Bộ Công An bị hố khi lợi dụng vụ xả súng ở Đắk Lắk để leo thang đàn áp tôn giáo

  • Hoa Kỳ tiếp tục giữ Việt Nam trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt về tự do tôn giáo

BPSOS, ngày 7 tháng 4, 2024

http://machsongmedia.com

Chỉ trong 24 tiếng sau khi xảy ra vụ nổ súng ở Dak Lak, làm 9 người thiệt mạng, BPSOS đã báo động quốc tế rằng thế nào nhà nước Việt Nam cũng sẽ tận dụng sự kiện này để thẳng tay đàn áp các nhóm Tin Lành Tây Nguyên độc lập với nhà nước. Sau đó vài ngày, BPSOS lập toán công tác chuyên theo dõi tình hình ở Tây Nguyên và thường xuyên cập nhật thông tin cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và quốc tế.

Bộ Công An đã khai thác vụ nổ súng ngày 11 tháng 6, 2023 ở Đắk Lắk để ép giải tán các hội thành Tin Lành tư gia độc lập của đồng bào Thượng và đe doạ trừng phạt những ai báo cáo vi phạm nhân quyền. Trong cách suy nghĩ thô thiển, họ tình toán rằng nếu khống chế được những người có niềm tin tôn giáo và cản chặn được các báo cáo vi phạm thì quốc tế sẽ lầm tưởng rằng tình trạng tự do tôn giáo đang được cải thiện.

Hình 1 – Trung Tá Y Lương Nie tại buổi đấu tố những người Thượng theo đạo Tin Lành, ngày 25/11/2023 (ảnh Công An Đắk Lắk)

Ép cải đạo

Một cách rõ rệt, công an và chính quyền địa phương đã gia tăng áp lực các người Thượng thuộc các điểm nhóm Tin Lành độc lập phải gia nhập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam, tổ chức được chính quyền cho phép hoạt động nhưng bị kiểm soát và sử dụng. Theo luật quốc tế thì đó là ép cải đạo. Qua bản Ghi Nhớ, BPSOS đã cập nhật cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), và một số văn phòng Quốc Hội Hoa Kỳ diễn tiến về chính sách ép cải đạo này.

Đứng đầu danh sách là 2 điểm nhóm do 2 nhà truyền đạo Nay Y Blang và Y Krec Bya quản nhiệm. Vì được báo động trước, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã theo dõi sát và lên tiếng nhanh và mạnh khi 2 nhà truyền đạo này bị kết án tù với lý do nguỵ biện.

Cản chặn việc báo cáo vi phạm

Hội Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice, MSFJ) và Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên (Evangelical Church of Christ of the Central Highlands, ECCCH) là 2 tổ chức đã cung cấp tuyệt đại đa số các bản báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Tây Nguyên. Đến nay họ đã cung cấp khoảng 100 bản báo cáo về các sự kiện vi phạm và hơn chục bản tường trình về chính sách đàn áp người Thượng về nhiều mặt, như quyền tự do tôn giáo, quyền người bản địa, quyền người thiểu số, quyền văn hoá, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền không bị tra tấn, nạn buôn người, v.v.

Có lẽ trong sự tính toán của họ, Bộ Công An cho rằng vô hiệu hoá được 2 tổ chức này thì sẽ chặn được các báo cáo vi phạm lọt đến quốc tế. Một mặt, họ tuyên bố MSFJ là tổ chức khủng bố, mặt khác họ ban lệnh truy nã các người đứng đầu tổ chức: anh Y Quỳnh Bdap thuộc MSFJ và Mục Sư A Ga thuộc ECCCH. Ngày 25 tháng 1, 2024, anh Y Quỳnh Bdap bị xử khiếm diện 10 năm tù về tội khủng bố. Cổng thông tin của Bộ Công An “dằn mặt” những ai “tham gia các khoá đào tạo, huấn luyện” do MSFJ tổ chức là “phạm tội ‘Khủng bố’, ‘Tài trợ khủng bố’ và sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp Việt Nam.” (Xem: https://bocongan.gov.vn/khung-bo/bai-viet-to-chuc-khung-bo/thong-bao-ve-to-chuc-khung-bo-nguoi-thuong-vi-cong-ly—msfj-24).

