• BPSOS lập hồ sơ nạn nhân buôn người cần được giải cứu và hồi hương
Mạch Sống, ngày 26 tháng 8, 2021
Bộ Ngoại Giao Việt Nam vừa gửi công văn yêu cầu các toà đại sứ của họ ở Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Oman và Kuwait đưa 250 người lao động về nước trên chuyến chuyên cơ của đội tuyển bóng đá Việt Nam, sẽ đá vòng loại thứ 3 với đội tuyển Ả Rập Xê Út ngày 2 tháng 9.
“Đây là một diễn tiến tích cực,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là người lao động phải trả phí chuyến bay khoảng 1,200 USD, một số tiền quá lớn cho họ.”
Hàng chục nghìn người Việt, phần lớn là phụ nữ là ôsin, đang bị kẹt ở các quốc gia Trung Đông kể trên. Trong đó không ít người là nạn nhân của nạn buôn người. Họ bị bóc lột, hành hạ, hành hung, sỉ nhục và có khi bị sách nhiễu tình dục. Có nhiều nạn nhân đã cầu cứu với công ty đưa họ đi lao động hoặc với Toà Đại Sứ Việt Nam nhưng không nhận được sự can thiệp nào.
Hình 1. Em Siu H’Xuân sau một trận hành hạ bởi bà chủ (ảnh của gia đình)
“Tôi cũng đã báo cho chị Nhung và anh Khánh, nhưng họ nói cố gắng đi, cố gắng làm đi. Nhưng tôi đã cố gắng hết sức, không thể có sức để làm nữa vì quá mệt mỏi… Họ mới đánh tôi bằng dây đến nổi tôi ngất xỉu. Tôi đã báo cho chị Nhung rồi, nhưng chị nói không giúp và không cho tôi về. Chết tôi rồi công ty ơi, giúp tôi với, tôi không thể làm được nữa. Tôi đau đầu, tôi không qua khỏi được nữa. Tôi đau đầu quá, đã 3 lần tôi ngất xỉu, bây giờ nếu được tôi cần họ truyền nước thế cũng đủ rồi.” Xem:
Đó là lời cầu cứu cuối cùng của cô Siu H’ Xuân, người Tây Nguyên quê ở Đắk Lắk. Cô đã chết ngày 18 tháng 7 vừa qua. Công ty VINACO, mà Bà Nguyễn Thị Nhung và Ông Nguyễn Duy Khánh đại diện, đã đưa cô sang Ả Rập Xê Út khi mới 15 tuổi. Hồ sơ của cô bị sửa năm sinh từ 2003 thành 1996.
Theo Ts. Thắng, tình trạng đại dịch COVID-19 đang làm lộ ra nhiều trường hợp buôn người. Theo luật quốc tế, nạn nhân buôn người là những ai bị bóc lột sức lao động, không tình nguyện ở lại trong tình trạng bị bóc lột đó, và muốn thoát thân nhưng không được.
“Nhiều ô sin người Việt mỗi ngày phải làm việc từ 18 đến 20 tiếng — đó là bị bóc lột, chưa kể nhiều trường hợp thường xuyên bị đánh đập,” Ts. Thắng nói. “Tuy nhiên, họ cắn răng chịu đựng với hy vọng hết hợp đồng 2 năm thì được hồi hương.”
Vì những người này chấp nhận tình trạng bị bóc lột, họ không nằm trong định nghĩa buôn người. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các nạn nhân không gia hạn hợp đồng nhưng bị chủ giữ lại lao động ngoài ý muốn. Vì không thể hồi hương, họ không có lối thoát một cách vô hạn định. Nghĩa là bây giờ họ hội đủ các yếu tố của định nghĩa buôn người.
Hình 2: Em Siu H’Xuân khi còn sống (ảnh của gia đình)
Riêng đối với trẻ em vị thành niên như cô Siu H’Xuân, yếu tố bóc lột sức lao động đủ để cấu thành tôi buôn người.
“Trẻ vị thành niên chưa đủ ý thức để tự quyết định có tình nguyện ở lại trong hoàn cảnh bị bóc lột hay không và cũng thiếu khả năng trốn thoát,” Ts. Thắng giải thích. “Cô bé H’Xuân do đó đương nhiên là nạn nhân buôn người.”
Khi công ty xuất khẩu lao động không can thiệp và khi giới chức hữu trách không giải cứu và đưa các nạn nhân về nước thì tự động bị xem là đồng phạm về buôn người.
BPSOS đang lập danh sách các nạn nhân trong hoàn cảnh như kể trên để chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Việt Nam hiện nằm trong Danh Sách Theo Dõi của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ 3 năm liền và trong 9 tháng tới đây phải chứng minh thực tâm phòng, chống buôn người để tránh không bị chế tài theo luật của Hoa Kỳ.
Tại buổi góp ý với một số giới chức thâm niên của Hành Pháp Hoa Kỳ ngay trước chuyến công du Singapore và Việt Nam và Phó Tổng Thống Kamala Harris, BPSOS đề nghị phái đoàn Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam giải quyết khẩn cấp tình trạng của các nạn nhân buôn người Việt Nam ở Ả Rập Xê Út và một số quốc gia Trung Đông khác. Đồng thời, BPSOS đã chuyển hồ sơ cho văn phòng LHQ đặc trách vấn đề buôn người để lên tiếng với nhà nước Việt Nam.
Hình 3. Công văn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam
“Công văn của Bộ Ngoại Giao là một dấu hiệu tích cực nhưng chưa đủ; nhà nước Việt Nam còn phải bắt công ty xuất khẩu lao động trang trải mọi chi phí hồi hương,” Ts. Thắng nói. “Hoặc nhà nước phải trích Quỹ Hỗ Trợ Việc Làm Ngoài Nước để trang trải.”
Cuối năm 2019 quỹ này đã lên đến 240 tỉ VND.
Thông tin liên quan:
BPSOS: 5 kiến nghị gửi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ trước chuyến đi Đông Nam Á