Rối Loạn Tâm Thần Ở Người Tỵ Nạn

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Tỵ nạn là những người bắt buộc phải rời bỏ tổ quốc, gia đình vì lý do chiến tranh hoặc đàn áp chính trị. Họ ra đi để khỏi bị đe dọa ngược đãi, đối xử tàn bạo, tù đầy, kỳ thị, bao vây kinh tế. Gia đình họ ở trong tình trạng phân chia, ly tán cũng như chịu đựng nhiều rủi ro.

Sau đó khi rời khỏi quê hương, họ thường thường phải sống một thời gian lâu trong các trại tỵ nạn trước khi được đưa đi định cư. Ở những nơi đây, họ gặp nhiều khó khăn thích nghi với nếp sống mới cũng như xây dựng lại nghề nghiệp, gia đình.

Từ năm 1975, người tỵ nạn Việt Nam đã du nhập vào Hoa Kỳ với một số lượng đáng kể. Hiện nay họ có khoảng trên một triệu người ở quốc gia này.

Vào một xã hội mới, họ có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Sức khoẻ tâm thần là một trong nhiều vấn đề, nhất là ở nhóm Cựu Tù Nhân Cải Tạo tới sau. Vào thập niên 1980, vẫn còn nhiều quân cán chánh của chính quyền Sài Gòn bị tập trung cải tạo. Năm 1987, chính quyền Hoa Kỳ cử tướng John Vessey tới Hà Nội để thảo luận việc thả các tù nhân này. Rồi sau nhiều cuộc thương thuyết, một chương trình trong đó các cựu tù nhân cải tạo và gia đình được nhận vào định cư tại Mỹ.

Điều kiện là chỉ những người bị tù cải tạo trên ba năm mới được ra đi theo đạo luật này. Đa số những cựu tù nhân và vợ của họ đều ở lứa tuổi ngoài 50.

Hoàn cảnh đưa tới rối loạn tâm thần

Hầu hết anh chị em cựu tù nhân tới nước Mỹ với một cơ thể suy nhược, một tinh thần chán nản tuyệt vọng vì những cay đắng của các năm cải tạo và những theo dõi kỳ thị về mọi mặt sau khi được hả khỏi tù.

Sang đến nơi, họ phải đối diện với một viễn tượng không mấy sáng sủa. Về ngôn ngữ, về công ăn việc làm, về tương lai cho các con. Ở lại thì cũng khổ sở cả vật chất lẫn tinh thần.

Một số rơi vào tâm trạng buồn chán, thất vọng kèm theo một chút hờn giận mông lung. Hờn giận với chính quyền bản xứ đã bỏ rơi họ trong chiến tuyến trước đây; với đồng đội may mắn ra đi ngay sau khi cuộc chiến kết thúc. Họ cũng có những lo ngại cho anh em còn ở lại, những cảm nghĩ ân hận đã không giúp họ cùng ra đi.

Rồi trong tâm trạng họ xuất hiện những mặc cảm, những tự tách rời, xa lánh…, những buông xuôi, trầm cảm, căng thẳng.

Kết quả các nghiên cứu sơ khởi vào đầu năm 1990 cho thấy những cựu tù nhân cải tạo bị chấn thương tâm thần rất cao, gấp đôi so với người tị nạn thường.

Lúc mới tới, họ thấy như được giải thoát khỏi những thảm cảnh cho gia đình và bản thân. Họ hăng hái nhập cuộc.

Rồi chỉ vài tháng sau, va chạm với thực tế khó khăn, nhiều người trở nên hoang mang, lo sợ, nghi ngờ.

Người tỵ nạn Việt nam có nhiều nguy cơ trầm cảm. 95% có triệu chứng thể xác, 74% bị chóng mặt, 50% bị nhức đầu, 24% hồi hộp. Các dấu hiệu thường thấy là né tránh, hốt hoảng, tê tái tâm hồn, ác mộng, ám ảnh. Cựu tù nhân chịu nhiều hành hạ với nhiều tích tụ những hậu quả thể xác và tâm thần. Hành hạ cũng là nguy cơ lớn đưa tới Căng Thẳng do Chấn Thương thể xác và tâm thần cũng như bệnh trầm cảm.

