Thiên Thơ
Phụ trách chương trình CADV
Bản chất thông thường của phụ nữ là rất tình cảm, luôn gắn bó với người thân và gia đình của mình. Người con gái nào buổi ban đầu cũng dè dặt, cẩn thận chọn lựa người bạn đời của mình. Một khi đã bắt đầu yêu thương thật sự một người nào, phái nữ thường trở nên hay tha thứ, bao dung, và che chở cho người yêu của mình. Đến lúc có con, các bà mẹ lại càng siêng năng, vị tha hơn nhiều, thậm chí có thể hy sinh tất cả để bảo vệ cho con. Nếu phụ nữ may mắn gặp được một người bạn đời hiền lành, tốt bụng, biết lo lắng, săn sóc cho vợ con thì gia đình sẽ thường được vui tươi, hạnh phúc. Con cái sẽ luôn được thương yêu, chiều chuộng, được giáo dục tốt, mai sau sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội. Nhưng nếu không may, người chồng thiếu trách nhiệm hay thường đánh mắng vợ con thì phụ nữ sẽ phải chịu biết bao nhiêu điều tủi nhục, bất công, thậm chí có thể đi đến thất vọng, chán chường hay muốn bỏ phế tất cả…
Con người ai cũng trân quý gia đình, dồn tất cả mọi nỗ lực trong đời để bảo vệ hạnh phúc gia đình, và con cái mình. Nhưng vẫn có những gia đình không hòa thuận, không thân ái, thường cãi cọ và thậm chí đánh đập lẫn nhau. Qua nhiều năm tháng, nếu không tìm được giải pháp thỏa đáng, vợ chồng sẽ chia tay, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”. Sự chia tay nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực ra vô cùng gay go, gian khổ. Phụ nữ phải trải qua nhiều giai đoạn truân chuyên, ray rức trước khi đi đến giai đoạn chia tay với người chồng của mình. Mức độ đau khổ có thể khác nhau tùy cá tính và hoàn cảnh mỗi người. Nhưng tựu chung người vợ nào cũng nếm đủ mùi vị chua chát, đắng cay, khổ nhục để rồi đến giai đoạn cuối cùng, nếu cảm thấy mình không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, sẽ quyết định từ bỏ người chồng. Sự ly thân thường bắt đầu sau nhiều đau khổ, cân nhắc, tính toán thiệt hơn cho bản thân và con cái.
Nhiều trường hợp người chồng say sưa, lăng nhăng, thô bạo, nhưng người vợ vẫn khó từ bỏ ra đi vì rất nhiều lý do. Người vợ thương con sẽ không muốn con mình xa lìa người cha ruột thịt của nó. Hơn nữa, nếu sống riêng, bà vợ hay ông chồng có đủ khả năng tài chánh để trả tiền hai nơi ở, và lo lắng cho con cái ăn học đầy đủ được không? Người đàn bà phải thực tế nghĩ đến những vấn đề cần phải giải quyết sau khi dọn ra sống riêng. Ai sẽ đưa rước con cái đi học, về nhà? Ai trông nom, săn sóc, dạy dỗ chúng? Nếu sống riêng người chồng có khả năng trả tiền nhà và chu cấp vợ con hay không? Bản thân người vợ có thể sống một mình để dần dần học thêm Anh ngữ, tìm việc làm, học lái xe hay không, v.v. Đôi khi bạn nghĩ con trai cần người cha dạy dỗ dễ dàng hơn người mẹ vì người cha biết rõ tâm lý và sở thích của con trai hơn người mẹ. Nên bạn do dự, kiên trì lâu hơn, cầu nguyện nhiều hơn, mong người chồng sẽ có lúc hồi tâm sửa đổi, không đối xử nhẫn tâm với vợ và các con nữa. Vì vậy, có người đã chịu đựng nhiều năm, có khi hơn mười năm mới tiến đến giai đoạn ly thân, ly dị.
