Trong 3 ngày 24-26 tháng 7 năm 2018 vừa qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo triệu tập cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên về tự do tôn giáo. Tổng cộng 85 quốc gia đồng quan điểm với Hoa Kỳ đã tham dự. Mục đích chính của cuộc họp chưa từng có này là dấy lên một nỗ lực quốc tế rộng lớn và dài lâu để tạo sự thay đổi ở những quốc gia và khu vực nơi mà tình hình tự do tôn giáo đang rất u ám, trong đó có Việt Nam.
Cuộc họp 3 ngày tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa ra hai văn kiện quan trọng; Tuyên Bố Potomac và Kế Hoạch Hành Động Potomac.
TUYÊN BỐ POTOMAC*
Lời mở đầu:
Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nêu rõ: “mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, và tự do, dù với tư cách cá nhân hoặc trong tư cách cộng đồng với những người khác và một cách công cộng hoặc riêng tư, thể hiện tôn giáo hay niềm tin của trong việc giảng dạy, thực hành, thờ phượng và tuân thủ.” Sự tự do thể hiện đức tin của mình là một quyền con người do Thượng Đế ban thuộc về mỗi người. Quyền tự do tìm kiếm sự thiêng liêng và hành động một cách phù hợp — bao gồm quyền của một cá nhân hành động nhất quán với lương tâm của mình — là tâm điểm của quá trình trải nghiệm của nhân loại. Các Chính Quyền không thể tước đi quyền đó. Thay vào đó, mỗi quốc gia phải chia sẻ trách nhiệm trang trọng này nhằm bảo vệ và che chở tự do tôn giáo.
Ngày nay, chúng ta còn cách xa lý tưởng được đề ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 70 năm trước — rằng “mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo.” Quyền này đang bị tấn công trên khắp thế giới. Gần 80 phần trăm dân số toàn cầu được báo cáo là đang chịu những hạn chế nghiêm trọng về quyền này. Sự bức hại, đàn áp và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo, niềm tin, hoặc không niềm tin là một thực tế xảy ra hàng ngày cho rất nhiều người. Đã đến lúc chúng ta phải trực diện với những thách thức này.
Bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin là trách nhiệm chung của cộng đồng toàn cầu. Tự do tôn giáo là điều cần thiết để đạt được hòa bình và ổn định trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Nơi nào tự do tôn giáo được bảo vệ, các quyền tự do khác — như tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tụ tập một cách hòa bình — cũng đều phát triển. Các biện pháp bảo vệ việc thực hành tự do tôn giáo đóng góp trực tiếp cho tự do chính trị, phát triển kinh tế và thể chế pháp trị. Nơi nào tự do tôn giáo không hiện hữu, chúng ta thấy có sự xung đột, bất ổn và khủng bố.
Thế giới của chúng ta cũng trở nên một nơi tốt đẹp hơn khi tự do tôn giáo được phát triển mạnh mẽ. Xuyên qua lịch sử nhân loại, tín ngưỡng của cá nhân và của cộng đồng và sự biểu hiện của đức tin là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển xã hội. Những người có đức tin đóng một vai trò vô giá trong cộng đồng chúng ta. Đức tin và lương tâm thúc đẩy mọi người phát huy sự hòa bình, khoan dung và công bằng; giúp đỡ người nghèo; chăm sóc người bệnh; an ủi người cô đơn; tham gia vào các cuộc tranh luận công khai; và phục vụ quốc gia của họ.
Tự do tôn giáo là một quyền con người có ảnh hưởng rộng lớn, phổ quát và sâu sắc mà tất cả mọi người và các quốc gia có thiện ý phải bảo vệ khắp toàn cầu.
Với ý nghĩ đó, vị Chủ Toạ Cuộc Họp Cấp Bộ Trưởng Nhằm Phát Huy Tự Do Tôn Giáo tuyên bố:
Mọi người ở mọi nơi đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Mọi người đều có quyền sở hữu bất kỳ một đức tin hay niềm tin nào đó, hoặc không thứ nào cả, và có quyền thay đổi đức tin.
Tự do tôn giáo là phổ quát và không thể cách ly ra khỏi con người, và các quốc gia phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người này.
Lương tâm của một người là bất khả xâm phạm. Quyền tự do lương tâm, như được nêu ra trong các công ước về nhân quyền, là tâm điểm của tự do tôn giáo.
Mọi người đều bình đẳng trên căn bản người đó là một thành phần của nhân loại. Chúng ta không được phân biệt đối xử với người khác dựa trên tôn giáo hoặc niềm tin của người đó. Mọi người đều được bảo vệ một cách bình đẳng trước pháp luật bất kể họ theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo. Quyền công dân hoặc việc thực hiện quyền con người và các quyền tự do căn bản không phải tuỳ thuộc vào căn cước hoặc di sản tôn giáo.
Sự ép buộc để bắt một người chấp nhận một tôn giáo nào đó là không phù hợp với và vi phạm quyền tự do tôn giáo. Việc dùng vũ lực hay hình phạt để buộc các tín hữu của một tôn giáo nào đó hoặc những người không theo đạo chấp nhận các niềm tin khác, buộc họ từ bỏ đức tin của họ, hoặc buộc họ tiết lộ đức tin của họ là hoàn toàn trái ngược với quyền tự do tôn giáo.
Tự do tôn giáo áp dụng cho mọi cá nhân như người sở hữu quyền đó. Người tín hữu có thể thực hiện quyền này một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, và ở nơi công cộng hay tại chốn riêng tư. Trong khi các tôn giáo tự thân không có quyền con người, song các cộng đồng và định chế tôn giáo được thụ hưởng chúng thông qua các quyền con người của các thành viên của mình.
Những người thuộc về các cộng đồng đức tin và những người không theo một tôn giáo nào đều có quyền tự do tham gia các cuộc thảo luận công cộng trong xã hội của họ. Việc một chính quyền thành lập một tôn giáo chính thức hoặc một đức tin truyền thống không được làm phương hại đến tự do tôn giáo hoặc cổ suý sự phân biệt đối xử đối với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác hoặc những người không theo một niềm tin nào.
Sự hưởng thụ tích cực quyền tự do tôn giáo hoặc niềm bao hàm nhiều hình thức biểu thị và một phạm vi rộng về thực hành. Chúng có thể bao gồm việc thờ phượng, tuân thủ, cầu nguyện, thực hành, giảng dạy và các hoạt động khác.
Cha mẹ và người giám hộ hợp pháp có quyền bảo đảm việc giáo dục tôn giáo và đạo đức cho con cái của họ phù hợp với lòng tin của chính họ.
Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử chung của nhân loại và trong các xã hội ngày nay. Các di tích và vật thể văn hóa quan trọng cho các sinh hoạt tôn giáo trong quá khứ, hiện tại và tương lai cần được bảo tồn và tôn trọng.