Chương trình tái định cư “cựu thuyền nhân” vào Canada: 40% đến 60% sai phạm hoặc gian lận

  • BPSOS công bố những phát hiện sau 20 tháng điều tra

Thông Cáo Báo Chí của BPSOS
Ngày 14 tháng 6, 2024

http://machsongmedia.com

Kết quả điều tra của BPSOS cho thấy 43 người thuộc 22 hồ sơ đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Canada dưới một chương trình định cư nhân đạo dành riêng cho những người Việt sống vất vưởng “không quy chế” kể từ ngày họ đến đào tị ở Thái Lan.

“Đây là phát hiện sau 20 tháng thu thập, phối kiểm và đối chiếu dữ liệu từ nhiều nguồn,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS và là người thực hiện cuộc điều tra, giải thích. “Chúng tôi thấy tình trạng gian lận trong chương trình này là phổ biến và có hệ thống.”

Cuối năm 2012, Bộ Di Trú Canada ký Biên Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding, MOU) với Liên Hội Người Việt Canada về chương trình định cư nhân đạo đặc biệt và ngắn hạn này. Liên Hội Người Việt Canada giao toàn bộ trách nhiệm thực hiện MOU cho VOICE và VOICE Canada.

Theo phân tích của bản báo cáo, sự lập lờ giữa một đằng là quy định về thành phần đối tượng trong MOU và đằng kia là các tiêu chí chọn người tham gia trong phụ đính của MOU đã mở đường cho nhiều sai phạm và gian lận.

Hình 1 – Đoàn 19 người đến Canada ngày 23/09/2016, trong đó 12 người bất hợp lệ (ảnh lấy từ trang SBS)

Thành phần đối tượng

MOU quy định thành phần đối tượng của chương trình tái định cư nhân đạo là những người Việt đã chạy sang Thái Lan lánh nạn và đang cư trú ở Thái Lan trong “tình trạng không quy chế.”

Không quy chế nghĩa là không có tư cách hợp pháp ở Việt Nam, ở Thái Lan hoặc ở bất ký quốc gia nào và cũng không được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ công nhận tư cách tị nạn. Nói cách khác, đây là những người ở cũng không được, hồi hương cũng không xong, và cơ hội đến một quốc gia đệ tam cũng không có. Tình trạng sống vất vưởng của họ là vô hạn định.

Trả lời cuộc phỏng vấn bởi BPSOS vào tháng 2 năm 2013, Ts. Lê Duy Cấn, người thay mặt Liên Hội Người VIệt Canada ký MOU mấy tháng trước đó, giải thích: “Liên Hội Người Việt Canada mới ký giấy tờ với chính phủ Canada cho những người đã ở Thái Lan trước năm 1992… [họ] ở Thái Lan trên 20 năm.”

Vì không quy chế hợp pháp, những người thuộc thành phần đối tượng đã không thể hồi hương và cũng không thể di chuyển đến quốc gia nào khác mà phải chôn chân trên đất Thái. Điều này không loại trừ những ai lén xoẹt về Việt Nam hoặc sang một quốc gia lân bang trong khoảnh khắc rồi quay lại Thái Lan.

Tiêu chí chọn người tham gia

Người thuộc thành phần đối tượng là yếu tố cần nhưng chưa đủ để tham gia chương trình tái định cư nhân đạo mà còn phải hội đủ cả 6 tiêu chí chọn lọc ghi trong Phụ Đính A của MOU: rời khỏi Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1984 đến 1991; tên được nộp cho Bộ Di Trú Canada trong năm 2008; được chính phủ Thái Lan cấp phép xuất cảnh; chứng minh được khả năng hội nhập vào xã hội Canada; có người bảo trợ; và hoàn tất thủ tục nộp đơn bảo trợ trong vòng 18 tháng kể từ ngày MOU được ký. Điều kiện cuối cùng này sau đó được gia hạn thêm 12 tháng.

Ngoài ra, Phụ Đính A còn quy định tiêu chí cho những thành viên gia đình nào được cứu xét cùng với người đứng tên hồ sơ.

Các dấu hiệu vi phạm

Cuộc nghiên cứu đã tiếp cận thông tin của 30 hồ sơ mà BPSOS truy ra được, gồm 71 người trong số 108 người đã được tái định cư vào Canada theo MOU.  Trong số đó, hồ sơ không hợp lệ nếu người đứng tên:

  • Đã không đến Thái Lan từ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1984 đến 1991; hoặc
  • Không đang ở Thái Lan vào thời điểm năm 2008; hoặc
  • Có giấy tờ hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào hoặc có quy chế tị nạn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ.

Sự lập lờ

Khi bị chất vấn, những tổ chức và cá nhân trách nhiệm về thực thi MOU đã:

  • Lờ đi quy định về thành phần đối tượng mà chỉ nêu “6 điều kiện” của MOU để biện minh cho việc bao gom luôn những người có giấy tờ hợp pháp của Việt Nam, Campuchia, hoặc Thái Lan, thậm chí cả những người chưa hề là thuyền nhân hay bộ nhân.
  • Giải thích trại đi các tiêu chí chọn người tham gia, trong đó có nhiều người vào năm 2008 đang sống ở Việt Nam hoặc ở Campuchia. Thậm chí có không ít người chỉ sang Bangkok để phỏng vấn với nhân viên di trú Canada rồi về lại nguyên quán; sau đó, họ chỉ trở lại Bangkok để lên đường đi Canada.

