Những Con Số Thống Kê về Bệnh Ung Thư Phổi và Nạn Hút Thuốc Lá Rất Thịnh Hành Trong Giới Đàn Ông Việt Nam
Tác Giả: Alexia Dinh-Christie
Phiên dịch: Ngọc Huỳnh và Châu Nguyễn
Tôi rất ghét ngửi mùi khói thuốc. Khi có làn thuốc bay qua là tôi cảm thấy thật khó chịu, bực mình, những khoảnh khắc tốt đẹp xung quanh dường như tan biến mất. Lớn lên ở một quốc gia có nhiều người hút thuốc, tìm được một nơi không bị khói thuốc làm chi phối đối với tôi thật là một chuyện rất khó khăn. Tôi nghĩ trong nhà hàng việc phân ra hai khu vực cho phép hút thuốc và cấm hút thuốc thì thật buồn cười – không lẽ người chủ họ nghĩ rằng khói thuốc không biết tự bay từ khu cho phép hút thuốc đến khu cấm hút thuốc hay sao? Lúc còn trẻ khi đi chơi với bạn bè, tôi đã có lần thử hút thuốc. Do tính hiếu kỳ, tôi chỉ muốn thử xem thuốc lá có gì hấp dẫn mà nhiều người mê nó đến thế. Tôi chưa bao giờ thích mùi khói thuốc và càng không thích cái vị đắng nghét của nó – và có lẽ đây cũng là một điều tốt! Bây giờ khi được biết nhiều về tác hại của thuốc lá, tôi rất tự hào rằng mình đã không bắt đầu hút thuốc từ dạo ấy.
Đối với tôi, những con số thống kê – như đàn ông Việt Nam có thói quen hút thuốc nhiều nhất so với mọi sắc dân khác – thật không có gì mới mẻ. Nếu bạn có dịp vào trung tâm mua sắm của người Việt, thì điều này rất hiển nhiên: nếu muốn bước vào một cửa hàng hoặc một quán ăn, ít nhất bạn phải luồn lách qua một làn khói thuốc dày đặc. Tháng Tám vừa qua, tờ báo Associated Press cho biết để đáp ứng với nhiều lời than phiền của người dân trong cộng đồng, nhà chức trách địa phương đã bắt giữ 13 người vi phạm luật cấm hút thuốc trong chiến dịch càng quét ở một số nhà hàng Việt Nam trong khu thương mại Eden Center, thành phố Falls Church thuộc tiểu bang Virginia. Chín người hút thuốc và bốn người chủ nhà hàng đã bị bắt vì đã cho phép khách hàng hút thuốc trong phạm vi cơ sở kinh doanh của họ. Viên chức chính quyền tiểu bang Virginia cho biết đây là lần phạt đầu tiên từ khi tiểu bang ban hành luật cấm hút thuốc trong các nhà hàng trong thời gian gần đây.
Như đa số người Việt, tôi đã chịu đựng và làm quen với thói quen này. Tôi cảm thấy tội cho những người khách hàng và chủ nhà hàng đã bị bắt – tôi nói thật! Nhưng tôi lại mừng cho bản thân và hàng trăm người khác có thể đến Eden Center thường xuyên để thưởng thức những món ăn Việt thơm ngon mà không bị hít phải khói thuốc ác hại, và tôi hy vọng sự bất tiện nhỏ nhoi này có thể giúp ích được không nhiều thì ít cho người Việt từ bỏ thói quen hút thuốc.
Hút Thuốc và Ung Thư Phổi
Ung thư phổi là một loại bệnh khi tế bào phát triển bất thường trong mô phổi. Ung thư phổi hình thành khi tế bào phổi bắt đầu phát triển và biến đổi ngoài tầm kiểm soát của hệ thống và dần dần tạo thành một khối u, thường được gọi là bướu. Bướu có thể là bướu lành (không ung thư) hoặc bước độc (ung thư). Bướu độc là nơi hội tụ nhiều tế bào ung thư có khả năng lan sang những bộ phận khác của thân thể. Ung thư phổi có nhiều loại, mỗi loại phát triển và có tính di căn khác nhau, và cách chữa trị cho mỗi loại cũng khác nhau. Cách điều trị tùy theo từng giai đoạn và mức độ lan rộng của ung thư. Gần đây tôi có tham dự một buổi hội chợ cộng đồng và gặp được một người quen. Cô ta cho tôi biết một tin khiến tôi rất ngạc nhiên rằng một người bạn mà chúng tôi cùng quen đã qua đời vì bệnh ung thư phổi. Thật không thể nào ngờ được! Khi còn sống anh ta hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Nếu quả thật anh ấy đã mắc bệng ung thư phổi, anh ấy giấu kín thật đấy!
