Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023 và vận động cho người tỵ nạn

Hải Di Nguyễn

Ngày 6-8/9/2023 vừa qua tại Đài Loan đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit, viết tắt IRF Summit).

Có mặt tại hội nghị là Mục sư Jordan Smith và cô H Biap Krong, hiện làm việc cho BPSOS giúp người tỵ nạn; và anh Kristian Benestad và cô Ines Carles, hai luật sư của CAP (Centre for Asylum Protection, tức Trung tâm Bảo vệ Tỵ nạn, một đề án được BPSOS tài trợ và yểm trợ).

Như BPSOS nhiều lần làm tại các hội nghị về tự do tôn giáo, họ lên tiếng về nhu cầu bảo vệ người tỵ nạn là nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo.

Ngày 12/9/2023, tôi phỏng vấn Luật sư Kristian Benestad và Mục sư Jordan Smith về hội nghị trên.

 

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023 có gì đặc biệt?

Grand Hotel Taipei, nơi diễn ra Hội nghị năm nay (credit: Mục sư Jordan Smith). 

Diễn ra tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 6-8/9, Hội nghị năm nay thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế, đặc biệt tập trung vào Nigeria, Mông Cổ, Bắc Hàn, Ấn Độ, và Trung Quốc.

Việt Nam không phải là một trong những quốc gia trọng tâm chú ý, nhưng theo Mục sư Jordan Smith, Việt Nam có được nhắc tới—cụ thể là về chuyện blogger Đường Văn Thái và, trước đây, nhà báo Trương Duy Nhất bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay giữa đất Thái Lan.

 

Vấn đề đàn áp tôn giáo và người tỵ nạn

Các luật sư CAP làm việc với người tỵ nạn và người xin tỵ nạn ở Thái Lan nói chung. Theo Luật sư Kristian Benestad và Mục sư Jordan Smith, trong số những người xin tỵ nạn được họ giúp làm hồ sơ và các vấn đề pháp lý, nhiều nhất là từ Việt Nam và Pakistan, rồi đến các quốc tịch khác như Campuchia.  

Và đa phần những người tỵ nạn và xin tỵ nạn là nạn nhân bị đàn áp tôn giáo. Số lượng lớn từ Việt Nam là người Thượng và người H’mông theo đạo Tin lành hoặc người Khmer Krom theo Phật giáo.

Tuy nhiên các cộng đồng không giống nhau. Theo Mục sư, người tỵ nạn từ Pakistan thường là người Hồi giáo không thuộc nhánh Sunni, hoặc theo tôn giáo khác, và bị người thường và đám đông tấn công, đốt nhà…

Trong khi đó, người tỵ nạn Việt Nam trốn chạy khỏi sự đàn áp tôn giáo từ nhà nước cộng sản.

 

CAP vận động cho người tỵ nạn

fe105502 707f 44c3 a3ce 13400252c728

Luật sư Kristian Benestad phát biểu hôm 8/9/2023 (credit: Mục sư Jordan Smith)

Vào hôm 8/9 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế, Luật sư Kristian Benestad nói về tình trạng người tỵ nạn tại Thái Lan, công việc của CAP, vấn đề hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ người tỵ nạn.

Theo anh, các tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động về tự do tôn giáo không biết nhiều về tình hình ở Thái Lan.

“Vấn đề với hệ thống tỵ nạn ở Thái Lan, đầu tiên và trên hết, là không có một hệ thống tỵ nạn cấp quốc gia công nhận người tỵ nạn… Đây cũng là một hệ thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi cân nhắc chính trị hơn là vấn đề nhân đạo.”

Anh nói “Các thân chủ của chúng tôi bị xem là người nhập cư bất hợp pháp, thay vì ai đó cần được bảo vệ.”

Chẳng hạn, Mục sư Jordan Smith giải thích, người tỵ nạn ở Thái Lan khi có thể sang định cư ở nước thứ ba phải nộp tiền phạt để được bước chân ra khỏi Thái Lan.

“Theo luật pháp Thái Lan, nếu bạn ở quá hạn visa, sẽ có tiền phạt tính theo bao nhiêu ngày quá hạn. Số tiền phạt được giới hạn ở mức 20,000 baht [tức khoảng 600 USD]. Đó là số tiền rất lớn, và cộng lại trong một gia đình lại càng cao vì đó là tiền phạt tính theo mỗi đầu người. Ví dụ gia đình 5 người [không tính trẻ con] sẽ phải trả 100,000 baht, đó là số tiền khổng lồ.”

Công việc của Mục sư Jordan Smith, ngoài chuyện giúp làm giấy tờ, đi tìm cá nhân và tổ chức bảo lãnh người tỵ nạn, giúp quá trình tái định cư, đi vận động cho người tỵ nạn…, còn là vận động quyên góp tiền để giúp người tỵ nạn đóng tiền phạt để có thể rời Thái Lan.

“Nếu không có tiền trả, họ sẽ phải vào IDC, tức trại giam của Sở Di trú Thái Lan, và ở đó tới khi trả hết tiền. Về cơ bản, họ trả nợ bằng cách ngồi tù. Mỗi ngày trong đó tính thành 500 baht; 20,000 baht tính ra là 40 ngày trong IDC. IDC là nơi nguy hiểm, chật chội, điều kiện khủng khiếp…”

Luật sư Kristian Benestad có nhắc đến những điều này khi nói về tình trạng người tỵ nạn tại Thái Lan. 

Quá trình ghi danh tỵ nạn rất khó khăn và kéo dài, anh cho biết, và có rất ít liên lạc giữa Cao ủy Tỵ nạn LHQ và người xin tỵ nạn. Tại Hội nghị, anh cũng nói về việc XHDS có thể giúp được gì cho người tỵ nạn.

Đó là phần phát biểu và nỗ lực vận động của Luật sư Kristian Benestad tại đó.

Ngoài ra Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng là nơi gặp mặt và kết nối với nhiều cá nhân và hội nhóm hoạt động về tự do tôn giáo và các vấn đề nhân quyền.

Viết một bình luận