Pic2_04-08-2024.jpg

Hình 2 – Thiếu tướng Rahlan Lâm (bên trái) và Ông Trần Xuân Phi (thứ 2 bên phải, mặc áo trắng đang thu hình) tại một buổi “tiếp xúc” người Thượng đang lánh nạn ở Thái Lan, ngày 13/03/2024

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Bộ Công An cử Thiếu Tướng Rahlan Lâm, Giám Đốc Công An tỉnh Gia Lai, dẫn đoàn công an đến Bangkok để “viếng thăm” những khu động người Thượng đang lánh nạn. Nhân chứng nhận diện được 2 người đã từng tra khảo họ khi còn ở Việt Nam: Trung Tá Y Lương Nie, Phó Trưởng phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Đắk Lắk; công an viên Trần Xuân Phi, cựu trưởng An Ninh huyện Cư Quyn, tỉnh Đắk Lắk. Qua các cuộc tiếp xúc, họ tìm cách lấy thông tin về một số thành viên chủ lực của MSFJ.

Sự hiện diện của đoàn công an Việt Nam đã reo rắc sự sợ hãi cho nhiều người Thượng. Một số đã phải tạm thời dọn đến những nơi ẩn náu an toàn, với sự bảo vệ của một số tổ chức quốc tế trong sự hợp tác với BPSOS.

Các hành vi ban lệnh truy nã, tuyên án khiếm diện, buông lời đe doạ những người Thượng đang lánh nạn ở Thái Lan hoặc đã định cư Hoa Kỳ cũng như hăm he thân nhân của họ ở Việt Nam cấu thành hành vi “đàn áp xuyên quốc gia”, là căn cứ để Hoa Kỳ chế tài thủ phạm theo biện pháp “Khashoggi”.

Bản “Ghi Nhớ”

Để giúp quốc tế theo dõi các động thái của Bộ Công An, BPSOS thực hiện Bản Ghi Nhớ (Memo), chỉ luân lưu giới hạn, không phổ biến ra ngoài. Bản Ghi Nhớ này được cập nhật thường xuyên mỗi khi có diễn tiến đáng kể, dẫn nguồn tin đã kiểm chứng. Nội dung bao gồm:

  • Phân tích chính sách của nhà nước Việt Nam trong bối cảnh thực thi Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản và Quyết Định số 1334/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 10-11-2023.
  • Theo dõi và báo cáo các hành vi ép người Thượng theo đạo Tin Lành phải cải đạo.
  • Theo dõi và báo cáo các vụ bắt người vô tội, ép cung bằng các biện pháp tra tấn để họ phải nhận tội dính líu đến vụ nổ súng.
  • Lập danh sách các cá nhân đang lánh nạn ở Thái Lan hoặc đã định cư Hoa Kỳ bị Bộ Công An đưa vào tầm ngắm.
  • Các đề nghị về biện pháp đối phó

Pic3_04-08-2024.jpg

Hình 3 – Danh sách một số điểm nhóm Tin Lành bị ép cải đạo, trích từ Bản Ghi Nhớ

Nhờ Bản Ghi Nhớ mà các giới chức Hoa Kỳ và quốc tế đã theo dõi sát sao các động thái từ nhà nước Việt Nam, đặc biệt Bộ Công An, giúp họ có căn cứ để lên tiếng nhanh và mạnh trước sự leo thang đàn áp tôn giáo.