Ung thư phổi là loại ung thư rất phổ thông đứng hàng thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới lẫn nữ giới tại Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới. Có một dự tính cho rằng ở Hoa Kỳ vào cuối năm 2010 sẽ có khoảng 222,520 ca (117,750 nam và 105,770 nữ) ung thư phổi. Ung thư phổi đã qua mặt ung thư vú để trở thành nguyên nhân đầu dẫn đến tử vong do ung thư ở giới phụ nữ. Trong năm 2010, sẽ có 157,300 người (86,220 đàn ông và 71,080 phụ nữ) ở Hoa Kỳ được dự đoán là sẽ chết vì ung thư phổi, nhiều hơn tổng số tử vong do ung thư ruột kết, ruột thẳng, ung thư vú, và ung thư tuyến tiền liệt nhập lại. Ung thư phổi chiếm 15% trong tất cả các ca ung thư, và chiếm 28% trong số ca tử vong do ung thư gây ra. Những con số này thật làm choáng mặt! Ban đầu tôi không hiểu tại sao có rất nhiều người biết về những tác hại của việc hút thuốc lá nhưng họ vẫn tiếp tục hút. Nhưng tôi lại nghĩ, có lẽ họ không chịu nhín chút thời giờ để đọc những tài liệu thống kê này. Tự trau dồi kiến thức cho bản thân để biết thêm về những con số thống kê liên quan đến ung thư phổi là then chốt giúp bạn bỏ thuốc, không cần phải chờ đến khi có chuyện gì đáng sợ xảy ra mới quyết tâm bỏ hút thuốc.
Tuy nhiên, những con số nêu trên không nên xem là một bản án tử hình. Mặc dù những tác nhân nguy hiểm (bất cứ những gì tăng thêm xác suất mắc bệnh ung thư) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư, nhưng phần lớn đều không trực tiếp gây ung thư. Bạn không thể khống chế hoặc làm thay đổi một vài tác nhân nguy hiểm như tuổi tác và bệnh lịch của gia đình, nhưng bạn có thể phòng ngừa những tác nhân nguy hiểm khác như khí miăng, rađơn, và nhất là khói thuốc!
Chúng ta biết ung thư phổi đa số là hậu quả của việc hút thuốc lá – khoa học đã chứng minh rằng những ai hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc một thời gian dài trong quá khứ đều có xác suất mắc bệnh ung thư phổi cao nhất, kể cả những người gián tiếp hít phải khói thuốc do người khác thải ra. Nam giới có xác suất mắc bệnh ung thư phổi là 1 trong 13 người; đối với phụ nữ, xác suất là 1 trong 16 người.
Một trong những điều thú vị nhất mà tôi phát hiện được khi thu thập tài liệu cho bài viết này là “sự tác hại của khói bám”. Đây là điều lý thú mà tôi chưa bao giờ nghe thấy! Ngoài những tác hại gây ra do tự ý hút thuốc và gián tiếp hít phải khói thuốc do người hút thải ra, một nghiên cứu mới đây cho thấy độc tố vô hình của khói bám của thuốc cũng tác hại không kém đến sức khoẻ. “Khói bám” chính là bã của chất nicôtin bám vào vải, thảm, nệm, tóc và quần áo sau khi khói thuốc đã tan biến. Trẻ em và bé sơ sinh dễ bị tác hại nhất vì chúng hít thở, bò, chơi ở gần và thậm chí sờ mó vào những vật thể có nhiều khói bám nguy hiểm này.
Giai đoạn tác hại của khói thuốc được miêu tả như sau:
Khói thuốc trực tiếp – khói thuốc do người hút thuốc tự hút vào qua đường khí quảng
Khói thuốc gián tiếp – khói thuốc do người hút thuốc thải ra và được người khác hít vào
Khói bám – bã của chất nicôtin do người hút thuốc thải ra và bám vào mặt ngoài của đồ vật
Nếu ý định hút thuốc của bạn vẫn chưa bị lay chuyển, hãy đọc tiếp!
