Nhà báo Trương Duy Nhất tại tòa năm 2020 (Nguồn: Báo Công an).
Hải Di Nguyễn
Ngày 26/6/2024 vừa qua, LHQ đã công bố báo cáo của bà Irene Khan – Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt – về các nhà báo lưu vong và những nguy hiểm, những sự đàn áp họ phải đối mặt.
Trong báo cáo có nhắc tới Việt Nam.
Báo cáo nói gì?
Ai là nhà báo lưu vong?
Báo cáo định nghĩa nhà báo lưu vong không chỉ là các nhà báo và nhà phân tích chuyên nghiệp và toàn thời gian, mà cũng bao gồm nhà báo độc lập, blogger, người đưa tin trên internet.
Nhiều nhà báo phải lánh nạn ở quốc gia khác vì bị đàn áp ở nước họ, và tiếp tục công việc khi lưu vong vì đó là “một cách bảo tồn công cuộc tranh đấu vì sự thật, công lý, và dân chủ.” Tuy nhiên, họ vẫn không an toàn và các nhà nước độc tài vẫn tìm nhiều cách đe dọa và bóp nghẹt tự do báo chí từ xa.
Luật quốc tế
“Các quốc gia thường xuyên dùng luật về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hoặc đạo đức cộng đồng để hạn chế các thông tin có lợi cho công chúng (public interest) hoặc nhằm dập tắt lời chỉ trích chính phủ.”
Những thông tin đó có thể là vấn đề bầu cử, tham nhũng, hoặc đàn áp nhân quyền.
Một điểm đáng chú ý là Báo cáo viên Đặc biệt Irene Khan nói nhà báo có quyền được bảo vệ theo luật quốc tế để không bị dẫn độ và trục xuất, “nếu có nỗi lo sợ chính đáng về việc bị ngược đãi vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hoặc là thành viên một nhóm xã hội, bất kể họ có chính thức xin tỵ nạn hay không.” Báo cáo cũng nói “Ngay cả khi các nhà báo không đủ điều kiện xin tỵ nạn, họ vẫn được luật pháp quốc tế bảo vệ để không bị buộc trở lại lãnh thổ nơi họ có thể bị tra tấn hoặc ngược đãi.”
Vấn đề xảy ra với các nhà báo lưu vong không phải là do khuôn khổ pháp lý quốc tế, mà do các quốc gia không tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.
Đàn áp xuyên quốc gia
Cụm từ này dùng khi các quốc gia vi phạm nhân quyền ngoài lãnh thổ của mình, nhằm đe dọa và bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong cộng đồng hải ngoại và những người lưu vong. Khái niệm này bao gồm các mối đe dọa về thể chất, pháp lý, và kỹ thuật số, như đánh đập, giết chết, dẫn độ, truy tố vắng mặt, theo dõi trên mạng, hack, ngăn chặn trang web, gián đoạn kết nối internet, v.v.
Đàn áp xuyên quốc gia ảnh hưởng để tự do ngôn luận và tự do báo chí, cản trở việc đưa tin, khiến các nhà báo sống trong lo âu sợ hãi, và cũng dẫn đến việc nhà báo tự kiểm duyệt.
Bạo lực: ám sát, đánh đập, bắt cóc
Nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, khi phát biểu tại chương trình của POMED về Ả Rập Xê Út (Nguồn: Wikipedia, Mohammed bin Salman’s Saudi Arabia: A Deeper Look).
Ví dụ trắng trợn và gây sốc nhất là vụ giết chết nhà báo lưu vong Jamal Khashoggi tạ Sứ quán Ả Rập Xê Út ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không đề cập trong báo cáo, nhưng vụ giết nhà báo gây chấn động này đã dẫn tới Biện pháp chế tài Khashoggi của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm trừng phạt thủ phạm các vụ đàn áp xuyên quốc gia.
Báo cáo nhắc tới các vụ sách nhiễu, đe dọa, bắt cóc đem về nước, đầu độc, v.v.
Các mối đe dọa trên mạng: theo dõi, phá rối
Các hình thức đàn áp xuyên quốc gia qua mạng có thể là tấn công trực tuyến; dọa giết, dọa cưỡng hiếp; tiết lộ thông tin cá nhân (doxing hay doxxing); chiến dịch bôi nhọ và phỉ báng (đặc biệt liên quan đến vấn đề tình dục, với các nữ nhà báo); tấn công và phá đám bằng các đội quân troll trên mạng (như dư luận viên); chặn trang web; theo dõi qua mạng; ăn cắp thông tin cá nhân và dùng để sách nhiễu ai đó hoặc giết chết danh tiếng họ, đặc biệt phụ nữ từ các nước bảo thủ, v.v.
Trong phần này, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ có đưa ra một ví dụ Việt Nam: ông Lê Trung Khoa, Tổng Biên tập trang thoibao.de, bị cài phần mềm gián điệp Predator thông qua Twitter/ X. Trang web của ông bị chặn ở Việt Nam, còn các trang Facebook và YouTube thường xuyên bị tin tặc tấn công.
Các mối đe dọa pháp lý: truy tố, dẫn độ, trả thù
Một mối nguy hiểm khác các nhà báo lưu vong có thể phải đối mặt là về pháp lý: nguy cơ bị điều tra, truy tố, và xét xử vắng mặt, và bị dẫn độ về nước.
