Vietcombank trong vụ Đồng Tâm: Vận dụng sân chơi quốc tế

* Trên sân chơi quốc tế, đảng và nhà nước cầm quyền không thể ăn gian

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 18 tháng 1 năm 2020

http://machsongmedia.com

Khi đưa ra chính sách đổi mới, chế độ ở Việt Nam hiểu rằng họ không thể cưỡng lại trào lưu hội nhập toàn cầu nếu muốn sinh tồn. Tuy nhiên, họ chỉ muốn nhà nước hội nhập quốc tế chứ người dân thì không được phép. Ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam thời bấy giờ là Nguyễn Văn Linh ví von các tư tưởng nhân quyền, tự do, dân chủ như “ruồi nhặng” cần phải chặn lại khi mở cửa ra thế giới, không để lọt vào xã hội Việt Nam.

Trước sự phê phán nghiêm ngặt của quốc tế, Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam thậm chí phải tung ra các tổ chức phi chính phủ do chính phủ lập ra và kiểm soát, gọi tắt là GONGO (Government-Organized NGO), để qua mắt thế giới rằng, đấy người dân cũng hội nhập quốc tế. Kỳ tình thì chỉ là nhà nước chính hiệu và nhà nước trá hình. Các biện pháp khác để ngăn chặn bao gồm cấm xuất cảnh, ngăn cản người dân tiếp xúc với phái đoàn ngoại quốc, trừng phạt những ai báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ…

Các biện pháp ngăn cản này ngày càng ít hiệu quả vì sự bùng phát của công nghệ tin học, mức tăng trưởng nhanh chóng của số người Việt sử dụng internet và điện thoại thông minh, và số lượng ngày càng đông người Việt đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Có lẽ quan trọng hơn cả là vai trò của hơn 4 triệu người Việt đang sinh sống ở thế giới tự do – về bản chất họ chính là một phần của quốc tế nên dễ bắc nhịp cầu cho người dân trong nước hội nhập với thế giới bên ngoài. Vấn đề là người dân ở trong nước và những người Việt ở hải ngoại có tận khai thác các lợi thế này không.

Ở đây tôi lấy vụ Vietcombank đóng băng tài khoản phúng điếu cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm làm minh hoạ. Nhiều người ở trong nước kêu gọi tẩy chay Vietcombank. Tôi muốn chỉ ra là người Việt ở trong và ngoài nước còn có thể mở ra một cuộc chơi trên sân chơi quốc tế, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Thông tin bối cảnh về Vietcombank

Vietcombank là một phần hậu thân của Việt Nam Thương Tín, công ty thương mại phụ thuộc Ngân hàng Quốc gia thời Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi tiếp quản Việt Nam Thương Tín, chính quyền mới phân nó ra làm hai: bộ phận đối ngoại trở thành Vietcombank còn bộ phận đối nội được giao cho Ngân hàng Quốc gia của chính phủ lâm thời; tháng 7 năm 1976, nó được sáp nhập với Ngân Hàng Nhà Nước của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Xem thêm: https://tuoitre.vn/chuyen-tiep-quan-ngan-hang-quoc-gia-viet-nam-cong-hoa-1306197.htm

Để khai thác lượng kiều hối từ Hoa Kỳ ngày càng tăng, tháng 5 năm 2011 Vietcombank đăng ký hoạt động chuyển tiền với tiểu bang California dưới tên VCB Money, Inc. Trụ sở chính của VCB Money, Inc. đặt ngay tại Quận Cam, tại địa chỉ: 12112 Brookhurst, Suite 11, Garden Grove, CA 92840. Xem: https://dbo.ca.gov/2018/03/19/vcb-money-inc/

Đến năm 2018 thì VCB Money đã đăng ký hoạt động ở 17 tiểu bang Hoa Kỳ với nhiều văn phòng đại lý hoạt động dưới thương hiệu “Tín Nghĩa Chuyển Tiền” (Tin Nghia TNMONEX). Xem: https://compacom.com/companies/vcb-money-inc-dba-tin-nghia-tnmonex/vcb-money-inc-dba-tin-nghia-tnmonex-garden-grove-ca

Năm 2018, Vietcombank được Ngân Hàng Liêng Bang Hoa Kỳ (Federal Reserve) cấp phép mở văn phòng đại diện ở New York. Văn phòng này mới được khai trương và đi vào hoạt động cách đây 2 tháng. Xem quyết định cấp giấy phép của Hội Đồng Quản Trị của Federal Reserve: https://www.federalreserve.gov/newsevents/pressreleases/files/orders20181029a1.pdf