Theo báo cáo của Trung Tâm Phòng Chống Ung Thư Hoa Kỳ thì ung thư đã và đang là một nguy cơ lớn đe dọa đến sức khoẻ của người dân Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, cứ trong 4 vụ tử vong thì có một vụ là do ung thư gây ra. Các nghiên cứu gia phỏng đoán rằng đến cuối năm 2010 sẽ có hơn 1.52 triệu ca ung thư mới và gần 570,000 ca tử vong do ung thư sẽ xảy ra tại Hoa Kỳ, tương đương với một ngày có 1,500 người tử vong do bệnh ung thư.
Tại sao cộng đồng Việt Nam chúng ta cần quan tâm?
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, số nam giới hút thuốc tại Việt Nam được coi là cao nhất thế giới: với 86 triệu dân số quốc gia, trong đó có 56% người hút thuốc lá. Theo một chuyên gia y tế tại Việt Nam, con số này có thể còn cao hơn nữa. Trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với Inter Press Service, tiến sĩ Nguyễn Tấn Lâm của Khoa Chống Hút Thuốc của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã phát biểu rằng con số tử vong bởi ung thư phổi được báo cáo thật sự ít hơn con số thật rất nhiều vì nhiều vụ tử vong không xảy ra trong bệnh viện. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Lâm ước lượng các trường hợp tử vong do ung thư phổi có thể lên đến 70,000 người trong năm vừa qua, cao hơn 30,000 người so với con số được báo cáo. Tuy bản tường trình này rất thú vị nhưng cũng làm cho tôi cảm thấy thật nản lòng. Ở một quốc gia với hệ thống giao thông tấp nập mà mọi người hàng ngày phải đấu tranh sinh tồn trên đường từ nhà đến sở làm, trường học, nhưng tai nạn giao thông, thường được gọi là “bệnh dịch ẩn nấp”, chỉ chiếm một tỉ lệ thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong do ung thư phổi, 12,000 trường hợp trong năm 2008.
Trong một bài viết gần đây của Tạp Chí Y Học Anh Quốc nhan đề Nam Giới Việt Nam Hút Thuốc Nhiều Nhất Thế Giới, nhà báo Jacqui Wise viết rằng đàn ông Việt Nam có kỷ lục hút thuốc cao nhất trong số nam giới của thế giới – cứ 10 người đàn ông thì có 7 người hút thuốc. Wise dự đoán con số này sẽ tiếp tục gia tăng vì những quốc gia đang trên đà phát triển thường là mục tiêu của các công ty thuốc lá quốc tế vì đây là thị trường lý tưởng của họ.
Gần đây, một người bạn gửi cho tôi một đoạn phim trên YouTube nói về một cậu bé Inđônêxia 2 tuổi đang hút thuốc. Tôi đã không thể tin vào mắt mình! Chỉ mới tròn 2 tuổi, cậu bé đã hút thuốc như một người hút thuốc giàu kinh nghiệm, và còn có thể tạo làn thuốc hình tròn trong bầu không khí. Đoạn phim nói rằng cậu bé này, tên Ardi, đã bắt đầu hút thuốc từ khi 18 tháng tuổi và bây giờ đã có thói quen mỗi ngày hút 2 gói thuốc. Sức khoẻ của Ardi dường như đã bắt đầu bị ảnh hưởng do thói nghiện của em. Em nhìn già hơn 2 tuổi rất nhiều, và đáng tiếc là em quá béo, không thể cùng chạy nhảy với các bạn trẻ khác cùng lứa tuổi. Mẹ của em nói rằng nếu em không được hút thì em sẽ than phiền vì cảm thấy chóng mặt và đau ốm.
Đây là lỗi tại ai? Có nên trách mắng những công ty quảng cáo, hay những bậc cha mẹ đã không hiểu biết và quan tâm? Họ có nên bị khiển trách không khi họ chỉ thoáng thấy những quảng cáo thúc đẩy thói quen hút thuốc là một điều hay và sang?