Phản ứng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Chỉ vài ngày sau vụ nổ súng xảy ra ở Đắk Lắk, BPSOS đã thực hiện nhiều buổi họp trực tuyến và trực diện với các viên chức và giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, kể cả Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain và Quyền Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động Allison Peters, để chia xẻ thông tin và bàn kế hoạch đối phó tình huống mà BPSOS đoán trước sẽ xấu đi ở Việt Nam.

Qua đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nắm rõ thực trạng ở Việt Nam khi họ tiếp xúc với đoàn liên ngành do Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ, hướng dẫn đến Hoa Kỳ vận động gỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách SWL trong các ngày 10 – 22 tháng 10, 2023. Đoàn này còn gặp cả Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), cơ quan tư vấn cho Quốc Hội, Ngoại Trưởng và Tổng Thống Hoa Kỳ.

Cùng đi có Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Ban Tôn Giáo Chính Phủ và một Mục Sư người Thượng thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam: Mục Sư Y Tuấn Mlo ở Đắk Lắk. Ngày 5 tháng 12, Ông Vũ Chiến Thắng lại gặp Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Marc Knapper để tiếp tục vận động. Các nỗ lực này đã bị vô hiệu hoá bởi sự manh động của Bộ Công An.

Pic4_04-08-2024.jpg

Hình 4 – Ông Vũ Chiến Thắng trao quà lưu niệm cho Phó Chủ Tịch USCIRF, Ông Fred Davie, trong dịp công du 2 tuần ở Hoa Kỳ

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định giữ Việt Nam trong danh sách SWL và đã lên tiếng nhanh chóng và quyết liệt ngay khi được tin Thầy Truyền Đạo Y Krec Bya, quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên ở xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, bị xử án tù 13 năm cộng với 5 năm quản chế. Trước đó, khi Thầy Truyền Đạo Nay Y Blang, người quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên ở xã Êa Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên bị xử án tù 4.5 năm, Đại Sứ Rashad Hussain cũng đã lập tức lên tiếng.

Phản ứng của Uỷ Hội USCIRF

Uỷ Hội USCIRF cũng đã nhận được Bản Ghi Nhớ được cập nhật thường xuyên từ BPSOS. Do đó, USCIRF cũng đã công khai lên án việc bỏ tù Thầy Truyền Đạo Nay Y Blang và rồi Thầy Truyền Đạo Y Krec Bya ngay sau khi họ bị lãnh án tù vì cưỡng lại lệnh cải đạo.

Pic5_04-08-2024.jpg

Hình 5 – Mục Sư A Ga và Ông Y Biên Ksor, đại diện ECCCH, báo cáo về tình trạng của nhà truyền đạo Y Nay Blang và Y Krec Bya với Ông Fred Davie, Phó Chủ Tịch USCIRF, ngày 29/01/2024 (ảnh BPSOS)

Sắp tới đây, khi USCIRF công bố bản tường trình hàng năm, chắc chắn họ sẽ càng kêu gọi mạnh mẽ hơn nữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) vì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và ngày càng leo thang.

Hiểu như vậy, cuộc vận động rút tên khỏi Danh Sách SWL của nhà nước Việt Nam đang có bước lùi, hậu quả của hành vi manh động của Bộ Công An.

Phản ứng của các dân cử Quốc Hội Hoa Kỳ

Trong tháng 1, 2024, qua sự phối hợp của BPSOS, hơn 30 người Việt và Mỹ đã tiếp xúc với 15 văn phòng Dân Biểu và 7 văn phòng Thượng Nghị Sĩ ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Một trọng tâm vận động là yêu cầu các vị dân cử thúc đẩy Bộ Ngoại Giao áp dụng biện pháp chế tài nhắm vào một số đơn vị thuộc Bộ Công An và lên người đứng đầu Bộ Công An cùng một số thuộc cấp.

