Chỉ còn 5 tháng trong năm 2024—người tỵ nạn tại Thái Lan ra sao?

Người tỵ nạn trong IDC. 

 

Hải Di Nguyễn

Năm 2024, cả thế giới cùng hồi hộp theo dõi cuộc đua tổng thống Mỹ. Một khía cạnh không phải ai cũng biết là việc ai đắc cử có thể ảnh hưởng lớn tới người tỵ nạn tại Thái Lan—Welcome Corps có nguy cơ bị bãi bỏ nếu ông Trump trở thành tổng thống.

BPSOS đang chạy nước rút để tiếp tục đẩy hồ sơ người tỵ nạn vào dòng chờ tái định cư của chính phủ Hoa Kỳ. “Tuy Welcome Corps chỉ đóng góp một phần nhỏ so với các cơ hội định cư khác mà BPSOS đang khai thác”, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết, “chủ trương của BPSOS là không bỏ lỡ một cơ hội nào.”

Vậy tình hình người tỵ nạn tại Thái Lan ra sao?

 

Đời sống bất an

Từ nhiều năm nay, người tỵ nạn tại Thái Lan phải sống trong lo sợ bất an: vẫn phải làm chui, vẫn bị xem là cư trú bất hợp pháp, vẫn phải trốn tránh cảnh sát ngay cả khi có quy chế tỵ nạn chính thức từ Cao ủy Tỵ nạn LHQ.

Chẳng hạn, ba chị em người H’mông Lầu Y Tòng, Lầu Y Lỳ, Lầu Y Hua bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn ở Nghệ An chỉ vì theo đạo Tin lành, và sang Thái Lan lánh nạn. Đời sống khó khăn, ba chị em chen chúc nhau trong một căn phòng hẹp, cùng bốn đứa trẻ con.

“Em là người tỵ nạn, không được phép ra ngoài đi làm… Là một người mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ, lại không biết tiếng, không ra ngoài được, không có tiền để mua thức ăn, mua sữa cho con”, Lầu Y Hua nói.

Bà Nguyễn Uyên Thùy, người sáng lập và đứng đầu tổ chức Hiến Pháp, nói trong nước mắt “[Chúng] tôi phải đi lượm rác để ăn.”

Càng bấp bênh hơn cho những ai không có quy chế tỵ nạn. Ông A Mich, người J’rai, cho biết “Từ khi bị từ chối [tỵ nạn], [tôi] lo âu, suy nghĩ, mất ngủ, đôi lúc mất ăn. Lo và cũng không ra ngoài nhiều được, sáng sớm cũng phải lắng nghe, sợ gõ cửa hay gì đó.”

Thái Lan không ký Công ước LHQ năm 1951 về người tỵ nạn. Từ tháng 9/2023, chính phủ Thái Lan triển khai chương trình cho người nước ngoài xin tỵ nạn, với lời hứa hẹn cung cấp nơi cư trú tạm thời cho người được chấp nhận, nhưng người tỵ nạn lo mình càng dễ bị trục xuất hoặc cưỡng ép hồi hương nếu bị từ chối.

Tình hình hiện nay lại càng nguy hiểm hơn khi công an Việt Nam sang lùng bắt người tỵ nạn, với sự phối hợp của cảnh sát hoàng gia Thái Lan.

 

Người tỵ nạn bị lùng bắt—anh Lù A Da bị bắt trước mặt con nhỏ

Anh Lù A Da bị bắt tháng 12/2023 (chúng tôi làm mờ ảnh để bảo vệ trẻ em). 

Tháng 11/2023, cảnh sát Thái Lan bố ráp bắt 11 người Thượng, trong đó 4 là thành viên tổ chức Người Thượng vì Công lý.

Chưa đầy hai tuần sau đó, ngày 7/12/2023, anh Lù A Da, thành viên tổ chức XHDS Hmong Human Rights Coalition (Liên minh Nhân quyền Người H’mông) bị cảnh sát Thái Lan bắt ngay trước nhà và trước mặt cô con gái 9 tuổi. Vợ anh kể “Con nói là cảnh sát muốn bắt bố đi, con cứ khóc to, con ôm bố không cho đi, nhưng họ cứ bắt đi thôi.”

Anh Lù A Da bị đưa vào IDC (trại giam của Sở Di trú Thái Lan), và ra ngày 2/2/2024 sau khi đóng tiền phạt 50,000 baht (khoảng 1,400 USD).

Ngày 1/8/2024, anh cho biết hiện nay có 45 người H’mông trong IDC.

Trong năm nay, cảnh sát Thái Lan cũng bắt giữ một số người Thượng.

 

Công an Việt Nam qua Thái Lan

Tháng 3/2024, người tỵ nạn lại càng lo lắng khi gặp phái đoàn công an Việt Nam tại Thái Lan, trong đó có Thiếu tướng Rahlan Lâm (còn viết là Rah Lan Lâm), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai và Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk.

