Người Mẹ Trong Cuộc Sống Hôm Nay

Thương Nguyên

Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
…..
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời (trích Bông Hồng Cài Áo)

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã ví người mẹ là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời. Quả thật, người mẹ nào cũng luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Mẹ chăm sóc con toàn diện từ khi con mới chào đời, ngay cả sau khi con đã thành nhân. Ai đã mang thiên chức làm mẹ sẽ cảm nhận được tâm tình yêu thương trọn vẹn của người mẹ qua những sự nhọc nhằn, hy sinh, cùng những sự cố gắng khi tảo tần nuôi con. 

Mẹ là người nuôi dưỡng

Trong thiên chức làm mẹ, việc nuôi dưỡng con cái là nhiệm vụ và là vai trò đặc biệt của người mẹ. Nuôi dưỡng có nghĩa là vun xới, trông nom, và làm cho tăng trưởng. Hầu hết các bà mẹ đều tìm được những môi trường giúp con cái tăng trưởng.  Đi đôi với sự nuôi dưỡng còn là việc nội trợ. Công việc nội trợ gồm những việc nấu nướng, giặt giũ quần áo, rửa chén bát, giữ nhà cửa được ngăn nắp gọn gàng. Nhà cửa là nơi mà những người mẹ có quyền năng và ảnh hưởng nhiều nhất. Có lẽ vì thế người phụ nữ là những người nội trợ giỏi. Để con cái được tăng trưởng trong những chiều kích tốt, việc nuôi dưỡng đòi hỏi nhiều kiến thức, những kỹ năng giáo dục, biết tổ chức, lòng kiên trì, tình yêu thương và cách làm việc của người mẹ.  Khi nuôi dưỡng con cái, người mẹ thường trao cho con những kiến thức mình đã nhận được qua kinh nghiệm. Trong lúc quán xuyến các công việc nội trợ , người mẹ có cơ hội dạy dỗ con cái qua gương lao nhọc, hy sinh và đức hạnh của mình. Vì con cái thường bắt chước người gần gũi chúng nhất, nhờ vậy đời sống và nhân cách của chúng được tăng trưởng.

Mẹ là người quán xuyến mọi việc trong gia đình

Trong gia đình, mẹ là một người gây nhiều tác dụng ảnh hưởng đến con cái mình. Phần lớn các bà mẹ hoạch định chương trình cho các việc trong nhà. Bà chọn lựa cẩn thận những sinh hoạt cho con cái và góp phần tham gia để nâng đỡ và bảo vệ con mình. Bà quán xuyến tất cả các sinh hoạt cho con, từ việc đưa đón con đi học, khuyến khích con tham gia những sinh hoạt tại trường và ngoài xã hội, chẳng hạn như tham gia hướng đạo và thể thao, vào ban nhạc của nhà trường, học thêm âm nhạc, toán hay Việt Ngữ. Ngoài ra, mẹ cũng là người thường bỏ giờ tham  dự những buổi họp phụ huynh nơi trường học. Và dĩ nhiên còn rất nhiều công việc khác  không thể kể ra hết được.

Không những chuẩn bị cho thế hệ mai sau với những kiến thức nơi học đường, các bà mẹ còn hướng dẫn cho con cái mình những kiến thức về đạo đức và tâm linh.  Khi chung phần cộng tác với người chồng trong việc giáo dục, các bà mẹ xây đắp cho con cái thành những người lãnh đạo tương lai bằng chính tấm gương sống của mình. 