Từ tháng 9 năm 2023, BPSOS đã nộp cho Bô Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ bản đề nghị chế tài Bộ Trưởng Tô Lâm theo Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ, theo điều 7031(c) của Luật Ngân Sách Bộ Ngoại Giao, và theo biện pháp hạn chế visa Khashoggi. Cùng với Ông Tô Lâm là 5 thuộc cấp liên quan đế một số vụ bắt cóc, giết người phi pháp, đàn áp và tra tấn người biểu tình, v.v. Sự leo thang đàn áp tôn giáo của Bộ Công An từ tháng 6 năm 2023 đã tăng thêm căn cứ để các vị dân cử Liên Bang thúc đẩy áp dụng biện pháp chế tài.

Pic6_04-08-2024.jpg

Hình 6 – Trích từ tài liệu đề nghị chế tài do BPSOS nộp ngày 29/09/2023

Tại buổi họp với phải đoàn BPSOS, Dân Biểu Christopher Smith đồng ý trên nguyên tắc sẽ triệu tập buổi điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày thêm nghiêm trọng ở Việt Nam.

Ngày 6 tháng 3, Dân Biểu Smith đã trao tận tay Bản Ghi Nhớ của BPSOS cho phải đoàn giới chức ngoại giao Thái Lan với yêu cầu bảo vệ những người trong danh sách đen của Bộ Công An. Cứ 3 tháng một lần, toà đại sứ Thái Lan lại cử phải đoàn đến gặp DB Smith để vận động sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ.

Pic7_04-08-2024.jpg

Hình 7 – Phái đoàn BPSOS họp với DB Christopher Smith, ngày 30/01/2024

Sự thất thố của Bộ Công An

Vì không am hiểu cách nhìn và cách hoạt động của Hoa Kỳ và quốc tế nói chung, Bộ Công An Việt Nam đã manh động, tưởng rằng chụp mũ khủng bố cho đối tượng của họ thì sẽ thuyết phục được quốc tế vì các chính quyền trong thế giới tự do đều chống khủng bố. Bộ Công An đã sai lầm. Qua bản “Ghi Nhớ”, BPSOS đã chỉ ra tính nguỵ tạo của các chứng cứ họ sử dụng.

Chẳng hạn, Bộ Công An tung hình anh Y Quỳnh Bdap đang cầm khẩu tiểu liên, nhưng kỳ tình đó là khẩu súng bắn bi ở hội chợ. Bộ Công An lại dùng lời khai của Mục Sư Y Krong Phok rằng Y Quỳnh Bdap đã tuyển mộ ông ta tham gia nhóm “Lính Dega”. Tuy nhiên, hai người chỉ gặp nhau 2 lần trong đời tại lớp học kinh thành và lần cuối cùng là cách đây 10 năm. 

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và USCIRF là họ đã gặp, có khi nhiều lần, các nhân vật bị Bộ Công An Việt Nam chụp mũ là thành phần khủng bố, nên biết rõ rằng những người này là những người đấu tranh ôn hoà cho quyền tự do tôn giáo, quyền của người bản địa, quyền của người sắc tộc thiểu số, quyền không bị tra tấn…

Pic8_04-08-2024.jpg

Hình 8 – Đại Sứ Lưu Động cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback cùng với nhiều thành viên của MSFJ tại Hội Nghị SEAFORB V, do BPSOS đồng tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 03-06/11/2019 (ảnh MSFJ)

Không những thế, đa số thành viên của MSFJ là thành phần trong chương trình đào tạo giới trẻ lãnh đạo cho phong trào tự do tôn giáo quốc tế mà BPSOS quán xuyến theo sự uỷ nhiệm của Liên Minh Quốc Tế Cho Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin, là tập hợp của 42 chính quyền, và Ban Chỉ Đạo của Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, là tập hợp của hơn 80 tổ chức xã hội dân sự toàn cầu. Khi Bộ Công An tấn công nhóm trẻ này thì cũng là tấn công cả một phong trào quốc tế do nhiều chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ, và nhiều tổ chức xã hội dân sự khởi xướng.

