Minh Công
Chương trình Vay Nợ Vô Thời Hạn hay còn gọi là Reverse Mortgage, một chương trình vay nợ chính phủ đặc biệt ưu đãi dành cho các chủ sở hữu nhà từ 62 tuổi trở lên. Họ có thể dùng căn nhà của mình để thế chấp ngân hàng vay mượn một số tiền tối đa là $625,500. Trong chương trình này, ngân hàng sẽ lập ra một điều khoản ràng buộc trong giấy chủ quyền nhà, yêu cầu người người vay nợ (chủ nhà) hay người thừa kế phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay cộng lãi suất khi và chỉ khi họ qua đời hay quyết định bán nhà. Ngân hàng không có quyền đòi tiền nợ hàng tháng hay tịch thu nhà trong suốt thời gian người vay nợ vẫn còn sinh sống tại căn nhà thế chấp. Vì đây là một chương trình mới, nên có những kẻ lừa đảo thừa cơ tận dụng những kẻ hở thông tin để trục lời từ nạn nhân. Theo thống kê mới nhất của Bộ Đầu Tư và Phát Triển Hoa Kỳ, thì các dạng lừa đảo nhằm vào chương trình này thông thường có vài dạng như sau:
– Cung cấp các thông tin liên quan về chương trình với chi phí cắt cổ. Đây là dạng lừa đảo phổ biến nhất hiện nay liên quan đến chương trình cho vay tiền vô kỳ hạn. Lợi dụng sự thiếu thông tin của các nạn nhân, đôi khi của chính các ngân hàng vay vốn, những kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận và đề nghị giúp đỡ những người muốn nộp đơn vào chương trình. Tất nhiên những đề nghị giúp đỡ này luôn kèm theo một cái giá nào đó. Đôi khi những kẻ lừa đảo sử dụng danh nghĩa của những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tiếp cận và gầy dựng lòng tin của nạn nhân.
Trên thực tế, tất cả các thông tin liên quan đến chương trình vay tiền vô kỳ hạn được cung cấp miễn phí và thường xuyên được cập nhật qua trang website chính thức của Bộ Phát Triển và Xây Dựng Đô Thị (www.hud.org) hay số điện thoại (888) 466-3487. Bất kỳ tổ chức hay cá nhân, dưới bất kỳ danh nghĩa nào, yêu cầu khách hàng phải thanh toán các khoản tiền lệ phí để đổi lấy thông tin về chương trình vay vốn vô kỳ hạn là lừa đảo. Quý vị hãy thông báo ngay cho cảnh sát hay các cơ quan chức năng.
– Một dạng lừa đảo khác, tinh vi và khó phòng bị hơn là dạng lừa đảo được thực hiện bởi chính các chuyên viên tư vấn tài chính. Thông thường, theo quy định của chương trình vay tiền không kỳ hạn trả, người vay tiền phải có từ một tới hai buổi làm việc với chuyên viên tài chính của ngân hàng về trách nhiệm và quyền lợi của họ sau khi tham gia vào chương trình. Tuy nhiên, có một số chuyên viên tài chính đã chủ động thúc ép và tạo áp lực để cho người vay tiền thay đổi ý định và chuyển sang các chương trình vay tiền khác. Tùy theo số tiền mà khách hàng muốn vay, những chuyên viên tài chính này có thể bỏ túi riêng từ vài trăm cho tới vài chục ngàn tiền hoa hồng.
Đối với những chuyên viên tài chính nghiêm túc làm việc trong ngân hàng trong chương trình vay tiền không kỳ hạn trả, mục tiêu công việc của họ là hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng nắm rõ các quyền và nghĩa vụ một cách tốt nhất. Còn đối với những chuyên viên tài chính luôn tìm cách thúc ép khách hàng sang các chương trình vay tiền khác, mục tiêu của họ là làm sao có thể kiếm được càng nhiều tiền hoa hồng càng tốt. Từ đó các quyền lợi của khách hàng bị xem nhẹ.
Nếu quý vị gặp phải những chuyên viên tài chính luôn tìm cách thúc ép mình tham gia các chương trình vay tiền không thuộc về chương trình vay tiền không kỳ hạn trả. Đừng bao giờ tin tưởng vào các lời hứa về những khoản tiền lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ lâu dài… mà hãy thông báo ngay với ngân hàng chủ quản về các biểu hiện nói trên của người chuyên viên tài chính trên.
– Dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua-bán nhà foreclosure trong chương trình vay tiền không kỳ hạn trả. Dạng lừa đảo này là tinh vi và để lại nhiều hậu quả tài chính nhất. Thông thường dạng lừa đảo này bao gồm ít nhất là 3 người. Kẻ lửa đảo, với danh nghĩa là người đầu tư, sẽ mua một căn nhà đã bị ngân hàng tịch thu với một mức giá rẻ mạt. Sau đó, kẻ lừa đảo này sẽ sắp xếp và bán căn nhà đó cho một người thứ ba trên 62 tuổi với một cái giá cao hơn giá trị thực tế mà không cần tiền cọc. Người thứ 3 này, sau khi mua nhà sẽ ngay lập tức nộp đơn xin vào chương trình vay tiền không kỳ hạn trả, và chọn nhận ngay toàn bộ số tiền có thể vay để chia lại cho kẻ lừa đảo, người đã mua và bán căn nhà.
Dạng lừa đảo tinh vi này chỉ bị phát hiện, khi và chỉ khi người sở hữu nhà, sau khi đã rút toàn bộ số tiền có thể cho vay từ chương trình, từ bỏ căn nhà. Ngân hàng sau khi tịch thu nhà, sẽ chịu tổn thất rất lớn vì trị giá thực của căn nhà thấp hơn rất nhiều so với khoản tiền đã cho vay. Vì đây là chương trình được chính phủ tài trợ, số tiền thiếu hụt trên sẽ được bù đắp từ các khoản tiền đóng thuế.
– Dạng lừa đảo bởi các nhà thầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Do yêu cầu của chương trình, trước khi và trong khi tham gia chương trình vay tiền nợ không kỳ hạn trả, người vay tiền phải có trách nhiệm sửa chữa và bảo trì căn nhà ở một mức độ nhất định nào đó. Kẻ lừa đảo, với danh nghĩa là người sửa nhà, nắm biết được sự cần thiết của việc sửa chữa, bảo trì nhà để có thể tham gia vào chương trình của nạn nhân, đã đưa ra những chi phí sửa chữa nhà cao hơn rất nhiều so với thực tế. Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chương trình của nạn nhân để tạo sức ép nhằm tiến hành các sửa chữa không cần thiết, từ đó nâng cao tổng số chi phí sửa chữa.
Để tránh dạng lừa đảo này, quý vị hãy luôn làm việc với nhiều người sửa nhà trước khi quyết định chọn ai. Đồng thời không bao giờ nghe theo những đề nghị của người sửa nhà về các sửa chữa khác mà không thông qua sự chấp thuận của ngân hàng. Đừng bao giờ chọn những thợ sửa nhà đòi hỏi một khoản chi phí lớn cần thanh toán trước. Hãy yêu cầu được thanh toán chi phí khi kết thúc quá trình sửa chữa và sau khi được ngân hàng chấp nhận vào chương trình.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]