Mẹ là cô giáo đầu đời

Các bà mẹ là luôn cô giáo đầu đời cho con trẻ. Vì không chỉ là những người giữ trẻ nên họ không bao giờ xao lãng bổn phận làm mẹ của mình. Một người bạn của tôi đã thố lộ rằng chị không bao giờ học một điều gì ở bên ngoài mà chị ấy chưa học ở nhà. Người mẹ thường dùng các việc trong gia đình để dạy dỗ con cái. Nhiều người mẹ nghiêm khắc trong việc cho phép con cái xử dụng những phương tiện truyền thông tại nhà để tránh những ảnh hưởng xấu của bạn bè hay những phim ảnh đồi trụy trên TV, những điều không hay mà con cái sẽ bắt chước. Người mẹ thường dành nhiều thời giờ hơn để cùng ăn chung, cùng làm việc, cùng đọc sách, cùng nói chuyện, cười đùa, ca hát để nêu gương cho con cái họ.  Mục tiêu của các bà mẹ là chuẩn bị cho những người cha và những người mẹ tương lai, những người sẽ xây đắp xã hội. Những người mẹ luôn là những cô giáo đầu đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của con trẻ.

Với tâm tình dịu hiền, đảm đang, khôn ngoan người mẹ đã dạy dỗ con cái mình nên người chân thật, biết sống theo đạo lý với bản chất lương thiện.  Niềm hạnh phúc của người mẹ là mong muốn thấy con cái mình trở nên những người hữu ích cho gia đình, xã hội và quê hương. Niềm vui của người mẹ là thấy các con được trưởng thành trong tinh thần yêu thương và phục vụ. Triết lý sống và tình thương của người mẹ đã trở thành nguồn khởi hứng và hành trang cho những người con tiếp tục bước đi trên đường đời. Đây là những đức tính thiên phú của vai trò làm mẹ. Nhưng trong xã hội ngày nay, vì những nhu cầu  mưu sinh phức tạp cùng với hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người phụ nữ đã bị thúc đẩy để tiếp tay với chồng trong việc sinh kế cho gia đình. Các bà mẹ vừa phải đi làm, vừa phải tiếp tục chăm sóc con cái cùng các việc nội trợ.

Đối với các bà mẹ phải đi làm, việc tìm cách cân bằng giữa sự chăm sóc gia đình và công việc làm luôn là thách thức lớn. Đó là chưa kể những lúc con trẻ bị ốm đau hay khi trong gia đình có một người con bị khuyết tật, đặc biệt là những trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của người mẹ.  Đây là điều rất khó khăn cho những người mẹ nếu phải giữ một chức vụ trong công ty. Như vậy các bà mẹ đang đi làm cần làm thế nào để có thể cân bằng đời sống?

Sau đây chúng ta hãy duyệt qua ba trường hợp nghiên cứu (case study) điển hình để qua đó rút tỉa được những điều mà các bà mẹ cần làm để có thể cân bằng đời sống giữa gia đình và công việc làm.

Trường hợp 1: Các bà mẹ làm việc văn phòng

Chị PT là một nha sĩ với năm đứa con mọn. Chị làm việc 4 ngày trong tuần và nghỉ ngày thứ Sáu để chăm sóc gia đình. Với thực lực của mình chị không thể nào vừa quán xuyến phòng mạch lại vừa đảm đương việc nhà. Sau khi có được đứa con thứ ba, chị bàn với người chồng mướn một người giúp việc (au pair service) ở luôn trong nhà để chăm sóc các con của chị và lo cơm nước cho gia đình. Gia đình chị đã rất thành công khi dùng phương án này. Tuy có năm đứa con nhưng chị không phải xin nghỉ phép nhiều lần khi con đau yếu. Chị dành trọn ngày thứ Sáu để đưa con cái đi khám bác sĩ, gặp thầy cô giáo ở trường hoặc chỉ đơn giản dành thời giờ cho chị. Với một chút khéo léo, chị đã tìm được nhân lực để giúp chị chăm sóc trẻ, giúp trẻ trong việc học, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho cả nhà. 
Người giúp việc được chị mướn qua dịch vụ Au Pair và văn phòng tuyển dụng đã chọn lựa được một người giúp việc phù hợp với gia đình của chị. Tuy đông con nhưng đời sống của chị xem ra khá thoải mái, vợ chồng con cái luôn có giờ cho nhau. Để có được sự cân bằng cho đời sống, chị đã phải chi phí khá nhiều cho người giúp việc.