Kết quả là không riêng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mà cả liên minh 42 chính quyền, nhiều cơ quan LHQ và nhiều tổ chức xã hội dân sự có ảnh hưởng quốc tế đã đồng loạt vào cuộc.

Quýt làm cam chịu. Bộ Công An đã phá hỏng nỗ lực vận động của nhà nước Việt Nam để rút tên khỏi danh sách SWL của Hoa Kỳ và tạo hình ảnh tốt đẹp trên trường quốc tế.

Pic9_04-08-2024.jpg

Hình 9 – Buổi hội thảo trực tuyến có sự tham gia của Đại Sứ Lưu Động cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain cùng với 2 thành viên của MSFJ: Y Phic Hdok và Y Aron Eban, ngày 11/03/2023

Các tiêu chí đánh giá

Ngày 3 tháng 4, BPSOS gửi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng như Uỷ Hội USCIRF các tiêu chí đề nghị để đo lường thực tâm của Việt Nam về tôn trong quyền tự do tôn giáo:

  • Cấp căn cước công dân cho khoảng 100 nghìn đồng bào Hmong không giấy tờ tuỳ thân, phần lớn do họ theo Đạo Tin Lành
  • Chấm dứt mọi hành vi ép đồng bào Thượng theo Đạo Tin Lành cải đạo
  • Ngưng việc đàn áp, bắt bớ các nhà sư và Phật tử người Khmer Krom không tuân phục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước dựng lên năm 1981
  • Ngưng các hành vi đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các người Hmong và người Thượng đang lánh nạn ở Thái Lan hoặc đã định cư Hoa Kỳ
  • Giao trả cho các tín đồ Cao Đài chơn truyền Toà Thánh Tây Ninh, các cơ ngơi tại Thánh Địa Tây Ninh, và các thành thất địa phương để họ kịp tưởng niệm 100 năm ngày khai đạo
  • Gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với các tu sĩ và tín đồ thuộc các tôn giáo
  • Trả tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo

Nội dung chi tiết của các tiêu chí đề nghị: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/04/FORB-benchmarks-to-assess-Vietnam-2024-without-hyperlinks.pdf    

Các tiêu chí này giúp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm quyết định có giữ Việt Nam trong danh sách SWL hoặc đưa Việt Nam xuống danh sách CPC, lên tiếng tại cuộc Kiểm Định Định Kỳ Phổ Quát (Universal Periodic Review, UPR) đối với Việt Nam ngày 7 tháng 5 tới đây tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, và báo trước cho phía Việt Nam về các kỳ vọng trước khi hai bên gặp nhau tại buổi Đối Thoại Nhân Quyền Hoa Kỳ – Việt Nam năm 2024, sẽ diễn ra gần cuối năm nay ở Hà Nội.

Trong các bài sau chúng tôi sẽ phân tích phản ứng của các chính phủ quan tâm tự do tôn giáo, các định chế nhân quyền của LHQ, và các tổ chức xã hội dân sự quốc tế khi Bộ Công An lợi dụng vụ nổ súng ở Đắk Lắk để leo thang đàn áp tôn giáo.

Cá bài liên quan:

BPSOS đề nghị chế tài 6 quan chức Bộ Công An về hành vi bắt cóc và giết người phi pháp và 2 giới chức VTV về đàn áp xuyên quốc gia

https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/2121-bpsos-de-nghi-che-tai-6-quan-chuc-bo-cong-an-ve-hanh-vi-bat-coc-va-giet-nguoi-phi-phap-va-2-gioi-chuc-vtv-ve-dan-ap-xuyen-quoc-gia

Dân biểu Michelle Steel kêu gọi xếp Việt Nam là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt

https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/2124-dan-bieu-michelle-steel-keu-goi-xep-viet-nam-la-quoc-gia-can-quan-tam-dac-biet

Viết một bình luận