Vấn đề tâm thần của  người tỵ nạn Việt Nam đã được các cơ quan y tế xã hội Hoa Kỳ lưu tâm, nghiên cứu, giúp đỡ. Nhưng có một số trở ngại cần được nêu ra.

Các trở ngại phát hiện và điều trị

Trong việc phát hiện và điều trị bệnh tâm thần ở người tỵ nạn Việt Nam, có một số vấn đề được nêu ra. Lý do là trước đây, nhiều người Việt vẫn có quan niệm không mấy chính xác về bệnh tâm thần.

a – Đã có thời kỳ người mắc bệnh tâm thần được coi như điên khùng. Họ gây ảnh hưởng không tốt cho đời sống cả gia đình, làm mất phẩm giá, danh dự của tổ tiên dòng họ.

Một quan niệm khác cho là khi mắc bệnh tâm thần sẽ trở thành yếu đuối, mất khả năng hoạt động, sẽ là một đề tài để người khác dè bĩu, coi thường. Vì thế gia đình thường thường giấu giếm, phủ nhận.

b – Một số người khác coi rối loạn về suy nghĩ, cảm xúc không phải là bệnh mà là sự trừng phạt của thần linh, một nghiệp chướng kết quả những lỗi lầm của mình từ kiếp trước. Bệnh nhân phải đền tội cho lỗi lầm của tổ tiên hoặc lỗi lầm của họ. Nhiều người chấp nhậnsố phận vì họ tin là số của họ phải như vậy.

c – Bệnh cũng được coi như do ma quỷ ám, hàng xóm láng giềng bùa ngải hoặc do mồ mả ông bà bị động, bị trù ếm.

d – Trong nhiều gia đình, con gái bị bệnh, cha mẹ giấu giếm để con lấy được chồng. Sau cưới hỏi bao nhiêu chuyện lục đục trong gia đình xẩy ra đưa tới bạo hành.

e – Gia đình cũng giấu nhẹm không chữa chạy trong nhiều năm, hy vọng là bệnh sẽ bớt đi, tai qua nạn khỏi, cho tới khi bệnh nhân quá trầm trọng, không kiềm chế nổi.

g – Trong các vụ vượt biên, vượt biển có nhiều nạn nhân các vụ hãm hiếp, đánh đập trên đường vượt biển bởi hải tặc. Nạn nhân rơi vào tình trạng đau khổ, xấu hổ, dầy vò. Nhưng gia đình giấu vì nói ra là mất thanh danh nên người ta ngần ngại không dám tìm kiếm giúp đỡ, điều trị.

h- Người Việt Nam ít dùng dịch vụ tâm thần vì văn hóa phong tục, không tin tưởng, có thành kiến với bệnh và cách trị bệnh tây phương. Họ coi người chữa bệnh như là người của chính quyền, xoi mói đời tư của họ. Họ sẽ đi lễ chùa, nhà thờ, đền miếu để cầu xin tha lỗi và xin được sống an lành, xin thuốc thần thuốc thánh về trị bệnh. Nhiều người còn tin là sau khi lập gia đình, sẽ khỏi bệnh.

i – Vào cuộc sống mới, sự bất đồng ngôn ngữ, diễn tả bệnh khó khăn dù có thông dịch, khiến họ ngại ngùng khai bệnh.

k- Không quen với lối chữa trị tâm lý vì không có các dịch vụ này ở quê hương của họ và họ thường nhờ các thầy thuốc gia đình, các vị tu hành góp ý khi có vấn đề.

l – Trị theo nhóm (group and family therapy) đều không được chấp nhận vì không muốn ai biết chuyện riêng của mình.

m – Hỏi lại chuyện cũ thường gặp khó khăn vì nó gợi lại ký ức về các cuộc hạch hỏi, kê khai lý lịch trước đây, đã xâm phạm đời tư của họ.

