Lê Mộng Hoàng
Ðến ngày 30 tháng 4 năm nay, chúng ta đã rời xa quê hương 28 năm rồi. Hơn 1/4 thế kỷ, biết bao đổi thay, biết bao thăng trầm! Nhìn về tương lai, các bậc ông bà, cha mẹ cảm thấy phấn khởi vì rất nhiều con cháu họ học giỏi, tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp vững vàng, mức sống cao.
Tuy nhiên xen lẫn trong niềm hãnh diện đó lại có nỗi lo âu cứ lặng yên lớn dần. Chẳng hiểu vì sao mà ở lứa tuổi 30-40, các cặp vợ chồng cứ lấy nhau độ vài ba năm lại ly thân, ly dị, ngay cả lúc con cái mới 1-2 tuổi, còn nhỏ dại, bé bỏng? Hiện tượng này phải chăng là hậu quả của nếp sống tự do, phóng túng của văn hóa Âu Mỹ, hoặc vì cuộc sống quá bận rộn, hối hả hiện nay? Chưa có một tâm lý gia hoặc chuyên gia cố vấn gia đình người Việt nào tìm ra được nguyên nhân gần hay xa của sự đổi thay tai hại nguy hiểm, phá hoại cuộc sống chung đôi này.
Ngày xưa ở Việt Nam việc ly thân, ly dị rất hiếm hoi, đến nỗi có người cho rằng tờ giấy hôn thú là sợi dây xích bền chắc buộc chặt hai vợ chồng lại với nhau, và họ không cần phải cố gắng sửa đổi, học hỏi để vun bồi tình thân thương gia đình hoặc chú tâm săn sóc lo lắng tỏ bày TÌNH YÊU với người phối ngẫu. Nhưng đó là thế hệ của ông bà, cha mẹ chúng ta. Thời đại ít biến đổi ấy đã qua rồi! Ngày nay ở xứ Mỹ, mọi sự việc thay đổi hằng ngày, hằng tháng: việc làm, chỗ ở, tài sản, xe cộ, cách giải trí, phương pháp trị liệu bệnh tật, cách mua sắm hàng ngày, giao tiếp bạn bè, tìm ý trung nhân và ngay cả tình nghĩa vợ chồng! Chẳng có thứ gì được bảo đảm suốt đời (life time guaranty), chỉ trừ máy móc.
Tháng 2 vừa qua, tháng có ngày Valentine – lễ của thần Ái Tình – tình cờ tôi đọc trên báo Washington Post một bài viết về “The Family Dinner”. (Bữa Cơm Gia Ðình) tác giả bài báo (rất tiếc là tôi đã quên tên) khuyến khích mọi gia đình nên dành riêng 1 hoặc 2 buổi tối cho mọi người trong gia đình được họp mặt, cùng ngồi chung ăn cơm nói chuyện với nhau. Ông nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của bữa cơm gia đình để cha mẹ, con cái gặp nhau, trao đổi tâm tình về mọi sự việc xảy ra cho mỗi cá nhân trong gia đình. Ðiều cần thiết phải là bữa cơm thân mật, vui vẻ, không khí cởi mở để ai ai cũng cảm thấy thoải mái chia xẻ điều gì mới ở sở làm, trường học, ở nhà…
Sau khi đọc bài báo nầy tôi hồi tưởng lại nếp sống đơn giản ít đổi thay ngày trước ở Việt nam, đặc biệt ở phố Hội An nhỏ nhoi, nghèo nàn, quê tôi. Nhà nào như nhà nấy, buổi tối vợ chồng con cái quây quần ăn cơm với nhau. Riêng ở nhà tôi, ba tôi hay kể lại tin tức đài BBC hoặc chuyện ở các báo Paris Match, Selection; má tôi thì kể chuyện ở trường tiểu học của bà, chúng tôi nếu có đứa nào được thầy cô khen thưởng đều nêu ra. Ba má tôi tránh la rầy con trong bữa cơm gia đình, và cũng cấm con cái nói xấu người khác trong bữa cơm gia đình. Cơm tuy không có cao lương mỹ vị (bồ câu rô ti, bào ngư xào, tôm hùm) như ngày nay nhưng chúng tôi ăn rất ngon miệng, và cứ vậy mà lớn lên, chăm lo học hành, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện Ba sẽ dọn ra ở riêng, Má không còn nấu các món ăn ngon nữa, vì sợi dây tơ hồng cột chặt ba má của tôi và sợi dây xích thương yêu của gia đình tôi mỗi ngày đều được kiểm điểm lại, bồi đắp vun xới thêm, nên đủ sức mạnh kéo dài qua bao nhiêu năm tháng, bao vật đổi sao dời.
Thật là màu nhiệm! Bây giờ thì tôi mới khám phá ra khả năng níu kéo âm thầm nhưng vô cùng hiệu nghiệm của các bữa cơm gia đình ngày này qua ngày nọ. Hèn gì mà thuở ấy ít khi nghe chuyện ly thân, ly dị và Má tôi bắt buộc chị tôi và tôi phải học “nấu ăn ngon” với ông Bốn Phát (người Minh Hương) sau khi tốt nghiệp đại học. Ở xứ Mỹ này thì vợ làm ca ngày, chồng làm ca đêm – vì làm 2 jobs – con bận coi TiVi, đi chơi với bạn, nên rất khó mà họp mặt đông đủ mỗi tối.
Tuy nhiên nếu biết sắp xếp và hiểu rõ tầm quan trọng của bữa cơm gia đình thì chúng ta vẫn có thể để dành một buổi tối trong tuần cho bữa cơm gia đình thân thương, với ước mong tổ ấm gia đình sẽ được mọi người cùng nhau tưới tẩm hạt giống thương yêu với những lời êm ái, dịu dàng, và những hành động phát khởi từ con tim nhân ái, hành thiện. Ba mẹ, con cái luôn cố gắng duy trì sợi dây thân ái của gia đình. Nhờ bữa cơm gia đình mà mẹ biết được những khó khăn nào ba đang gặp ở sở, đứa con nào bị thầy cô la, đứa nào vừa mất việc làm.
Nhà văn Ken Blanchard có nói: “The best minute you spend is the one you invest in your family” (Giờ phút bạn dùng hữu hiệu nhất là lúc bạn gần gũi với gia đình).
Thành thử xin nhắc nhở các chị em, nhất là những bạn gái vừa đi làm vừa hoạt động xã hội, cộng đồng đừng quên dành một hoặc hai buổi tối đặc biệt cho bữa cơm gia đình quý giá, không thể bỏ qua của mỗi gia đình. Gia đình họp mặt vào buổi tối tuy đơn sơ mà quan trọng và hữu ích hơn tất cả các tiệc tùng khác: đám cưới, gây quỹ, thân hữu, cộng đồng. Cầu chúc các chị em những bữa cơm gia đình đầy ắp niềm vui, tình thương và ngon miệng.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]