Những bạn gái trẻ trung, chưa có con, có thể quyết định từ bỏ ra đi dễ dàng hơn để tránh cảnh bị bóp cổ, bị đập đầu vào tường, bị hành hạ xác thân trong vấn đề tình dục, hay bị tra khảo để lấy tiền đi cờ bạc, nhậu nhẹt… Muốn dọn ra sống riêng, bạn có thể dự tính bước đầu có thể ở nhà tạm trú (shelters) trong vài tháng hay một năm để học Anh ngữ, học nghề, tìm việc làm, dành dụm tiền. Sau đó mới bắt đầu tìm chỗ ở riêng hay chia phòng với bạn gái khác. Hiện nay, vùng Hoa Thịnh Đốn có mở những lớp huấn nghệ ngắn hạn trong một năm trong ngành y tế để giúp đỡ học viên trở thành những nhân viên y tế được chứng nhận (Certified Nursing Assistant – CNA). Bạn cần hội đủ tiêu chuẩn để bắt đầu học nghề y tế này. Vấn đề nan giải là nạn nhân có chuẩn bị sống tự lập một mình không? Có người nấn ná ở lại với kẻ hung bạo thêm một thời gian để học thêm Anh văn, tìm việc làm rồi sau đó mới quyết định ra đi. Có người chịu đựng nhục nhã, lo sợ hàng ngày… để con mình có chỗ ăn ở yên ổn vì chúng vừa mới lọt lòng mẹ. Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ dứt khoát gọi cảnh sát sau khi sanh để được cứu cấp vì không ai lo thức ăn uống cho bà mẹ và em bé mới sanh. Mỗi hoàn cảnh đều khác nhau đưa đến những quyết định và chọn lựa khác nhau. Miễn là trong bất cứ hoàn cảnh nào, phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ an toàn, khỏe mạnh, không bị hiếp đáp bất công, không bị đã thương hay đe doạ đến tính mạng.
Có người dọn ra đi, rồi quay về trở lại năm lần bảy lượt vì bản thân và con cái họ còn thương yêu kẻ bạo hành, muốn người này có cơ hội ăn năn, hối cải mặc dù trên thân thể họ đã mang nhiều vết sẹo do kẻ bạo hành gây nên. Có người lại cương quyết chấp nhận mọi chông gai, khó khổ thà sống riêng chứ không chịu bị sĩ nhục, chà đạp phi lý. Trong bất cứ trường hợp nào nạn nhân cũng có các cơ quan, tổ chức bất vụ lợi bênh vực và giúp đỡ. Họ có thể học các lớp Anh ngữ miễn phí, được các luật sư giúp xin thẻ xanh miễn phí, hay đươc giúp đỡ ly thân, ly dị miễn phí. Họ cũng có thể đi bác sĩ hay tham vấn với bác sĩ tâm bệnh miễn phí. Nhất là những nạn nhân bị chấn thương tâm lý nặng nề, dễ khóc, mất ngủ, lo sợ viễn vông, hay có ý nghĩ tự tử… cần đến bác sĩ tâm bệnh để được chữa trị đúng cách. Gia đình, bạn bè, hay thân nhân có khi không dám giúp đỡ các nạn nhân bị bạo hành vì sợ chỉ làm khó khăn thêm cho họ mà thôi. Bệnh tâm sinh lý của nạn nhân bị bạo hành rất tế nhị, nan giải, cần mất nhiều thời gian và chữa trị đúng cách mới mong khỏi hẳn được. Nạn nhân bị bạo hành chí mạng có thể trở nên bất bình thường hay hóa điên dại suốt đời. Đây là một bài học cho những ai nghĩ rằng hôn nhân là một vấn đề đơn giản, không chịu suy nghĩ chính chắn trước khi lập gia đình, hay quyết định lập gia đình chỉ để được sang Hoa Kỳ sinh sống… Có rất nhiều phụ nữ được chồng bảo lãnh sang Hoa Kỳ vài tháng là xảy ra cảnh bị giam hảm ở nhà suốt ngày, suốt tháng, suốt năm chỉ để làm việc trong nhà, nấu cơm, dọn dẹp, làm vườn. Ngoài ra không biết chút nào về cuộc sống bên ngoài, nói chi đến các vấn đề pháp luật, nhân quyền hay tài chánh, kinh tế gì khác.
