Các mốc thời gian của UPR – chu kỳ IV cho Việt Nam (Nguồn: upr.info).
Hải Di Nguyễn
Chỉ vài ngày nữa, ngày 7/5/2024, nhà nước Việt Nam sẽ có phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Trong bài viết trước, tôi đã giải thích về Kiểm định UPR và tại sao nhà nước lẫn người Việt Nam đều quan tâm.
Nhưng các tổ chức XHDS có thể tác động đến UPR như thế nào?
Xóa bỏ một số hiểu lầm về XHDS ở UPR
Một điều cần chú ý là các tổ chức XHDS không có vai trò gì và thậm chí không được tham dự phiên Kiểm định UPR, trừ trường hợp đặc biệt.
Tại một số phiên rà soát nhà nước Việt Nam, chẳng hạn như về Công ước Bãi bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, viết tắt CERD) vào tháng 11/2023 vừa qua, các tổ chức XHDS có thể có mặt và theo dõi trực tiếp phiên rà soát. Trước phần một phiên rà soát CERD, các tổ chức XHDS có buổi họp ngắn với một số thành viên Ủy ban CERD để trả lời câu hỏi và cập nhật thông tin phút chót; sau phần một, có thể cung cấp thông tin và tài liệu cho thấy phái đoàn nhà nước Việt Nam lấp liếm hoặc không trung thực như thế nào, để Ủy ban tiếp tục chất vấn trong phần hai phiên rà soát.
Điều đó sẽ không xảy ra ở phiên Kiểm định UPR sắp tới.
Chỉ những tổ chức XHDS có quyền tham vấn cho ECOSOC (United Nations Economic and Social Council, tức Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ) mới được tham dự UPR.
Các tổ chức XHDS đưa thông tin cho UPR như thế nào?
Nguồn: upr.info
Như đã viết trong bài trước, Hội đồng Nhân quyền LHQ lấy thông tin từ ba nguồn: từ chính nhà nước đang bị đánh giá về nhân quyền; từ các cơ quan nhân quyền độc lập, như các ủy ban của LHQ; và từ các tổ chức XHDS.
Để chuẩn bị cho phiên Kiểm định UPR ngày 7/5/2024, các tổ chức XHDS đã phải nộp báo cáo trước hạn chót vào cuối tháng 10/2023.
Riêng cho lần UPR lần này, tức Chu kỳ IV, Hội đồng Nhân quyền nhận được 45 bản báo cáo từ tổ chức XHDS (trong đó có BPSOS).
Nhưng đây là một quá trình dài, không chỉ thời gian viết và nộp báo cáo. Hội đồng Nhân quyền cũng có báo cáo từ Ủy ban Chống Tra tấn, Ủy ban Quyền Trẻ em, các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ…, vậy họ lấy thông tin từ đâu? Làm sao họ biết các trường hợp bị vi phạm nhân quyền cụ thể? Cũng là từ XHDS và các nhà hoạt động và vận động về nhân quyền.
Các cơ quan LHQ sau đó tất nhiên phải kiểm chứng, so sánh, đối chiếu, và nếu có thể, gặp trực tiếp các nạn nhân và nhân chứng.
Các chủ đề chính để đánh giá tình trạng nhân quyền ở Việt Nam bao gồm quyền bình đẳng, không phân biệt vì bất kỳ lý do gì; các quyền tự do cơ bản (tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội…); điều kiện nhà tù và tình trạng tra tấn trong đồn cảnh sát; nạn buôn người; quyền văn hóa; quyền được giáo dục; quyền phụ nữ và trẻ em; quyền người bản địa và sắc tộc thiểu số; quyền của cộng đồng LGBT; v.v.
Phiên họp tiền kiểm điểm UPR
Diễn ra ngày 13/2/2024 tại Geneva, Thụy Sỹ, đây là cơ hội để các tổ chức XHDS trình bày về tình hình nhân quyền ở Việt Nam cho Hội đồng Nhân quyền và các phái bộ thường trực (permanent mission) của các quốc gia khác.
Đại diện cho BPSOS và CAMSA (Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á châu) là anh Percy Nguyễn, phát biểu về nạn buôn người và vấn đề đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Cùng có mặt ở phiên họp tiền kiểm điểm UPR là đại diện của Khmer Kampuchea Krom for Human Rights and Development Association, Legal Initiatives for Vietnam (Sáng kiến Pháp lý Việt Nam), và PEN America (Văn bút Hoa Kỳ).
“Chỉ có bốn tổ chức XHDS tham gia, và bốn tổ chức đều nằm ngoài Việt Nam,” anh Percy Nguyễn cho biết. “Khác với lần kiểm định lần trước, có một số tổ chức từ Việt Nam đi sang bên đây tham dự buổi UPR pre-session… Có thể thấy là 4 năm vừa qua, XHDS ở Việt Nam bị thu nhỏ cỡ nào.”
Ngoài ra, các tổ chức XHDS có thể vận động ra sao?
Sau phiên họp tiền kiểm điểm ngày 13/2 là giai đoạn vận động: các tổ chức XHDS có thể vận động các phái bộ thường trực, đặc biệt của những quốc gia đã từng đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam.
Vì sao XHDS nên “sử dụng” UPR?
Một mặt, LHQ không trực tiếp trừng phạt hoặc có các hình thức cấm vận với các quốc gia như Việt Nam, nên cũng như mọi phiên rà soát khác, phái đoàn nhà nước Việt Nam cứ xuất hiện “trả bài” rồi đi về.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Kiểm định UPR và các phiên rà soát khác của LHQ là hoàn toàn vô dụng và vô nghĩa.
Thứ nhất, đó là cơ hội để các tổ chức XHDS vạch ra cho Hội đồng Nhân quyền và các quốc gia khác thấy tình trạng chà đạp tự do, vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và không tôn trọng các công ước quốc tế đã ký. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam muốn được tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.
Thứ hai, đó là cách người dân có thể chất vấn nhà nước Việt Nam bằng đường vòng—thông qua LHQ—về các vụ đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ, làm chết người…
Thứ ba, các tổ chức XHDS có thể đem các báo cáo, nhận xét kết luận, và khuyến nghị từ Hội đồng Nhân quyền và các ủy ban khác của LHQ đến những diễn đàn và cơ quan khác, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa Kỳ, và từ đó vận động cho tự do, nhân quyền ở Việt Nam và tạo áp lực lên nhà nước Việt Nam.
Phiên rà soát Việt Nam lần này sẽ diễn ra ngày 7/5/2024, từ 9 giờ sáng tới 12 giờ rưỡi trưa theo giờ Thụy Sỹ (2 giờ chiều tới 5 giờ rưỡi chiều theo giờ Việt Nam), và phát sóng trực tiếp trên trang web của LHQ.