Báo cáo nói “Một số chính phủ sử dụng các luật lệ mơ hồ, lỏng lẻo về an ninh quốc gia, chống khủng bố, tội phỉ báng, hoặc “tin giả” để điều tra, truy tố, và trừng phạt các nhà báo, kể cả những người đang lưu vong.” Một số quốc gia cũng “vũ khí hóa hệ thống pháp luật và tư pháp để bịt miệng các nhà báo lưu vong” bằng cách truy bắt họ qua lệnh truy nã đỏ của Interpol.
Đàn áp thông qua gia đình
Một hình thức đàn áp xuyên quốc gia khác và đe dọa và trả thù các nhà báo bằng cách sách nhiễu gia đình, bạn bè, và nguồn tin của họ.
Vấn đề bảo vệ các nhà báo lưu vong
Trong phần này, bản báo cáo nói về những khó khăn và thách thức các nhà báo lưu vong gặp phải: vấn đề giấy tờ, thị thực, xin tỵ nạn, v.v. Báo cáo viên Đặc biệt Irene Khan cho rằng, đối xử với các nhà báo như mọi người tỵ nạn khác là có vấn đề, vì không tính tới những mối đe dọa và thách thức xảy ra với riêng các nhà báo, như bị theo dõi, giám sát, tấn công qua mạng, v.v.
Vấn đề an ninh càng bị đe dọa gấp đôi khi chính nhà nước sở tại thông đồng với nhà nước quê nhà của các nhà báo. Báo cáo viên Đặc biệt đưa một ví dụ khác về Việt Nam: trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và bàn giao cho phía Việt Nam, mà không có phiên xét xử dẫn độ công bằng và công khai.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo là, cáo buộc về tội phạm và tội khủng bố, ngay cả khi không dẫn tới việc dẫn độ và trục xuất, có thể khiến nước sở tại xem nhà báo đó là mối đe dọa về an ninh, hoặc có tác động xấu đến quá trình xin thị thực, tỵ nạn, hoặc tái định cư.
Công nghệ số: trách nhiệm của các công ty về nhân quyền
Báo cáo nhắc đến việc một số chính phủ thao túng các luật lệ của mạng xã hội, buộc họ chặn hoặc gỡ bỏ bài viết, nhưng khi các nhà báo than phiền, các công ty này lại làm ngơ. Một số trang web của người lưu vong cũng thấy bài viết bị hạn chế tiếp cận trên mạng xã hội, không nhiều người thấy.
Báo cáo không nhắc tới quốc gia nào cụ thể, nhưng Facebook là mạng xã hội nhiều lần bị cáo buộc hợp tác với các nước độc tài. Năm 2023, tờ Washington Post có một bài viết với tựa đề “Facebook giúp đem lại tự do ngôn luận cho Việt Nam. Bây giờ nó giúp dập tắt ngôn luận.”
Các thử thách cho nhà báo lưu vong
Báo cáo viên Đặc biệt Irene Khan nhắc tới những khó khăn như không có giấy phép lao động; khó khăn tài chính; bị chia cắt khỏi người thân; bị cắt khỏi khán giả, độc giả, và người tài trợ; lo lắng về an toàn cá nhân, lo lắng người thân ở nhà bị trả thù; và nhiều thử thách khác.
Khuyến nghị
Báo cáo viên Đặc biệt LHQ có khuyến nghị cho nhiều nhóm khác nhau.
Các quốc gia phải bảo đảm để mọi nhà báo không bị bạo hành, đe dọa, sách nhiễu, hoặc bị gửi trả về nước vì công việc của họ; không thực hiện, thông đồng, hoặc dung túng các hình thức đàn áp xuyên quốc gia; trừng phạt những kẻ có hành vi đàn áp xuyên quốc gia; thừa nhận rằng các nhà báo lưu vong đủ tiêu chuẩn tỵ nạn phải đối mặt với rủi ro riêng, và bảo đảm họ có sự bảo vệ và hỗ trợ phù hợp…
Các mạng xã hội cần bảo đảm xử lý khiếu nại kịp thời; thực hiện thẩm định để xác định mức rủi ro đàn áp xuyên quốc gia qua mạng xã hội để có biện pháp giảm thiểu; xác định thủ phạm đàn áp xuyên quốc gia.
Các tổ chức XHDS được khuyến khích hợp tác và hỗ trợ các kênh truyền thông của nhà báo lưu vong, tăng an ninh và khả năng tồn tại lâu dài của các phương tiện truyền thông.
Báo cáo viên Đặc biệt Irene Khan cũng khuyến nghị cho Cao ủy Tỵ nạn (UNHCR), Cao ủy Nhân quyền (OHCHR), và UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ) tăng cường hợp tác với nhau và với các bên liên quan ở những nơi có rủi ro cao cho nhà báo lưu vong; bảo đảm áp dụng Kế hoạch hành động của LHQ về sự an toàn của nhà báo và vấn đề miễn trừ (UN Plan of Action on the Safety of Journalists and the Issue of Impunity) để chống lại việc miễn tội cho những tội ác thực hiện với nhà báo lưu vong, bao gồm việc đàn áp xuyên quốc gia; và phối hợp với nhau để nghiên cứu về vấn đề liên quan tới các nhà báo và cơ quan truyền thông lưu vong.
Đọc toàn bản báo cáo ở đây.