Trường hợp 2: Các bà mẹ có tiệm buôn hoặc công ty thương mại

Gia đình chị MT có hai tiệm nail. Vợ chồng mỗi người quán xuyến một tiệm. Chị có bốn người con. Buổi sáng xe bus của trường đón con cái chị đến lớp học. Buổi trưa sau khi tan học chị lên trường đón các con về tiệm của mình. Chị thiết kế một phòng nhỏ trong tiệm để các cháu dùng làm phòng học và chơi games. Những khi con cái đau yếu và không thể đi học được, chị mang con lên tiệm để có thể vừa trông tiệm vừa lo cho con. Tiệm của chị mở cửa 7 ngày trong tuần nên tuy có phòng cho các con trong tiệm, chị cũng không thể dành nhiều thời giờ cho các con chị. Chị chỉ có vài giờ đồng hồ mỗi buổi sáng để chăm sóc nhà cửa và các việc nội trợ.  Đời sống gia đình chị sung túc nhưng không có thời giờ cho nhau.

Trường hợp 3: các bà mẹ làm việc tại công xưởng

Chị XT làm việc trong một hãng điện tử. Chị có ba người con. Mỗi sáng chồng chị đưa hai cháu lớn đến trường. Chị đưa cháu út đến nhà giữ trẻ. Trường học và nhà trẻ có quy định khi con trẻ đau ốm, phụ huynh phải để con ở nhà. Vì vậy, chị không thể gửi con đến trường hay nhà trẻ khi chúng bị bệnh. Mặc dầu hầu hết các công xưởng đều phải chấp nhận những trường hợp khẩn cấp của gia đình nhân viên, cho phép chăm sóc người thân đau bệnh. Tuy nhiên, vì những nhu cầu của các việc trong hãng phải tiếp tục trôi chảy, việc xin nghỉ phép có thể trở thành khắt khe. Nhiều nơi vẫn không hài lòng khi cho nhân viên nghỉ làm để chăm sóc con cái, nhất là khi tình trạng bị ốm của trẻ không đến nỗi nghiêm trọng hay cấp bách.  Chi XT phải cân nhắc và chỉ xin nghỉ phép trong những trường hợp thực sự cần thiết vì chị sợ bị mất việc.

Qua ba trường hợp điển hình trên, chúng ta có thể rút tỉa được một vài cách để có thể cân bằng đời sống gia đình và việc làm.

Phương cách 1: Các trung tâm chăm sóc trẻ theo giờ linh hoạt

Đối với nhiều phụ huynh, việc con cái bị bệnh còn kéo theo nỗi lo về tài chính. Họ rất ngại khi phải xin nghỉ phép nhiều lần vì sợ bị sa thải. Nhiều người mẹ đã chọn giải pháp đi làm và nhờ người khác chăm sóc hoặc gửi chúng tại các gia đình giữ trẻ trong khu xóm. Theo kết quả một cuộc điều tra ở Mỹ, có đến hơn 50% phụ huynh luôn tìm cách nhờ sự chăm sóc của người khác khi con bị ốm và họ vẫn đi làm như bình thường. Điều này tuy không là một vấn đề lớn, nhưng phụ huynh cần đề ra những kế hoạch chăm sóc con trong trường hợp khẩn cấp để có thể an tâm hơn khi có người chăm sóc cho đứa con bị ốm của mình.

Thường các trung tâm chăm sóc trẻ theo giờ linh hoạt luôn nhận trông trẻ theo giờ nhằm hỗ trợ tốt nhất thời gian làm việc của người mẹ. Bằng việc tìm và chọn ra những trung tâm uy tín gần nơi làm việc, các bà mẹ vẫn có thể chăm sóc được con trẻ  mà không ảnh hưởng đến công việc của mình. Những trung tâm như vậy thậm chí còn có cả phòng điều dưỡng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bà mẹ qua thăm con trong giờ nghỉ trưa. Phương án này có thể thích hợp cho các bà mẹ làm việc tại công xưởng.

