Vận động nhân quyền hậu bầu cử ở Hoa Kỳ: những bước chuẩn bị

Cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế – Châu Á do BPSOS đồng tổ chức ở Tokyo, ngày 22 tháng 7, 2024.

 

  • Đại sách lược cho phép quyền biến bất luận đảng nào nắm Hành Pháp hay Quốc Hội

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ có những quan tâm khác nhau về nhân quyền, và cử tri có thể ảnh hưởng mức độ quan tâm và chính sách của Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ. Quan trọng là những người Việt ở Hoa Kỳ quan tâm nhân quyền phải sẵn sàng khai thác mọi tình huống.

Bài viết này đưa ra một ví dụ dựa trên kinh nghiệm của BPSOS. Từ gần 25 năm qua, BPSOS tập trung vào 3 lĩnh vực nhân quyền: tự do tôn giáo, bảo vệ tị nạn và chống buôn người.

Trọng tâm nhân quyền khác nhau của các Hành Pháp và Quốc Hội

Đảng Cộng Hoà nói chung quan tâm nổi bật về tự do tôn giáo trong tất cả các lĩnh vực nhân quyền, nhưng lại ít quan tâm quyền của người lao động, và chủ trương giới hạn di dân dù là di dân hợp pháp và tái định cư hợp pháp người tị nạn.

Đảng Dân Chủ không phải không quan tâm nhưng đặt tự do tôn giáo thấp hơn những nhân quyền khác, như quyền của người lao động, người đồng giới hay chuyển giới, nạn nhân biến đổi khí hậu…

Trong suốt gần 25 năm qua, BPSOS đã theo một “đại sách lược” bao hàm cả 3 trọng tâm nhân quyền kể trên, nối kết chúng với nhau, và quyền biến chọn lĩnh vực mũi nhọn tuỳ tình huống chính trường Hoa Kỳ.

Những bước chuẩn bị cho tình huống hậu bầu cử

Nếu cựu Tổng Thống Donald Trump đắc cử, tân Hành Pháp Hoa Kỳ sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho phong trào tự do tôn giáo toàn cầu mà BPSOS là một thành phần trong ban chỉ đạo. Liên Minh Quốc Tế cho Tự Do Tôn Giáo, do Ngoại Trưởng Mike Pompeo khởi xướng dưới Hành Pháp Trump trước đây, sẽ phát triển số quốc gia thành viên – Liên minh này hiện có 37 thành viên chính thức cùng với 3 thân hữu và 3 quan sát viên.

Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ tích cực yểm trợ các nỗ lực của xã hội dân sự nhằm đối phó tình trạng đàn áp tự do tôn giáo nghiêm trọng, đặc biệt ở các chế độ cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Lào và Cuba.

Không những thế, nhiều nhà hoạt động trong lĩnh vực tự do tôn giáo mà chúng tôi đang hợp tác có triển vọng tham chính trong tân Hành Pháp để quán xuyến chính sách đối ngoại liên quan tự do tôn giáo quốc tế.

Tân Hành Pháp Cộng Hoà sẽ có khuynh hướng giảm đỉnh số tái định cư tị nạn, và có thể huỷ bỏ chương trình Welcome Corps. Cách đối phó của BPSOS gồm 3 nỗ lực song hành cho 5 tháng còn lại của Hành Pháp hiện hành:

  • Vận động CUTN/LHQ phối hợp với Hoa Kỳ để tái định cư những hồ sơ đã có quy chế tị nạn bao gồm 189 hồ sơ được BPSOS can thiệp về pháp lý từ hơn chục năm qua.
  • Chạy nước rút để đưa tối đa hồ sơ hợp lệ vào chương trình Welcome Corps; dù Welcome Corps bị đóng thì những hồ sơ đã được chấp thuận vẫn tiếp tục ở trong dòng chờ phỏng vấn tái định cư của chính phủ Hoa Kỳ.
  • Vận động Tổng Thống Biden ban hành Quyết Định của Tổng Thống (Presidential Determination) vào tháng tới, nâng đỉnh số nhận tái định cư tị nạn lên 135.000 cho tài khóa 2025 (bắt đầu ngày 1 tháng 10, 2024). Như thế dù tân Hành Pháp có rút xuống thì cũng không thể rút xuống quá nhanh và quá đáng.

