Minh Công
Mỗi lần đi học về, bé Linh vẫy tay reo từ cổng “Hello mẹ”, “Hello ba”, “Hello bà”. Cô bé có thể nói, đọc và viết tiếng Anh thông thạo, nhưng tiếng Việt thì chỉ bập bẹ mấy câu.
Có lẽ nhiều gia đình Việt Nam sinh sống tại Mỹ gặp trường hợp tương tự, nhất là gia đình nào mà cả vợ lẫn chồng đều đi làm. Ngay từ khi các bé còn nhỏ, cha mẹ đã gởi các bé vào trung tâm giữ trẻ (daycare center) hoặc trường mầm non (pre-school). Các bé sử dụng tiếng Anh để tiếp xúc với thầy cô và bạn bè hàng ngày nên tiếng Anh của các bé rất lưu loát chỉ sau một thời gian ngắn. Khi về nhà, nhiều gia đình lại khuyến khích bé rèn luyện thêm tiếng Anh để không thua kém bạn cùng trang lứa. Phần lớn con em người Việt khi nhập học lớp 1 đã nói tiếng Anh lưu loát và đọc, viết tiếng Anh giỏi ngang với trẻ em Mỹ. Trình độ Việt ngữ của các em thì ít khi bằng trình độ Anh ngữ. Cha mẹ hay ông bà thường không nhận ra được hậu quả của việc tập trung quá mức vào việc rèn luyện tiếng Anh cho con cháu mình cho đến khi đã quá trễ.
Đa số các bậc cha mẹ Việt Nam tại Hoa Kỳ muốn các con được tiếp xúc với phương pháp học năng động, thoải mái của Mỹ, cũng như tiếp cận nền văn hóa đa sắc tộc. Họ cảm thấy tự hào vì con em sớm có cách suy nghĩ độc lập, sống tự giác và dạn dĩ trong cuộc sống. Ai cũng nghĩ rằng tiếng Anh giỏi thì con em có thể tiến thân mau hơn trong xã hội sau này. Tuy nhiên, càng lớn thì con cái càng có biểu hiện “quá sòng phẳng” trong quan hệ bạn bè hoặc họ hàng, thậm chí không nghe lời cha mẹ và thường xuyên tranh luận để bảo vệ ý của mình. Đối với nhiều bậc cha mẹ, ông bà đã thấm nhuần nền văn hóa truyền thống, đây sẽ là một cú sốc rất lớn. Mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình cũng từ đó bị ảnh hưởng.
“Có thể, cháu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối sống tự do thể hiện bản thân của văn hóa Mỹ nên trước bất cứ chuyện gì, cháu cũng đòi hỏi sự bình đẳng và câu trả lời xác đáng từ người lớn. Nhiều lúc, tôi thấy sợ khi thấy con gái biểu hiện cứ như một người trưởng thành, ngang vai vế với cha mẹ”, mẹ của bé Linh đã từng phải thốt lên như vậy về con gái cưng của mình. Chị cũng lo sợ con gái đang học lớp 4 của mình khi lớn lên sẽ quên đi những giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc cũng như nề nếp sinh hoạt của gia đình.
Chị cho biết thêm rằng bé Linh có thể kể ra vanh vách những nhân vật trong các show phim của Disney Network, biết rõ tên tuổi, sở thích của thành viên các ban nhạc trẻ (boy/girl bands) và có thể dành nhiều giờ lên mạng internet để coi Youtube, nhưng lại hoàn toàn mơ hồ về các giá trị, lễ nghi truyền thống trong gia đình và xã hội theo văn hóa Việt. Các câu truyện cổ tích ông bà kể bị cháu chê là khó hiểu và thường xuyên hỏi ngược về những chi tiết truyện, dựa theo cách nghĩ mới. Bé càng ngày càng sử dụng nhiều tiếng Anh trong nhà và xa cách dần những ai chỉ biết tiếng Việt như ông bà nội ngoại.
Để thay đổi tình trạng trên, đích thân chị và gia đình phải đi tìm mua rất nhiều sách truyện và đĩa nhạc thiếu nhi tiếng Việt để giúp bé Linh không quên ngôn ngữ và văn hóa Việt. Nỗi lo “quả chuối vàng”- những người Việt trẻ lớn lên ở hải ngoại bị mất gốc, hoàn toàn không biết gì về nến văn hóa hay tiếng Việt, và không có mối liên hệ tình cảm khắng khít với các thành viên trong gia đình – trở thành một mối âu lo thực sự không chỉ với gia đình bé Linh mà với rất nhiều gia đình Việt hiện đang sinh sống tại hải ngoại.
Hiện nay, phần lớn các gia đình có điều kiện đều muốn cho con học trường tư (private schools) xa nhà ngay từ khi còn nhỏ để trẻ tiếp cận với phương pháp học mới, phát huy tính sáng tạo và sử dụng ngoại ngữ đều. Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến nhiều phụ huynh và nhà sư phạm lo lắng là khả năng nói tiếng Việt và cách ứng xử theo văn hóa truyền thống của trẻ nhỏ.
Để có thể cân bằng giữa việc hòa nhập, phát triển và tiến thân trong xã hội, giữ gìn truyền thống và bản sắc dân tộc, các bậc cha mẹ và ông bà nên chú trọng đến việc giáo dục song song bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trong gia đình. Chúng ta khuyến khích con em tìm tòi và học hỏi tiếng bản địa, nhưng cũng cần đề ra những quy tắc để các bé tuân theo trong việc rèn luyện ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Ngoài ra, chúng ta phải theo dõi sát những thay đổi trong tâm lý của con em để uốn nắn kịp thời. Có điều kiện gửi con đi học ở trường tư thì tốt vì các cháu được tự do phát triển khả năng bản thân. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng con cái vẫn cần sự giáo dục và góp ý từ gia đình.
Chưa có cuộc nghiên cứu nào kết luận rằng các em học nhiều ngoại ngữ là không tốt. Tuy nhiên, những phụ huynh nào muốn con em mình thông thạo ngoại ngữ để sau này có thể hội nhập quốc tế mau mắn, thì nên chăm cho con em mình trau giồi ngôn ngữ mẹ đẻ ngay từ đầu. Có như vậy, các em mới thấy yêu quý văn hóa Việt và tiếng Việt hơn, và từ đó hòa nhập, phát huy và vươn lên trong xã hội hiện đại tại Hoa Kỳ.
Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền kinh tế vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038.
Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.