Các nhân chứng cho biết, cảnh sát Thái Lan tới nhà gõ cửa và đưa họ tới nói chuyện với công an Việt Nam. Cũng theo các nhân chứng, trong khi ông Rahlan Lâm đang ngon ngọt lôi kéo người tỵ nạn hồi hương, hứa hẹn không truy tố, ông Y Lương Niê lại đi loanh quanh dò hỏi “Ở đây có bao nhiêu người Việt Nam? Có người Thượng sống ở khu nào nữa không? v.v.” và truy bắt 8 người Thượng.

Một người kể “Tôi thấy Y Lương Niê lấy hình ảnh từ điện thoại, ông hỏi tôi và hỏi cả khu Bang Len ở đó… có biết người này không? Thấy lệnh truy nã.”

Trong số đó có anh Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý.

 

Anh Y Quynh Bdap và nguy cơ bị dẫn độ

Anh Y Quynh Bdap bị bắt tại Thái Lan ngày 11/6/2024, tròn một năm từ vụ xả súng tại hai đồn cảnh sát ở Đắk Lắk mà anh bị cáo buộc có liên quan.

Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy anh Y Quynh Bdap đứng sau vụ xả súng. Một “bằng chứng” mà Bộ Công an trước đây đưa ra trên trang Facebook Krông Pắc Quê Tôi, kèm lệnh truy nã, là hình anh cầm súng nhưng chúng tôi đã kiểm chứng—đó là súng giả bắn đạn nhựa tại một quầy hàng ở Bangkok. Theo chúng tôi được biết, Bộ Công an không còn dùng “bằng chứng” này.

Hiện bị giam giữ tại IDC, anh Y Quynh Bdap đã phải đối mặt với phiên tòa về cáo buộc “lưu trú quá hạn” vào ngày 5/8, và hiện nay đang có phiên xử quyết định trục xuất.

 

Cập nhật tái định cư người tỵ nạn

Trong bài viết “Cập nhật nỗ lực vận động tái định cư đồng bào tị nạn”, chúng tôi đã cho biết 259 đồng bào được Cao ủy Tỵ nạn LHQ giới thiệu vào dòng chờ tái định cư của các chính phủ:

  • Hoa Kỳ: 216 người (165 Thượng, 34 Khmer Krom, 10 H’mông, 7 Việt)
  • Canada: 11 người (11 Thượng)
  • Australia: 20 người (4 Hmong, 5 Thượng, 10 Khmer Krom, 1 Việt)
  • New Zealand: 12 người (5 Thượng, 7 Khmer Krom)

Ngoài ra, BPSOS cũng giới thiệu người tỵ nạn với các nhà hảo tâm và giúp họ lập hồ sơ bảo trợ tư nhân:

  • Canada: 28 hồ sơ, gồm tổng cộng 61 người (57 Thượng, 4 Việt), đã hoàn tất thủ tục và đang chờ đến phiên gọi phỏng vấn
  • Hoa Kỳ (Welcome Corps): 8 hồ sơ, gồm 27 người (15 H’mông, 12 Việt), được chấp thuận và chờ đến phiên mở hồ sơ phỏng vấn

Tổng cộng là 347 đồng bào đã vào dòng chờ tái định cư theo con đường chính phủ hoặc con đường bảo lãnh tư nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tỵ nạn chưa có nhóm bảo trợ và chưa biết tương lai ra sao.

 

Chỉ còn 5 tháng: người Việt có thể làm gì để giúp?

Refugees in IDC 2024 2 lam mo

Người tỵ nạn trong IDC (chúng tôi làm mờ ảnh để bảo vệ trẻ em). 

Trong những tháng cuối cùng của năm 2024, đặc biệt với tình huống xấu nhất Welcome Corps bị bãi bỏ, BPSOS đang chạy nước rút để hỗ trợ người tỵ nạn tham gia chương trình này, thêm người nào hay người ấy.

Các nhà hảo tâm thương xót số phận đồng bào tại Thái Lan và có khả năng, xin hãy cùng nhau lập nhóm 5 người bảo trợ. Chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn và hỗ trợ quá trình này, xin liên lạc This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Một cách khác để hỗ trợ người tỵ nạn là giúp khoản tiền phạt họ phải trả để ra khỏi đất nước Thái Lan.

Anh Jordan Smith, hiện làm việc toàn thời gian cho tổ chức nhân quyền CSW và bán thời gian cho BPSOS, giải thích:

“Theo luật pháp Thái Lan, nếu bạn ở quá hạn visa, sẽ có tiền phạt tính theo bao nhiêu ngày quá hạn. Số tiền phạt được giới hạn ở mức 20,000 baht [gần 600 USD]. Đó là số tiền rất lớn, và cộng lại trong một gia đình lại càng cao vì đó là tiền phạt tính theo mỗi đầu người.”

Không có tiền, sẽ phải trả bằng cách ngồi tù— trong điều kiện chật chội, ngột ngạt, thiếu vệ sinh của IDC—mỗi ngày tương đương 500 baht, 20,000 baht là 40 ngày.

 

Bản thân người tỵ nạn có thể làm gì?

Trong thời gian này, người tỵ nạn chưa được vào dòng chờ cũng nên liên lạc với thân nhân và bạn bè và tìm cách tự thành lập nhóm bảo trợ nếu có thể.

Xin liên lạc This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. nếu cần hỗ trợ về Welcome Corps. 

Viết một bình luận