chương trình CADV
Hôn nhân và hạnh phúc gia đình thường bắt đầu bằng tình cảm; sự yêu thích, lo lắng cho nhau; sự hy sinh, che chở, đùm bọc lẫn nhau. Vì sao trong gia đình lại xảy ra cảnh gây gỗ, đập phá, hung bạo với nhau? Để ngăn ngừa vấn đề bạo hành trong gia đình, chúng ta thử tìm hiểu sâu hơn vì sao con người có thể hành động thô bạo đối với người thân của mình.
Bạo hành gia đình có thể được định nghĩa là một hành động bạo ngược trong bất cứ mối tương quan nào của một người để đạt được hay bảo vệ được quyền hành hay sự kiểm soát của mình đối với một người thân. Bạo hành có thể là những hành động liên quan đến thân thể, tình dục, tình cảm, kinh tế, tâm lý hay những hành động hăm dọa ảnh hưởng đến một người khác. Như vậy bạo hành bao gồm bất cứ thái độ nào nhằm hăm dọa, lôi kéo, làm nhục, cô lập, làm sợ hãi, khủng bố, đe dọa, đổ lỗi, xúc phạm, làm thương tổn, hay gây thương tích cho ai.
– Bạo hành thân thể: đánh, đập, xô đẩy, túm lấy, cưỡng đoạt, cắn, nắm đầu, v.v. Bạo hành trên thân thể cũng bao gồm: từ chối không chăm lo sức khỏe, hay ép buộc uống rượu hoặc dùng ma túy.
– Bạo hành tình dục: ép buộc hay thử ép buộc nạn nhân trong mọi tiếp xúc về thể xác mặc dù nạn nhân đã tỏ ý không bằng lòng. Bạo hành về tình dục bao gồm, nhưng không giới hạn, sự cưỡng dâm giữa vợ chồng, xúc phạm vào bộ phận sinh dục trên cơ thể, hãm hiếp sau khi bạo hành đã xảy ra, hay có thái độ thấp hèn trong vấn đề tình dục như muốn người phối ngẫu hành dâm với người khác cho họ xem, hay có thói quen đánh đập, cắn, cấu… trong khi tình tự.
– Bạo hành tình cảm: hủy hoại giá trị và lòng tự trọng của con người. Điều này bao gồm, nhưng không giới hạn, chỉ trích liên tục, hạ thấp tài năng người khác, lăng mạ, hay làm tổn hại đến mối liên hệ giữa người phối ngẫu và con cái.
– Bạo hành kinh tế: làm hay thử làm cho người khác phải phụ thuộc mình về tài chánh bằng cách duy trì sự kiểm soát các nguồn tài chánh, từ chối không cho người khác quyền sử dụng tiền, hay cấm đoán người khác đi học hoặc đi làm.
– Bạo hành tâm lý: gây sợ hãi bằng cách hăm dọa; hăm dọa tự hủy hoại bản thân mình, người hôn phối của mình, con cái, gia đình hay bạn bè của người hôn phối; hủy hoại thú vật nuôi trong nhà và tài sản; và cô lập không cho liên lạc với gia đình, bạn bè, trường học hay sở làm.
Bạo hành trong gia đình có thể xảy đến cho bất cứ người nào không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, khuynh hướng tình dục, tôn giáo, hay giới tính. Bạo hành trong gia đình ảnh hưởng đến con người trong mọi hoàn cảnh xã hội kinh tế và trình độ học vấn. Bạo hành trong gia đình xảy ra trong những mối quan hệ khác phái và đồng phái (opposite-sex and same-sex relationships) và có thể xảy ra cho những người còn đang cặp kê hay đã thành hôn và đang sống chung với nhau.
Bạo hành trong gia đình không những ảnh hưởng đến những người bị đối xử thô bạo mà còn có tác dụng lớn lao đến những người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các nhân chứng khác, và cộng đồng nói chung. Trẻ con lớn lên chứng kiến những cảnh bạo hành cũng sẽ là những người bị ảnh hưởng trầm trọng vì tội lỗi này. Hành động bạo hành nếu diễn ra thường xuyên trong gia đình không những dẫn trẻ em vào những vấn đề và khuyến khích chúng dùng bạo lực, mà còn vô hình chung dạy các em bạo hành như là một cách sống bình thường, được xã hội chấp nhận vậy. Bạo hành gia đình làm tăng nguy cơ là trẻ em có thể trở thành nạn nhân và kẻ bạo hành trong thế hệ kế tiếp.
Nếu nhận xét sâu xa, tỉ mỉ hơn, chúng ta có thể nhìn thấy những tâm lý, tính tình hay thói quen bất thường của kẻ bạo hành như sau:
1. Người có tính tình nóng nảy dễ nói năng và hành động thô bạo, nguy hiểm cho người thân trong gia đình mình. Thực ra, bạo hành trong gia đình xảy ra không phải chỉ vì tính tình nóng nảy mà là vì kẻ bạo hành muốn dùng quyền uy và sức lực của mình để kiểm soát và sai khiến vợ (hay chồng) con mình. Nhiều người vẫn thường nói năng, hành động bạo ngược với người thân ngay cả những lúc họ không nóng giận.
