Hội nghị thượng đỉnh ở Nhật về tự do tôn giáo quốc tế: Phát triển phong trào sang Châu Á

Tổng Thống Đài Loan Lại Thanh Đức phát biểu trực tuyến tại hội nghị.

 

  • Xây dựng trục chiến lược của các quốc gia dân chủ ở Châu Á

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Summit, IRF Summit) – Khu Vực Châu Á tổ chức ở Tokyo ngày 22 tháng 7 vừa qua nằm trong kế hoạch phát triển phong trào bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo toàn cầu. Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là vận động 3 cường quốc dân chủ ở châu Á vào cuộc: Nhật, Hàn Quốc, và Đài Loan.

Chủ trương của IRF Summit

Chúng tôi đây là Ban Chỉ Đạo của IRF Summit, mà BPSOS là một thành viên tiên khởi. Chủ trương của chúng tôi là phát triển phong trào toàn cầu tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, gọi tắt là tự do tôn giáo.

Chúng tôi tổ chức hội nghị IRF Summit lần đầu ở thủ đô Hoa Kỳ năm 2021 với 800 tham dự viên đến từ hơn 30 quốc gia. Mỗi năm hội nghị tiếp tục được tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ với số người và số quốc gia tham gia đều tăng. Số người tham gia năm 2024 lên trên 1,500 người đến từ hơn 40 quốc gia.

Năm 2023 chúng tôi mở thêm hội nghị khu vực Châu Á, tổ chức ở Đài Loan.

Tại sao Châu Á?

Châu Á là nơi tình trạng đàn áp tự do tôn giáo rất nghiêm trọng. Trong số 5 chế độ cộng sản còn tồn tại trên thế giới thì hết 4 là ở Châu Á: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Lào. Ở Châu Á có 2 chính quyền diệt chủng: Trung Quốc và Miến Điện. Cả hai bị quốc tế chỉ định là chế độ diệt chủng đối với tín đồ Hồi Giáo.

Đối lại, Châu Á có 3 quốc gia dân chủ và cũng là cường quốc kinh tế nhưng mới chỉ đứng bên lề của phong trào: Nhật, Hàn Quốc, và Đài Loan. Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là thúc đẩy sự tham gia sâu hơn của 3 quốc gia này bao gồm cả xã hội dân sự lẫn chính quyền.

Bàn tròn tự do tôn giáo quốc tế

Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là lập “bàn tròn tự do tôn giáo quốc tế” ở mỗi quốc gia này. Bàn tròn là diễn đàn định kỳ, họp mỗi tuần hay mỗi tháng, để qua đó thu hút thêm các chuyên gia, các người hoạt động tôn giáo, các nhà vận động nhân quyền cùng nhau chia sẻ thông tin, đối tác cùng nhau, và đối tác với chính quyền.

Hiện nay, hơn chục bàn tròn như vậy đã hoạt động ở nhiều quốc gia. Bàn tròn tự do tôn giáo Việt Nam, hoạt động từ 2016, đã và tiếp tục tạo cơ hội hợp tác giữa các cộng đồng tôn giáo đa dạng để cùng thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cho mọi người Việt ở Việt Nam.

Nhưng ở 3 quốc gia dân chủ Châu Á kể trên thì lại chưa có.

Những thành tựu

Cách riêng, tại hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, BPSOS góp tiếng nói nhắc nhở số 150 tham dự viên rằng Việt Nam là một trong 4 thể chế cộng sản còn lại ở Châu Á, và mọi chế độ cộng sản đều chủ trương khống chế nếu chưa thể tiêu diệt tôn giáo, mọi tôn giáo. BPSOS cũng nhắc nhở mọi người quan tâm bảo vệ nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo đã đào thoát: những người tị nạn. Chẳng hạn, 90% những người tị nạn ở Thái Lan là nạn nhân đàn áp tôn giáo ở quốc gia nguyên quán.

Sau đó, đại diện của Ban Chỉ Đạo IRF Summit đã họp riêng với lãnh đạo của Religions for Peace, một tổ chức tầm vóc quốc gia và quốc tế có trụ sở ở Tokyo. Tổ chức này đồng ý triệu tập bàn tròn tự do tôn giáo quốc tế Nhật Bản.

Sau đó, tôi đã sang Đài Loan và họp với lãnh đạo của Taiwan Foundation for Democracy (TFD), tổ chức hàng đầu về nhân quyền và dân chủ ở quốc gia này. TFD bày tỏ ý muốn tham gia và sẽ có buổi họp với Ban Chỉ Đạo của IRF Summit vào tuần tới.

Lợi ích gì cho người dân Việt Nam?

Các thể chế độc tài thường cấu kết với nhau trong chiến tuyến chung để vừa duy trì sự thống trị trong nước vừa bào mòn các thể chế dân chủ, mà họ luôn xem là thế lực thù địch. Trong khi đó, các chính quyền dân chủ theo đuổi chính sách đoản kỳ và cho lợi ích riêng và  các nhóm trong xã hội dân sự hoạt động manh mún, chưa là đối trọng với thế lực độc tài.

Cách đây 7 năm, một nhóm nhỏ những người ở Hoa Kỳ nhưng hoạt động quốc tế cùng nhau khởi dựng phong trào toàn cầu cho tự do tôn giáo quốc tế với chủ trương tự do tôn giáo cho mọi người, ở mọi nơi và tại mọi thời điểm.

Chúng tôi chọn tự do tôn giáo – đúng ra, gọi cho đầy đủ là quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo – vì nó bao gồm các quyền khác như tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do báo chí… Thiếu một trong những quyền này thì không thể có tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo.

Tạo phong trào quốc tế cho tự do tôn giáo là cách đẩy lùi sự công phá của các thể chế độc tài trên bình diện quốc tế và cải thiện tình trạng bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo dưới từng chế độ độc tài, như ở Việt Nam.

 

Bài liên quan:

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2024: Nói gì về Việt Nam và Trung Quốc?

Viết một bình luận