Phái đoàn đại diện cho các tổ chức xã hội công dân đã chuyển đạt Tuyên Bố Chung đến các nguyên thủ quốc gia vào ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khai mạc ngày 7 tháng 5 ở Jakarta, thủ đô Indonesia.
Tuyên Bố Chung này được hình thành tại hội nghị của các tổ chức xã hội công dân tiến hành trong ba ngày 3-5 tháng 5, cũng tại Jakarta.
“Tại đây chúng tôi tạo cơ hội để những tiếng nói độc lập với chính phủ được lắng nghe mặc dù họ không hiện diện”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, nói.
Download và đọc bản lên tiếng tại đây.
Ông có mặt tại hội nghị để chuyển đến ban soạn thảo Tuyên Bố Chung bản lên tiếng của một số tổ chức xã hội công dân của người Việt ở trong nước, với sự hỗ trợ của một số tổ chức nhân quyền ở hải ngoại.
Phái đoàn do chính phủ Việt Nam cử đi đã tìm mọi cách để loại bản lên tiếng này ra khỏi nội dung của Tuyên Bố Chung. Tuy nhiên nỗ lực của họ đã không thành.
“Họ quá lộ liễu khi bênh vực cho chế độ và để lộ chân tướng là công cụ của chính quyền chứ không phải thực sự là những tổ chức phi chính phủ”, Ts. Thắng nhận xét.
Trên nguyên tắc, các chính quyền không được gài người và khuynh loát hội nghị của các tổ chức xã hội công dân. Trong thực tế, chính quyền Việt Nam một mặt trấn áp không cho những tiếng nói độc lập tham dự, mặt khác họ lập ra những tổ chức phi chính phủ giả hiệu để độc chiếm diễn đàn.
Ts. Lê Duy Cấn, Uỷ Viên Ngoại Vụ của Liên Hội Người Việt Canada, chỉ ra điều này khi được phỏng vấn bởi báo chí.
Tại hội nghị, thay vì hành xử như những tổ chức xã hội công dân để bảo vệ quyền công dân và quyền con người, phái đoàn Việt Nam đã rải người ra để công kích những ai đụng chạm đến chính quyền Việt Nam và nhất mực bào chữa cho chế độ.
Hiến Chương ASEAN, ký năm 2007 tại Singapore, kêu gọi hội nhập người dân với người dân giữa các quốc gia ASEAN và phát triển xã hội công dân toàn vùng.
“Trên nguyên tắc đó, các chính quyền phải tôn trọng tính độc lập của hội nghị”, Ts. Thắng giải thích.
Tuy nhiên một số quốc gia, nổi bật là Miến Điện và Việt Nam, đã dựng lên những tổ chức xã hội công dân trá hình và gởi họ đến tham gia hội nghị. Điều này tạo phản cảm nơi những phái đoàn từ các quốc gia ASEAN khác, vốn bao gồm những tổ chức xã hội công dân đích thực. Các tổ chức trá hình này được gọi là GONGO, viết tắt của government-operated NGO.
Kết quả là hội nghị quyết định mời Bà Aung San Suu Kyi, thủ lãnh của phong trào dân chủ Miến Điện, phát biểu mở đầu hội nghị qua kỹ thuật Skype, bất chấp sự phản đối mãnh liệt của các GONGOs Miến Điện.
Cũng vậy, ban soạn thảo Tuyên Bố Chung đã đón nhận bản lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự đích thực ở Việt Nam, bất chấp sự ngăn chặn của phái đoàn GONGO đến từ quốc gia này.
Các đóng góp của người trong nước cho Tuyên Bố Chung gồm có: người lao động phải có toàn quyền tham gia hay thành lập công đoàn độc lập; người lao động ở ngoài nước phải được bảo vệ bởi luật lao động của quốc gia sở tại; huỷ bỏ mọi luật lệ cho phép bỏ tù hay bắt giam vì phát biểu, sinh hoạt tôn giáo hay có hành động bị xem là đi ngược quyền lợi của chính quyền hay đảng cầm quyền; chấm dứt mọi hình thức tra tấn; chấm dứt tình trạng buôn người và các hình thức bóc lột lao động trầm trọng, đặc biệt với sự đồng loã của chính quyền; chấm dứt mọi hình thức kiểm duyệt và bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mọi công dân.
Ngoài việc chuyển tiếng nói nhân quyền từ trong nước đến hội nghị, Ts. Thắng và Ts. Cấn đã linh động đóng góp thêm một số điểm cho Tuyên Bố Chung, như là kêu gọi các chính quyền tôn trọng sự tự trị của tập thể các tổ chức xã hội công dân và kêu gọi thu thập chứng cớ vi phạm nhân quyền ở các quốc gia ASEAN.
Theo Ts. Thắng cho biết, năm ngoái khi hội nghị được tổ chức ở Hà Nội, Ông đã cung cấp danh sách của những cá nhân và nhóm độc lập với chính quyền để ban tổ chức mời họ tham gia. Tuy nhiên chính các tổ chức GONGO Việt Nam đã bằng mọi cách ngăn cản không cho họ tham gia hội nghị được tổ chức ở ngay đất nước họ.
“Đó là lần đầu tiên tập thể xã hội công dân của các quốc gia ASEAN hiểu rõ bản chất của các tổ chức Việt Nam mà họ từng đối tác trong nhiều năm”, Ts. Thắng giải thích. “Năm nay, thái độ chằm chặp bênh vực cho chính quyền và trấn áp những tiếng nói độc lập càng làm nổi bật bản chất ấy của họ.”
Theo Ông, tạo cơ hội cho người trong nước đóng góp cho Tuyên Bố Chung chỉ là thành quả nhất thời. Quan trọng hơn nhiều là bảo vệ tính độc lập của sinh hoạt xã hội công dân và loại trừ những nỗ lực lũng đoạn của các chính quyền độc tài qua các tổ chức GONGO.
“Chúng tôi đang thúc đẩy điều này qua nhiều phương cách khác nhau”, Ông nói.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]