Việt Nam: Dự Thảo Luật Tôn Giáo Đe Doạ Tự Do Tôn Giáo

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Việt Nam tu chỉnh toàn diện dự thảo luật về tôn giáo

Thông Tin Báo Chí

BPSOS, 3 tháng 11, 2015

Trưng dẫn các bất cập với luật quốc tế về bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, 27 tổ chức phi chính phủ quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự khu vực hôm nay công bố bản tuyên bố chung để ủng hộ cho lập trường của các cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam về dự thảo luật về tín ngưỡng và tôn giáo mà Quốc Hội Việt Nam chuẩn bị đưa ra thảo luận.

“Thay vì phát huy tự do tôn giáo, dự thảo luật này sẽ làm tồi tệ hơn nhiều một hiện trạng vốn đã nghiệt ngã”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, phát biểu từ thủ đô Hàn Quốc, nơi Ông đang tham dự Đại Hội 8 của Phong Trào Dân Chủ Thế Giới. BPSOS là một trong các tổ chức khởi xướng bản tuyên bố chung.

Dự thảo luật được đưa ra trong bối cảnh nhiều giới thẩm quyền quốc tế về tự do tôn giáo đã bày tỏ mối quan tâm của họ về Pháp Lệnh về Tín Ngưỡng và Tôn Giáo và Nghị Định 92. Trong bản phúc trình mới nhất, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lần nữa đề nghị chỉ định Việt Nam là Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) vì những vi phạm nghiêm trọng bởi chính quyền Việt Nam đối với tự do tôn giáo. Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng, Ts. Heiner Bielefeldt, đi đến những kết luận tương tự sau chuyến thăm viếng Việt Nam năm 2014; cuộc viếng thăm này đã bị cắt ngắn vì chính quyền Việt Nam đã liên tục can thiệp vào chuyến công tác thị sát của giới chức LHQ. Tại Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng Ở Đông Nam Á được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan mới đây, đại diện của một số cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam đã lên tiếng báo động với quốc tế về các biện pháp đàn áp mà họ phải hứng chịu.

Dự thảo luật nói trên, sẽ được Quốc Hội Việt Nam đưa ra để thảo luận vào ngày 6 thng 11 tới đây, có tác dụng củng cố hệ thống giám sát và kiểm soát bởi chính quyền vốn đã chặt chẽ, và sẽ làm sâu đậm hơn nữa sự can thiệp và kiểm soát của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo của các cá nhân và các cộng đồng.

Điều 18(3) của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, mà Việt Nam là quốc gia thành viên, đòi hỏi giới chức thẩm quyền bảo đảm rằng tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ có thể bị hạn chế theo ấn định của luật pháp và phải tuyệt nhiên cần thiết và vừa đủ để bảo vệ an ninh, trật tự, sức khoẻ hoặc đạo đức công cộng hoặc các quyền căn bản và tự do của người khác.

Những chỉ trích về dự thảo luật xoáy quanh các điều khoản cho phép chính quyền kiểm soát gắt gao các cộng đồng tôn giáo. Các đòi hỏi khắt khe về đăng ký hoạt động, kèm với sự giám sát chặt chẽ các cộng đồng tôn giáo bởi chính quyền, sẽ hạn chế một cách phi lý mọi hoạt động tôn giáo. Ngôn ngữ bao biện và mơ hồ của dự thảo luật dễ dẫn đến tình trạng chính quyền phân biệt đối xử, như đã từng xảy ra và được ghi nhận qua nhiều chứng cớ rõ ràng, đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập như Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo, Phật Giáo Thống Nhất, Công Giáo… và đặc biệt đối với các cộng đồng sắc dân thiểu số và bản địa như Tin Lành Tây Nguyên, Tin Lành Hmong, và Phật Giáo Khmer Krom.

“Ngôn ngữ của dự thảo luật cho thấy chính quyền vẫn không hiểu về tự do tôn giáo và những nghĩa vụ của Việt Nam theo luật quốc tế,” Ts. Thắng nói. “Dự thảo luật phải được tu chỉnh cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm rằng người dân Việt Nam có do thực thi niềm tin tôn giáo của họ.”

Ngoài danh sách 27 tổ chức ký tên đầu tiên, các tổ chức trong và ngoài Việt Nam vẫn có thể tiếp tục ký tên vào bản tuyên bố chung. Để ký tên, liên lạc: bpsos@bpsos.org

Văn bản tuyên bố chung: http://issuu.com/eastasiahrplatform/docs/joint_statement_on_vietnam_draft_la

Các tài liệu liên quan đến dự thảo luật:

www.dvov.org/2015/10/26/vietnamdraftlor/

 

Nếu cần thêm thông tin, xin liên lạc Cô Xuân Phương, email: elisephuong.ho@bpsos.org, tel: +01-703-538-2190

Viết một bình luận