Tổng Kết Hoạt Động Các Cộng Đồng Tôn Giáo Tham Gia Hưởng Ứng Ngày 22/8 năm 2022

Mạch Sống, ngày 7 tháng 10, 2022

http://machsongmedia.com

 

Từ năm 2019 Liên Hiệp Quốc lấy ngày 22/08 hàng năm là Ngày Quốc tế tưởng niệm Nạn nhân của các Hành vi Bạo lực vì Tôn Giáo hay Niềm tin (Commemorating Victims of Violent Acts Based on Religion or Belief). Đây là ngày được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chọn thông qua Nghị Quyết số A/73/L.85 trong phiên họp ngày 28 tháng 5 năm 2019 trong bối cảnh hàng triệu người trên thế giới đang là nạn nhân bị các thế lực độc tài tước đoạt niềm tin tôn giáo. Trong phiên họp này, đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết quan trọng kể trên. Năm nay là năm thứ Tư cộng đồng Quốc tế cũng như Việt Nam tổ chức ngày lễ tưởng niệm này.

Sự kiện ngày 22/8/2022 khép lại với nhiều hoạt động của các cộng đồng tôn giáo mang tính chất đa tôn giáo trong và ngoài nước Việt Nam nhằm tưởng nhớ tới các nạn nhân bị Bạo lực vì Tôn giáo hay Niềm tin. Điều đáng chú ý là sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quốc tế, các tổ chức nhân quyền và các tòa đại sứ ở Việt Nam của Áo Quốc, Canada, Hòa Lan, Na Uy, Thuỵ Sĩ, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ.

Hình 1 – Chùa Thiên Quang tổ chức lễ tưởng niệm Nạn nhân của các Hành vi Bạo lực vì Tôn Giáo hay Niềm tin ngày 22 tháng 8, 2022

Các cộng đồng tôn giáo tổ chức sinh hoạt tưởng niệm bao gồm: 25 cộng đồng Công Giáo: 11 ở trong nước và 14 cộng đồng ở ngoài nước, 21 cộng đồng Cao Đài: 19 ở trong nước và 2 ở ngoài nước, 24 cộng đồng người Thượng theo đạo Tin Lành: 23 cộng đồng ở trong nước và 1 cộng đồng ở ngoài nước, 1 cộng đồng Phật Giáo ở trong nước, 2 cộng đồng người H’mong theo đạo Tin Lành ở nước ngoài.
Các sinh hoạt tưởng niệm bao gồm việc dâng thánh lễ cầu nguyện, tổ chức buổi lễ cầu nguyện chung tại gia, thắp nến hiệp ý cầu nguyện trong ngày 22/08….
Mọi hình thức đều diễn ra trong bầu không khí hoà bình, nghiêm trang nhằm hướng tới việc cầu nguyện và tưởng niệm các nạn nhân của việc bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin của mình.
Nhưng ở một vài địa phương, một số cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam như Cao Đài 1926 hay các điểm nhóm Tin Lành ở Tây Nguyên bị chính quyền địa phương ngăn cản, sách nhiễu khi tổ chức ngày tưởng niệm được Liên Hiệp Quốc công nhận này.Nhà nước Việt Nam không những đã không tuân thủ theo tinh thần của bản nghị quyết nói trên, mà còn đã sách nhiễu và hăm he rằng tham gia ngày quốc tế này là vi phạm luật pháp Việt Nam.

Cụ thể là vào ngày 20 tháng 08 năm 2022, tại Hương Đạo Bình Khánh, Thành Phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang, hai nữ Chánh Trị Sự Đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã mời gọi các đồng đạo khác có chung niềm tin với mình cùng tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trên thế giới đã bị bạo lực tấn công hoặc bị bắt bỏ tù chỉ vì thực hành niềm tin tôn giáo. Ngay khi buổi lễ vừa diễn ra, hai viên công an Phường Bình Khánh, Thành Phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang đã xông vào phá rối, đe dọa và lập biên bản cấm tổ chức buổi lễ.

Tương tự như thế, một số cộng đồng Tin Lành ở Tây Nguyên đã bị công an đã đến hăm dọa và nói sẽ mời làm việc. Riêng tại Buôn Akõ Đung tại Đắk Lắk, sáu người đã bị công an mời lên làm việc vì đã tham gia ngày tưởng niệm 22/08.

Điều đáng ghi nhận là nhờ vào các buổi huấn luyện của tổ chức BPSOS về luật Việt Nam và luật quốc tế, tất cả các hành vi sách nhiễu đến từ chính quyền Việt Nam đều được các cộng đồng thu thập và viết báo cáo gửi tới Liên Hiệp Quốc. Các bản báo cáo này sẽ giúp quốc tế thấy được thực trạng quyền Tự do Tôn Giáo hiện nay vẫn bị hạn chế tại Việt Nam. Mặt khác, các thông tin này sẽ được thu thập và giúp Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc sử dụng vào phiên rà soát kế đến về việc thực thi Công ước về Quyền Chính trị và Dân sự của nhà nước Việt Nam.

Viết một bình luận