Để bạn có thể hiểu rõ hơn về sự lợi hại của các hãng quảng cáo: kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến từ 2004 người đàn ông và phụ nữ sinh sống ở Hà Nội, Sài Gòn, và hai vùng nông thôn cho thấy đàn ông hút thuốc chiếm tới 73% trong khi đó số đàn bà hút thuốc chỉ có 4%. Trong số những người đàn ông hút thuốc, chỉ có 16% hút hiệu được sản xuất trong nước, nhưng hơn gấp đôi số đó nói rằng họ thích hút thuốc nhập cảng hơn nếu có đủ khả năng để mua. Đây là tình trạng ở một quốc gia mà tiền lương của công nhân lao động không có tai nghề vững chắc tại các vùng ngoại ô chỉ từ 35 đến 45 đôla một tháng. Hút thuốc quả thật là một thói quen đắt tiền!
Và theo bài báo Hút Thuốc & Khói: Một Câu Chuyện Song Song do Phượng Vũ và Brian Lương cùng soạn, thì các em học sinh Việt thường bắt đầu tập hút thuốc từ lúc 13 tuổi. Trong khi đó trên toàn thế giới, hàng năm có trên 600,000 vụ tử vong do hít phải khói thuốc do người hút thuốc thải ra, trong số bệnh nhân này thì có 64% là phụ nữ – và điều đáng ngạc nhiên là chỉ có hai phần trăm dân số này là phụ nữ Việt Nam hút thuốc! Những phụ nữ này bị ảnh hưởng do hít phải khói thuốc ở nhà và sức khoẻ của họ bị tác hại không kém người hút thuốc. Một nghiên cứu của Đại Học Y Khoa Hà Nội trong năm 2005 cho biết 2/3 phụ nữ Việt Nam và trên 60% trẻ em học sinh ở lứa tuổi từ 13 đến 15 thường xuyên hít phải khói thuốc do người khác thải ra ở nhà và cả nơi công cộng.
Hút thuốc không còn là điều hấp dẫn! Cai thuốc là một xu hướng mới!
May thay, Việt Nam đã thấy được hút thuốc là một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng trong quần chúng và đã có những hành động cụ thể nhằm khắc phục vấn đề và gia tăng kiến thức quần chúng về vấn nạn này. Từ khi thông qua Hiệp Định Kiểm Soát Thuốc Lá theo Mô Hình của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong tháng 12, Việt Nam đã cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, đánh thuế thuốc lá cao hơn, và trong năm ngoái đã thêm vào nhãn cảnh báo trên bao bì về sự tác hại của thuốc đến sức khoẻ. Theo tôi được biết thì từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010, Việt Nam đã khởi đầu chiến dịch “Thuốc Lá Đang Lấy Đi Mạng Sống Của Bạn” qua đài truyền hình, biểu ngữ, bích chương, và báo chí. Và vào cuối tháng 8 năm 2009, chính phủ đã công bố nghiêm cấm hút thuốc ở nơi công cộng bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 1 năm 2010. Tôi cũng không mấy bận tâm khi “nơi công cộng” vẫn không được định nghĩa rõ ràng, nhưng đây quả thật là một tiến bộ thực tế! Tôi rất vui khi biết được trong tháng 5 năm 2010, kết quả thống kê của chiến dịch “Thuốc Lá Đang Lấy Đi Mạng Sống Của Bạn” cho thấy trong số những người đã đọc qua những tài liệu chống hút thuốc thì có 77% phản đối hút thuốc nơi công cộng vì sợ bị tác hại bởi khói thuốc do người hút thải ra. Kết quả có được quả thật là một sự khích lệ to lớn và cũng cho thấy chúng ta cần phát triển thêm nhiều chiến dịch chống hút thuốc thích hợp nhằm giảm bớt thói quen hút thuốc đang thịnh hành, nâng cao kiến thức về sự tác hại của thuốc lá đến sức khoẻ, và quan trọng nhất là giảm bớt sự chấp nhận việc hút thuốc lá của giới đàn ông Việt Nam trên toàn thế giới.