Phương cách 2: Không gian văn phòng thân thiện với trẻ

Ngày nay với hệ thống internet thuận lợi, nhiều chủ doanh nghiệp làm việc tại nhà. Họ thiết kế phòng làm việc ở nhà yên tĩnh đủ để có thể điều khiển các buổi họp, lại vừa thoải mái đủ để gần gũi con cái. Nhiều người còn thiết kế một không gian thích hợp và thật thú vị cho con trẻ chơi, học và phát triển tại nhà với sự trông nom của một người giữ trẻ.

Phương cách 3: Tìm người giữ trẻ

Trường hợp các bà mẹ quá bận và con còn quá nhỏ thì nên tìm người trông trẻ mặc dù chi phí khá cao. Có nhiều cách thuê người giữ trẻ hoặc theo giờ hay theo tuần hay tháng. Những người giúp việc này ở luôn trong nhà hoặc sáng đến tối về.  Có nhiều gia đình đã thuê sinh viên trông nom và đón trẻ về từ trường. Các sinh viên giúp việc còn có thể nhận giúp trẻ trong việc học, dọn nhà và thậm chí nấu ăn, cho trẻ ngủ trước khi người mẹ đi làm về.

Phương cách 4: Tìm người giúp việc

Một người giúp việc sẽ nhận trách nhiệm chăm sóc trẻ và quán xuyến công việc nhà. Những người này có thể sẽ cùng sống trong gia đình một thời gian dài, hoặc trong một thời gian nhất định. Nhiều văn phòng tuyển dụng có thể giúp tìm và chọn lựa được một người giúp việc phù hợp với mức lương và đời sống của gia đình.

Phương cách 5: Dành thời gian với gia đình

Đối với rất nhiều bà mẹ đang đi làm, việc cân nhắc thời gian để chăm sóc gia đình thực sự rất quan trọng. Nhiều bà mẹ đã chọn ra những ngày trong tuần phù hợp theo lịch trình làm việc để có thể dành thời gian với gia đình và con cái. Đây là khoảng thời gian quý báu để coi sóc bài vở cho trẻ hoặc dẫn chúng đi chơi, tạo không khí thoải mái cho cả gia đình.

Với nhiều người mẹ đi làm, gửi con là cả một vần đề khó nghĩ.  Dù mướn người về nhà, gửi cho người thân như cha me, anh chị em, hay nơi nhà trẻ, người mẹ vẫn không thể yên tâm bằng việc tự mình chăm sóc cho con.

Với trào lưu của nền kinh tế ngày nay, các bà mẹ vừa phải đi làm lại vừa phải quán xuyến việc nội trợ cho gia đình. Nếu không tìm được sự hỗ trợ hoặc không cân bằng được đời sống gia đình và công việc làm, thì cuộc sống giữa cha mẹ và con cái sẽ bị thiệt thòi, có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái và cuộc sống tương lai của chúng.

Tóm lại, làm mẹ là một thiên chức. Trong thiên chức này, nhiều người mẹ đã trải qua một loạt những biến đổi, những lựa chọn, những ưu tiên, những nỗi âu lo, những hi sinh quên mình. Tất cả những điều này có thể chỉ chấm dứt khi người mẹ từ giã cõi đời. Dù thuộc thế hệ nào, người mẹ luôn chứng tỏ tài quán xuyến, sự khéo léo đảm đang, sự hi sinh tần tảo, tất cả cho gia đình và cho chồng con.  Người mẹ đã để lại cho con mình một gia tài của những lời khuyên bảo, những khích lệ, những kinh nghiệm sống khôn ngoan, tình yêu thương thắm thiết, những chăm sóc che chở, và biết bao tặng phẩm quí giá khác để con có được hành trang bước đi trong đời.    

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]  

Viết một bình luận