Trong mọi trường hợp, an toàn tánh mạng vẫn quan trọng nhất. Khi thấy mình và các con có thể bị nguy hiểm đến tánh mạng là phải gọi cảnh sát đến ngay. Đừng để bị đánh nhừ tử rồi mới gọi cảnh sát. Có người để cho bị đánh bầm mình, ra máu, gần ngất xỉu, mới chịu gọi cảnh sát vì không nở gọi cảnh sát bắt đi người thân của mình và các con. Có người còn phải chịu sự trách móc của gia đình chồng sau khi ra khỏi nhà thương vì bị chồng đánh đập quá tay. Công lý, pháp luật ở đâu? Đạo đức, trí tuệ nơi đâu? Hay đây là nhân quả nhiều đời kiếp giữa hai người, hai họ? Là hậu quả của kiếp sống nghèo nàn, thiếu học vấn, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa? Là quyết định sai lầm của những phụ nữ bị tình ái làm si mê, khờ dại? Có các bậc cha mẹ, sau khi khuyên giải con cái nhiều lần là đừng để chồng đánh đập hoài v.v., đã không muốn dính dáng đến cuộc sống riêng tư của các con, không muốn bị hiểu lầm là cố tình phá hoại gia đình các con. Anh chị em, bạn bè, người thân cũng rất e ngại khi phải can thiệp vào đời sống riêng tư của người khác nếu họ không thích lắng nghe.
Chúng ta nên lắng nghe ý kiến của người khác để học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức của họ. Chúng ta nên cởi mở tìm hiểu đời sống mới, quan niệm mới, và các nguồn thông tin mới nơi xứ người. Chúng ta có quyền bảo vệ văn hóa tốt đẹp của đất nước mình, cũng có quyền và trách nhiệm sửa đổi những quan niệm sai lầm, cổ hủ, bất công, vô nhân đạo đối với phụ nữ và trẻ em. Nơi nào con người bị chà đạp, hành hạ, gạt gẫm nơi đó không có hạnh phúc, tự do. Chúng ta may mắn sống trong một đất nước độc lập, tự do, có luật pháp, tôn trọng triệt để nhân quyền và hạnh phúc con người. Chúng ta cần suy nghĩ, đắn đo nhiều hơn để được sống an vui, hạnh phúc, tự do, không uổng phí một kiếp người trong thế gian đầy ô trọc này.
Chương trình Cộng Đồng Chống Bạo Hành Gia Đình của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Virginia, Maryland, Texas đã giúp đỡ hàng trăm phụ nữ Việt Nam bị chồng hay người thân lợi dụng, hiếp đáp, đánh đập, không tạo cơ hội cho họ được học hỏi, làm việc, sống tự do, bình đẳng như bao nhiêu người khác. Các thân chủ này đã đến với BPSOS để được hướng dẫn, thông tin, đọc tài liệu và tìm hiểu các vấn đề mưu sinh tự lập nơi xứ người. Tùy hoàn cảnh mỗi người, các thân chủ có thể sử dụng trực giác, tài năng, kinh nghiệm riêng của mình để giải quyết vấn đề bạo hành trong gia đình theo đúng nguyện vọng của họ. Họ tự quyết định gọi cảnh sát hay không, tiếp tục ở lại để xây dựng gia đình hay dọn ra riêng để đi đến ly thân, ly dị. Đa số phụ nữ sau khi dọn ra riêng đều đi làm nuôi con theo ý muốn của mình, được pháp luật bảo vệ bình an, tự xin được thẻ xanh, được các cơ quan y tế, giáo dục, xã hội giúp đỡ tận tình. Có người đã lập gia đình, có con và làm lại cuộc đời, tự mình vươn lên sống tự do hạnh phúc như bao nhiêu phụ nữ khác.
Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành của UBCNVB được sự tài trợ của Door of Hope, Fairfax County Consolidated Funding Pool (FY08) và U.S. Department of Justice, Office on Violence Against Against Women, Legal Assistance for Victims Grant Program (2006-WL-AX-0036).