2. Người bạo hành luôn luôn có khuynh hướng đối xử thô bạo đối với người thân của mình. Thực tế, người có thói quen thô bạo với vợ hay chồng mình lắm khi cũng tỏ ra hối hận, ăn năn, hay tỏ ra yêu thương nhiều hơn trước để chuộc lại lỗi lầm của mình. Chu kỳ đánh đấm căng thẳng tiếp theo là “tuần trăng mật” được tái diễn nhiều lần trong cuộc sống vợ chồng có thể khiến cho người bị bạo hành khó có thể sớm chấm dứt mối quan hệ đau khổ và nguy hiểm này.
3. Những người bạo hành trong gia đình có thể cư xử rất tốt đối với bạn bè hay cộng đồng của mình. Có khi không ai có thể ngờ là một người rất thành công trong xã hội, giao tiếp thật tốt đẹp đối với bạn bè, đồng nghiệp lại có thể hà hiếp, đàn áp nhẫn tâm, bất công đối với người thân thuộc trong gia đình của mình.
4. Rượu chè, ma túy khiến con người trở thành hung hăng thô bạo chăng? Mặc dầu có rất nhiêu người say sưa khi họ hành động hung bạo, nhưng rượu và ma túy tự nó không dẫn dắt người ta đến hành động hại người. Và các nghiên cứu cho thấy những kẻ bạo hành khi tỉnh rượu và hết nghiện ma túy, họ vẫn có khuynh hướng bạo hành sau khi không còn say nữa.
5. Kẻ bạo hành đối xử thô bạo vì người hôn phối của mình không ngưng nói nặng, to tiếng, hay chỉ bảo họ phải lảm điều này, việc nọ…Kẻ bạo hành hung bạo vì họ cảm thấy cần lấn át mọi người trong gia đình. Người bị bạo hành có thể đang gặng hỏi hay thờ ơ không trả lời câu hỏi nhưng có thể vẫn bị hành hung. Thông thường, kẻ bạo hành hay có khuynh hướng trách mắng người thân của mình đã đối xử tồi tệ với mình.
6. Người bị hành hung có thể ngăn chặn sự bạo hành không? Thông thường, người duy nhất có thể chấm dứt sự bạo hành là người đang hành hạ người khác. Người bị hành hung có thể tìm cách bảo vệ mình hay nâng cao mức độ an toàn cho mình nhưng không thể ngăn chặn kẻ bạo hành ngưng những hành vi bạo ngược của họ được.
7. Con người đôi khi học cách ngược đãi lẫn nhau. Bạo hành xảy ra trong gia đình sẽ ảnh hưởng không tốt đến người bị bạo hành, đến trẻ con và cả đến những người chung quanh. Người bị bạo hành lâu dần có thể trở nên thù hận, hung dữ và tìm cách chống trả lại kẻ bạo hành. Trẻ con có thể trở nên bạo ngược, bất mãn, bất thường khi lớn lên trong những gia đình không tốt.
Muốn sống chung hạnh phúc, chúng ta phải biết cách sống cho mình và cho ngưòi, không nên độc tài, ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình. Nam nữ sống chung trong một mái nhà nhưng bản năng, quan niệm, thói quen, sở thích và cách sống thường rất khác biệt nhau. Vì vậy vợ chồng cần nên tôn trọng và thông cảm cho nhau về những sự khác biệt này để tránh bất hòa, mất vui trong gia đình. Khi đã có thể thông cảm nhau về những khác biệt nhỏ nhặt, vợ chồng mới có thể đi đến những thông cảm khác khó khăn và quan trọng hơn. Vợ chồng nên lắng nghe lẫn nhau, nhẫn nhục, kiên trì để bảo vệ hạnh phúc gia đình và các con. Chúng ta nên tập sống hòa thuận, tập đồng ý với những điều khác với thói quen và sở thích riêng của chúng ta để mọi người trong gia đình đều được thông cảm, thương yêu và cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta phải biết sửa đổi những tánh xấu của mình để người khác không cảm thấy bực bội khi phải sống chung với người có quá nhiều tánh xấu… Hạnh phúc gia đình cần được mỗi người trong gia đình quan tâm chăm sóc, bảo vệ hàng ngày, hàng giờ, thì mái ấm gia đình mới tồn tại lâu bền được. Nếu không, một ngày nào đó gia đình chúng ta có thể là một địa ngục trần gian, chồng một nơi, vợ một ngả, con cái chia ly, khổ nhục… Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với nhau nhưng không phỉ báng nhau mà phải luôn tôn trọng lẫn nhau. Như thế mới có thể sống chung vui lâu bền được. Hạnh phúc gia đình không phải tự nhiên mà có được, mà phải do mỗi người trong gia đình góp phần xây dựng nên, bằng tâm huyết, hy sinh, nhẫn nhục, chịu khó trong suốt cuộc đời. Hạnh phúc gia đình trong tay bạn. Nếu bạn hơ hỏng, hạnh phúc gia đình bạn sẽ tan biến đi lúc nào không biết được, và bạn sẽ trở thành cô đơn lạc lối, đau khổ, và tràn đầy hối hận.
Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình của UBCNVB được sự tài trợ của Door of Hope, Fairfax County Consolidated Funding Pool (FY08) và U.S. Department of Justice, Office on Violence Against Women, Legal Assistance for Victims Grant Program (2006-WL-AX-0036).
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]