Theo ý kiến cá nhân tôi thì nếu người hút thuốc nhận thức rõ hơn về tác hại song song với việc hút thuốc và những nguy cơ đe dọa sức khoẻ, thì không những họ có thể tự cai thuốc mà còn giúp cho những người thân chung quanh họ cai thuốc được dễ dàng hơn. Để làm được điều này, theo tôi, một phương pháp tích cực khác là không những chỉ nâng cao kiến thức cho người hút thuốc mà còn cho những người không hút thuốc nữa.
Tôi nghĩ từ bấy lâu nay những người không hút thuốc không nói lên sự bất mãn của họ với những người thân hút thuốc trong gia đình vì họ chưa nhận thức được sự tác hại sức khoẻ do khói thuốc gây ra. Cứ vài năm là tôi về Việt Nam thăm gia đình. Cả ba người chú của tôi ở Việt Nam đều hút thuốc. Tôi có hỏi những người dì của tôi tại sao họ không khuyến khích chồng họ cai thuốc; thật nản lòng khi nghe họ nói: “Dì có bảo chú ngừng hút, nhưng nếu có hút cũng không sao. Có chết cũng là chú, chứ đâu phải dì!” Những người dì của tôi, như những hàng xóm phụ nữ của họ, không biết rằng ngay cả họ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thói quen hút thuốc của chồng họ. Tôi thật sự tin rằng nếu họ càng biết nhiều bao nhiêu về những ảnh hưởng tai hại của khói thuốc, thì họ càng mạnh dạn bấy nhiêu trong việc phát biểu ý kiến và đòi hỏi khắt khe hơn đối với những người hút thuốc có mặt trong đời sống của họ. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là mặc dù mở cửa sổ, dùng máy lạnh, quạt máy, hoặc dành một phòng riêng để hút thuốc trong nhà, bạn vẫn bị tác hại bởi khói thuốc. Mặc dù bạn không thấy khói thuốc, nhưng nếu ngửi được mùi thuốc, nghĩa là bạn đang hít vào hoặc sờ vào những độc tố vô hình mà không hay biết.
Tôi nghĩ nếu như nói đến bệnh ung thư do hút thuốc gây ra, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là bệnh ung thư phổi. Trong quá trình nghiên cứu của tôi, tôi đã phát hiện nhiều loại ung thư do hút thuốc gây ra, bao gồm ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, ruột, dạ dày, cổ tử cung, tuyến tụy, và bệnh cấp bạch cầu dạng tủy. Tôi cũng phát hiện có trên 559 thành phần chất tố khác nhau được thêm vào trong quá trình sản xuất thuốc lá. Khi điếu thuốc được đốt sẽ tạo ra khói thuốc có chức trên 4000 loại hóa chất, mà trong đó có trên 40 loại được xem là chất tố gây ung thư. Khi biết được điều này bạn có còn hút thuốc nữa không? Tôi hy vọng là không!
Những việc bạn có thể làm…
Hôm nay tôi cảm thấy rằng mình rất may mắn vì sau lần hiếu kỳ thử hút thuốc lúc nhỏ, đến nay tôi chưa hề hút thêm một lần nào nữa. Nhưng nếu bạn là một người hút thuốc, đừng nên buông suôi. Cai thuốc không bao giờ quá trễ. Nếu bỏ hút thuốc, bạn sẽ thấy khỏe hơn, sống lâu hơn, và giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi nhiều hơn. Cai thuốc không phải là chuyện dễ dàng. Những người muốn cai thuốc nên tìm sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè, từ những chương trình cai thuốc, và các chuyên viên y tế.
Tháng 11 là Tháng Nâng Cao Ý Thức về Ung Thư Phổi. Chi nhánh văn phòng BPSOS tại Falls Church sẽ tổ chức một buổi hội thảo về bệnh ung thư phổi và có chuyên viên y khoa thuyết trình và giải đáp tất cả thắc mắc của bạn. Tại đó sẽ có một bàn giới thiệu về những chương trình cai thuốc và để cung cấp những tài liệu nâng cao kiến thức về thuốc lá, và sẽ trưng bày những vật thể không gian 3 chiều để giải thích về những ảnh hưởng tai hại của thuốc lá. Để biết thêm chi tiết về ngày giờ của buổi thuyết trình này, xin liên lạc văn phòng của chúng tôi hoặc lên trang mạng http://www.bpsos.org/ vào cuối tháng 9.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]