Theo Ts. Thắng, nếu lấy con số 43 người có dấu hiệu sai phạm đối chiếu với tổng cộng 108 người đã được tái định cư Canada thì tỉ lệ sai phạm là 40%, chưa kể 3 hồ sơ gồm 8 người đang trong vòng phối kiểm thông tin nên chưa đưa vào bản báo cáo.

Nhưng nếu tính theo số 71 cá nhân thuộc 30 hồ sơ mà BPSOS đã tiếp cận thông tin cho cuộc điều tra thì tỉ lệ sai phạm là 61%. Con số này là khả dĩ vì riêng chuyến bay gồm 19 người tái định cư ngày 23 tháng 9, 2016 thì đã có hết 12 người với dấu hiệu sai phạm — tỉ lệ sai phạm là 63%.

Pic2_-_06-14-2024.jpg

Hình 2 – Buổi họp báo ở Bangkok, Thái Lan với 19 người trước khi họ lên đường đi Canada ngày 23 tháng 9, 2016 (nguồn SBTN)

Các sai phạm tiếp diễn

Cuối năm 2022, VOICE và VOICE Canada tuyên bố đã tái định cư “vớt” thêm 14 “cựu thuyền nhân” theo chương trình bảo lãnh tư nhân bình thường của Canada. Cuộc điều tra cho thấy trong số đó có 9 người thuộc 4 hồ sơ với dấu hiệu khuất tất: 5 người không hề là cựu thuyền nhân như được tuyên bố, 1 người là cựu thuyền nhân nhưng nguỵ tạo hồ sơ, 2 người đã phải nhờ người quen trả một khoản tiền lớn, và 1 người được gửi gắm đặc biệt bởi một vị linh mục có ảnh hưởng. Tỉ lệ hồ sơ có dấu hiệu khuất tất là 64%.

“Cuộc điều tra cũng cho thấy có người đã bị kẹt lại vì không đủ khả năng đóng khoản tiền lên đến hơn chục nghìn Mỹ kim,” Ts. Thắng cho biết.

Thành phần trách nhiệm

Bản báo cáo nhắc nhở rằng trách nhiệm cho sự sai phạm, gian lận là nơi tổ chức và cá nhân thực thi MOU. Nạn nhân của sự đàn áp thường phải bằng mọi cách thoát hiểm và có thể đã không hiểu gì về các quy định và tiêu chí của MOU.

“Trong số hồ sơ mà chúng tôi tiếp cận cho cuộc điều tra, nhiều người tôi đã từng biết khi họ còn ở trại Sikiew và tiếp tục giữ liên lạc sau khi họ hồi hương,” Ts. Thắng cho biết.

BPSOS đã hỗ trợ tài chính cho một số ít trong số người hồi hương này khi bị tù đày ở Việt Nam. Nhiều cựu thuyền nhân khi quay lại Thái Lan vào năm 2011 đã liên lạc với BPSOS để được trợ giúp về pháp lý, phương tiện và đời sống. Qua sự can thiệp pháp lý của BPSOS, một số ít được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ công nhận tư cách tị nạn và đã định cư ở Úc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều người bị từ chối tư cách tị nạn nên kẹt lại ở Thái Lan.

“Tôi tin rằng họ đã bị từ chối tư cách tị nạn một cách bất công và xứng đáng được hưởng tự do ở quốc gia đệ tam, nhưng không phải qua con đường MOU,” Ts. Thắng nhận định. “Những sai phạm bởi tổ chức và cá nhân thực thi MOU đã làm mất cơ hội chỉ có một lần của những người thực sự sống vất vưởng vô hạn định ở Thái Lan.”

Bản báo cáo bằng tiếng Anh dài 35 trang kèm với 27 phụ đính trên một trăm trang được viết một cách cô đọng để phục vụ hành động pháp lý và vận động chính sách.

“Chúng tôi sẽ có những bài viết chi tiết và dễ hiểu để giải thích từng điểm khuất tất dẫn đến tình trạng gian lận phổ biến và ảnh hưởng của nó lên những cựu thuyền nhân và bộ nhân tiếp tục kẹt lại ở Thái Lan,” Ts. Thắng nói.

Pic3_-_06-14-2024.jpg

Hình 3 – Những con người sống vất vưởng vô hạn định ở Thái Lan, ngày 5 tháng 5, 2023 (nguồn từ Sean Le TV)

Thông tin liên quan:

Bản báo cáo kết quả điều tra (tiếng Anh): https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/06/Report-on-immigration-fraud-May-31-2024.pdf

BPSOS phỏng vấn Ts. Lê Duy Cấn ngày 18 tháng 2, 2013: https://bpsosrcs.wordpress.com/2013/02/18/chuong-trinh-bao-lanh-tu-nhan-dinh-cu-tai-canada-2/

Viết một bình luận