- Một mũi nhọn mới cho quốc tế vận vừa mở ra
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Bản thông cáo báo chí ngày 28 tháng 8 của các chuyên gia nhân quyền LHQ hàm chứa một ý nghĩa quan trọng: Xác nhận người Thượng ở Việt Nam là dân tộc bản địa.
Các chuyên gia LHQ viết: “Các chuyên gia nhân quyền độc lập hôm nay bày tỏ tình trạng báo động về việc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lạm dụng với tính cách phân biệt đối xử luật chống khủng bố đối với các sắc dân bản địa người Thượng và các nhóm tôn giáo thiểu số theo đạo Thiên Chúa ở Tây Nguyên.” Xem: https://www.ohchr.org/en/press-releases/2024/08/experts-condemn-misuse-counter-terrorism-law-against-montagnards-viet-nam
Chưa bao giờ LHQ khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát như vậy về đặc tính và quyền người bản địa đối với các sắc dân Thượng Tây Nguyên.
Hình 1 – Cô H’Biap Krong phát biểu tại phiên họp Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa, Geneva, tháng 7, 2024
Đó chính là trọng tâm vận động quốc tế của BPSOS trong hơn 12 tháng qua: nhà nước Việt Nam đàn áp người Thượng không chỉ vì niềm tin tôn giáo mà còn vì chính sách của nhà nước Việt Nam là không công nhận họ là người bản địa. Tại các buổi rà soát của LHQ và ngay tại phiên tòa về dẫn độ Ông Y Quynh Bdap, đại diện của nhà nước Việt Nam luôn khẳng định rằng ở Việt Nam không có người bản địa.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Cô H’Biap Krong, người Thượng tị nạn ở Thái Lan và là nhân viên BPSOS, đã được văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ tuyển chọn tham gia chương trình đào tạo 4 tuần về quyền người bản địa và được mời phát biểu tại Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa (Expert Mechanism on the Rights of Indigenous Peoples, EMRIP).
Tại phiên kết của buổi họp EMRIP, Cô H’Biap Krong đưa ra 3 nhận định về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với các sắc dân bản địa:
1. Việc chính quyền không áp dụng sự hội ý đồng thuận (consultation of consent) đối với người bản địa đã dẫn đến nhiều vụ chiếm đất của người bản địa mà không có sự đền bù thoả đáng.
2. Nhà nước tội phạm hoá hoạt động bảo vệ nhân quyền của các nhà hoạt động người bản địa.
3. Người bản địa trong nước Việt Nam bị đàn áp nặng nề, và tiếp tục bị đàn áp xuyên quốc gia khi ở ngoài nước.
Cả 3 nhận định này đều được đưa vào văn bản kết luận đề xuất của chủ tịch EMRIP.
Trước đó ít lâu, Bộ Công An Việt Nam cáo buộc vô căn cứ Cô H’Biap Krong là thành phần khủng bố. Điều này càng thôi thúc các chuyên gia LHQ chú ý hơn đến chiều kích người bản địa trong chiến dịch đàn áp người Thượng Tây Nguyên đang diễn ra ở Việt Nam.
Cuộc vận động quốc tế của BPSOS vừa đạt một mục tiêu chiến lược quan trọng: Chốt lại sự khẳng định mặc nhiên và công khai từ LHQ rằng người Thượng Tây Nguyên là người bản địa theo định nghĩa của LHQ và quyền người bản địa của họ phải được tôn trọng và bảo vệ.
Một mũi nhọn mới cho vận động quốc tế vừa được mở ra.
Cứ thế, mỗi chiến dịch đàn áp lại là cơ hội mở ra thêm mũi nhọn quốc tế vận.
Bài liên quan:
Chị H Biap Krong, cáo buộc khủng bố, và chiến thuật thất bại của Bộ Công an
Các chuyên gia LHQ: Người Thượng bị đàn áp ở Tây Nguyên, bị đe doạ ở Thái Lan
Y Quynh Bdap và người Thượng: Tại sao hai bức thư của LHQ có ý nghĩa quan trọng?