Ngoài ra, BPSOS cũng chuẩn bị hồ sơ tị nạn để chứng minh rằng tuyệt đại đa số người Việt tị nạn là nạn nhân bị đàn áp tôn giáo khi còn ở Việt Nam, cho nên tái định cư họ là cần thiết của chính sách bảo vệ tự do tôn giáo mà Hành Pháp Cộng Hoà ủng hộ.

Nếu nữ Phó Tổng Thống Kamala Harris đắc cử, chính sách của tân Hành Pháp sẽ không thay đổi bao nhiêu so với hiện nay, nghĩa là tiếp tục quan tâm chừng mực đến quyền tự do tôn giáo. Khi ấy, tập hợp của những người và tổ chức quan tâm tự do tôn giáo sẽ phải tiếp tục vai trò mở đường và lôi kéo chính quyền theo sau, thông qua các liên minh như Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Roundtable), Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Summit), Mạng Lưới Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á (SEAFORB Network), v.v.

Đổi lại, vấn đề tái định cư tị nạn sẽ tiếp tục tăng. Dưới 3 năm rưỡi của Hành Pháp Biden, Bộ Nội An đã tăng gấp 3 số nhân viên phỏng vấn tái định cư tị nạn lên thành trên 300 nhân viên. Số nhân viên này đã phỏng vấn 80.000 người tị nạn chỉ trong 6 tháng đầu của tài khoá 2024, tái định cư hơn 74.000 người tị nạn trong 9 tháng đầu của tài khóa 2024, trong đó có 32.000 người tị nạn đã nằm trong dòng chờ quá 5 năm. Nhiều người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan được tái định cư trong đợt này.

Lĩnh vực quyền lao động

Nói chung, Đảng Dân Chủ quan tâm quyền của người lao động hơn Đảng Cộng Hoà. Tuy nhiên, quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong 2 năm qua là rút Việt Nam ra khỏi Cấp 3 và rồi nâng Việt Nam lên Cấp 2 về buôn người cho thấy Hành Pháp Biden đã đặt lợi ích địa chính trị lên trên quan tâm về quyền lao động.

Ngược lại, nếu chứng minh được rằng nạn buôn người gắn liền với an ninh quốc gia, rằng tình trạng thiếu quyền lao động ở Việt Nam dẫn đến cạnh tranh bất công với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế quốc gia thì lại có thể huy động sự hậu thuẫn của Đảng Cộng Hòa.

Kết luận

Người vận động cho nhân quyền cần lập kế hoạch kép để sẵn sàng khai dụng bất luận kết quả cuộc bầu cử sắp đến ở Hoa Kỳ. Kế hoạch kép của BPSOS kết cả 3 lĩnh vực trọng tâm vào với nhau:

  • Tự do tôn giáo là một nhân quyền quan trọng vì nó bao hàm nhiều nhân quyền khác. Không thể có tự do tôn giáo nếu không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do ấn loát, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do sở hữu tài sản… Qua lăng kính này, chúng ta có thể vận động một Hành Pháp Dân Chủ yểm trợ tự do tôn giáo mạnh mẽ hơn.
  • Đồng bào tị nạn ở Thái Lan là nạn nhân trực tiếp của chính sách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, tương tự cho nhiều thành phần tị nạn khác trên thế giới. Qua lăng kính này, chúng ta có thể vận động một Hành Pháp Cộng Hòa ưu tiên tái định cư người tị nạn là nạn nhân của đàn áp tôn giáo.
  • Rất nhiều nạn nhân buôn người đến từ các cộng đồng bị bách hại vì lý do tôn giáo, và nhiều cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam tham gia phòng, chống buôn người nên đã bị bách hại thêm bởi chính quyền. Cả nạn nhân lẫn người bảo vệ nạn nhân cần được bảo vệ. Qua lăng kính này, chúng ta có thể vận động Hành Pháp Cộng Hoà quan tâm hơn đến quyền lao động của những nạn nhân buôn người và các cộng đồng tôn giáo bảo vệ họ.

Đại sách lược này cho phép chúng ta thúc đẩy cả 3 lĩnh vực nhân quyền bất luận dưới Hành Pháp nào, vì có thể uyển chuyển chọn lĩnh vực mũi nhọn để kéo theo 2 lĩnh vực còn lại.

“Đại sách lược” này, một cách quyền biến, cũng áp dụng với Quốc Hội Hoa Kỳ.

Viết một bình luận