n – Nhiều người đã được dậy để che đậy, chịu đựng đau khổ tâm thần, để chứng tỏ là mình là người có sức mạnh. Chịu đựng và kiên nhẫn là đức tính tốt cho nên bất cứ than phiền tiêu cực nào về đời sống, về bạn bè đều là dấu hiệu của sự yếu đuối, thất bại, mất mặt.

o – Với nhiều nạn nhân, vì đã sống liên tục trong cuộc chiến kéo dài quá lâu cộng thêm quan niệm sống chịu đựng quen nên họ coi những khó khăn tâm thần như phần thêm vào khó khăn đã có nên không tìm cách chữa trị.

p – Lại nữa nạn bạo hành gia đình, chồng ức hiếp vợ cũng thường xẩy ra với hôn nhân sắp đặt không yêu thương, không hy vọng ly dị cũng làm tăng khổn lực tâm thần.

q – Nhiều người lại ngại ngùng khi phải khai tâm bệnh, tâm trạng khó khăn của mình với một thầy thuốc không cùng ngôn ngữ.

r – Nghiên cứu về hậu quả hành hạ gặp trở ngại lớn là rất khó mà kiếm được những nạn nhân vì nhiều lý do: họ không dám nói ra vì không muốn gây chú ý ở nơi bị hành hạ cũng như ở nơi mới tới định cư; không tin tưởng ở các nghiên cứu tra hỏi tin tức và e ngại những tâm tình kể lể của họ sẽ không được giữ kín.

Vài điều cần biết khi điều trị Trong việc giúp đỡ, điều trị, có một số điều cần
được lưu ý:

1 – Hệ thống y tế cần cởi mở, sẵn có với thủ tục nhẹ nhàng, dịch vụ tốt;

2 – Có một liên hệ tốt giữa người bệnh và nhân viên;

3 – Tôn trọng quan niệm cổ truyền của bệnh nhân về chữa trị, bệnh tật;

4 – Cần tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán người tỵ nạn, quan niệm của họ về bệnh tâm thần rồi từ đó tìm lời khuyên giải, chữa trị cho có hiệu quả hơn;

5 – Muốn chữa phải có sự tín nhiệm của bệnh nhân, làm sao để họ coi mình như người giúp đỡ, người bệnh như nhận được một cái gì tinh thần từ người chữa;

6 – Cần có chuyên gia hai văn hóa, hai ngôn ngữ;

7 – Giải tỏa việc nhiều bệnh nhân da vàng thường bị chuyên gia da trắng kỳ thị, không chăm sóc chu đáo.

——————————————————————————-

Tài liệu tham khảo

Former Political Prisoners From Viet Nam-Report of Survey Findings-Dec 1991-Center for Applied Linguistics-Refugee Service Center.

Richard F. Mollica, MD và cộng tác. The Dose-Effect Relationships between Torture and Psychiatric Symptoms in Viet Nam Ex-Political Detainees and a Comparison Group.

Journal of Nervous and Mental disease 186:543-553,1998 Robert C.Weigl, Ph.D. –Evaluating Disabilities of Vietnamese Prison Camp survivors- Boat People SOS, Inc.

Chung RC, Singer M.K.-Interpretation of Symptoms Presentation and Distress. A South East Asian Refugee Example- The Journal of Nervous and Mental Disease.183(10),639-648

 Kinzie J.D., Spero M.M., Nguyen T T, Bui A 1982- Development and Validation of Vietnamese Language Depression Rating Scale- Amerc. Journal Of Psychology,139(10),1276-1281

Phan T, Silove D 1997. The influence of culture on Psychiatric assessement: The Vietnamese Refugee. Psychiatric Sevice,48,86-90

Jacob U, Evan F.B.-Principles of Documenting Psychological evidence of Torture. Tortue, 11(3) 85-89

Reid JC, Strong T, 1988- Rehabilitation of Refugee Victim of Torture and Trauma: Principle and Service Provision in New South Wales. Medical Journal of Australia 148.34.346

Phan T. Investigating the use of Service for Vietnamese With Mental illness. Jour. Of Community Health. 25(5)411- 425

WL Hinton và các cộng sự viên -Disorders in Vietnamese Refugees: Prevalence and correlates. J Nerv Ment Dis 181:113-122

Viết một bình luận